Lịch Sử
Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925) là một trí thức, sĩ phu cùng thời với những nhà cách mạng yêu nước như Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng.
Ông có tên tự là Đỉnh Nam, Đỉnh Thần, tên hiệu là Mai Sơn còn được gọi là Ông Nghè Liên Bạt, sinh năm 1868 tại làng Liên Bạt, tỉnh Hà Đông. Ông là con rể quan Phụ Chính Đại thần Tôn Thất Thuyết, Cha ông là Hoàng Giáp Nguyễn Thượng Phiên.
Khi từ nhỏ Nguyễn Thượng Hiền đã nổi tiếng rất thông minh. Năm 1884, khi 17 tuổi, ông đỗ cử nhân ở khoa thi Hương ở Thanh Hóa. Năm 1885, ông đỗ đầu kỳ thi Hội nhưng chưa kịp xướng danh thì kinh thành Huế thất thủ, ông phải về ở ẩn tại núi Nưa, Thanh Hóa.
Đến năm 1892, ông ra thi Đình và đỗ Hoàng Giáp. Lúc đó 24 tuổi, Nguyễn Thượng Hiền được bổ làm Toản Tu ở Quốc Sử Quán, thăng Đốc Học ở Ninh Bình, rồi chuyển sang Nam Định nên ông còn được gọi là ông Đốc Nam.
Xuất thân từ một gia đình phong kiến, quý tộc, nhưng đau lòng trước cảnh nước mất nhà tan, thông cảm với nỗi điêu đứng của người dân, Nguyễn Thượng Hiền đã sớm có ý thức làm cách mạng.
Trong thời gian ở Huế, ông tìm đọc “Ðại Thế Thiên Hạ Luận ” của nhà sư Nguyễn Lộ Trạch, đọc nhiều tân thư của Trung Quốc, kết giao với nhiều sĩ phu yêu nước như Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng … Chính nhờ Nguyễn Thượng Hiền mà một số sĩ phu yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX đã biết đến những tư tưởng duy tân tiến bộ của Nguyễn Lộ Trạch và nhất là những tư tưởng mới mẻ trong tân thư Trung Quốc.
Từ năm 1898, qua sự giao tiếp với Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Thượng Hiền đã quyết chí “Ðông Du” nhưng vì phụ thân bệnh nặng nên ông đành ở lại và tự nhận nhiệm vụ vận động cách mạng trong nước.
Năm 1907 vua Thành Thái bị người Pháp buộc thoái vị, ông vào phủ toàn quyền đòi nhà nước Bảo hộ bãi lệnh nhưng không thành. Nản chí, ông giả làm thầy bốc thuốc ở hiệu "Nam Thọ", Hà Nội rồi tìm đường sang Trung Quốc hoạt động và cùng với Phan Bội Châu trong Duy Tân Hội rồi lập ra Việt Nam Quang Phục Hội để thực hiện ý chí cứu nước từ thuở thiếu thời.
Năm 1914 sau khi Phan Bội Châu bị bắt, ông là người lãnh đạo của hội. Sau khi các hoạt động của Việt Nam Quang Phục Hội thất bại, Nguyễn Thượng Hiền xuống tóc vào tu ở chùa Thường Tích Quang, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Zhejiang) và mất tại đây ngày 28 tháng 12, 1925.
Theo di chúc, thi hài ông được hỏa táng, nắm tro tàn được rải xuống sông Tiền Ðường để linh hồn ông theo dòng nước ra biển Ðông về lại với quê hương .
Ông để lại một số tác phẩm thơ, văn bằng chữ Hán, Nôm. Thơ ông chủ yếu ký thác những tâm sự của mình khơi dậy lòng yêu nước, kêu gọi dân chúng đứng lên chống Pháp.
Tác phẩm chính của ông gồm bộ:
Nam Chi Tập
Hạc Thư Ngâm Biên
Mai Sơn Ngâm Tập
Mai Hương Tập
Mai Sơn Ngâm Thảo
Tập văn xuôi Hát Đông Thư Dị của ông mang đậm tính chất truyền kỳ. Riêng thơ có hơn 600 bài đầy nhiệt tình, ngoài ra còn có tập Hợp Quần Doanh Sinh Thuyết bằng chữ Hán và hai bài Phú Cải Lương viết toàn bằng Quốc Ngữ kèm theo những câu thành ngữ, tục ngữ rất giá trị về văn chương.
Nguyễn Thượng Hiền là một nhà cách mạng yêu nước. Vì Ðộc lập của Tổ quốc, ông đã từ bỏ quan điểm Nho giáo lỗi thời, cổ vũ việc Duy tân và đoạn tuyệt với chế độ quân chủ, quyết theo khuynh hướng dân chủ.
BWS 12/2012
Lịch Sử Trường Nguyễn Thượng Hiền
Trước Năm 1975
Trường trung học phổ thông công lập tại Tân Bình được thành lập năm 1969, với tên gọi ban đầu là Trường Trung Học Tân Bình. Tháng 11 năm 1969, trường khai giảng niên khóa đầu tiên tại một ngôi trường đi thuê để học tạm là Trường Tư Thục Nhân Văn. Lúc ấy, trường Tân Bình mới thu nhận mười lớp học ở bậc Trung học đệ nhất cấp (cấp 2). Giáo sư khoảng hơn mười người.
Năm thứ hai, 1970-1971, trường mới xây xong, thầy trò trường Tân Bình dời về ngôi trường tọa lạc tại số 544 đường Lê Văn Duyệt, quận Tân Bình. Trường gồm một dãy lầu hai tầng, 12 phòng. Tám phòng ở hai tầng trên dùng làm phòng học, bốn phòng dãy trệt làm khu hành chánh.
Năm thứ ba, cơ sở trường xây dựng bổ sung thêm dãy lầu bên phải, hai tầng, 12 phòng.
Năm sau, khi quân đội Đồng Minh Ðại Hàn rút về nước, các khoảng đất trước đây do quân đội Đại Hàn làm doanh trại, nay được giao cho trường Tân Bình sử dụng. Từ dó, diện tích của trường mở rộng hơn. Trường mở thêm các lớp đệ nhị cấp (cấp 3).
Niên khóa 1973-1974, trường đổi tên mới là trường Trung học Nguyễn Thượng Hiền.
Hình Ảnh Trường TB-NTH Trước 1975
Sau Năm 1975
1985-1987: Trường bị đổi tên thành trường Cấp III Nguyễn Văn Trỗi. Sau đó không lâu, trường được đổi tên lại thành trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thượng Hiền, vinh danh nhà nho học giỏi, hiếu nghĩa và yêu nước Nguyễn Thượng Hiền.
Từ năm 1985 đến nay, trường Nguyễn Thượng Hiền được công nhận là một trường nổi
tiếng trong thành phố và toàn quốc. Tỷ lệ tốt nghiệp và tỷ lệ đỗ đại học rất cao. Ngoài ra trường cũng đạt nhiều thành tích xuất sắc trong các bộ môn
khác.
Năm 1999, trường được xây dựng, mở rộng, để trở thành một trường hoàn chỉnh, quy mô đồ sộ.
Nhà trường hiện có : 52 phòng học, 5 phòng Multimedia, 3 phòng thí nghiệm, 4
phòng bộ môn, 3 phòng điện toán, 2 thư viện, 2 hội trường, 1 phòng y tế, 1 phòng
truyền thống, nhà thể thao đa năng, và 1 hồ bơi.
BWS 12/2012
Lịch Sử Thành Lập Hội
Sau biến cố 30 tháng 4, 1975 rất nhiều cựu học sinh đã di tản khỏi Việt Nam và định cư rải rác trên khắp nơi trên đất Mỹ và nhiều quốc gia khác như Gia Nã Đại, Úc, Đức và Pháp… Lúc bấy giờ tìm kiếm nhau rất khó khăn, chỉ nhờ 1 vài tờ báo ở hải ngoại, điện thoại hoặc liên lạc bằng thư từ. Cũng may cho chúng ta là anh Hồ Văn Xuân Nhi làm việc cho hãng điện thoại nên có cơ hội liên lạc thường xuyên với thầy cô và bạn bè.
Tháng 6 năm 1982, HVXN đã tổ chức buổi họp mặt đầu tiên tại vùng Orange County, CA và rất hân hạnh có sự hiện diện của thầy Nguyễn Đức Tuyên giáo sư dạy Công Dân và nhiều cựu học sinh từ xa về tham dự như Pháp, Chicago, San Jose, San Diego cũng như ở Quận Cam. Từ đó Nhóm Thân Hữu Cựu Học Sinh Tân Bình - Nguyễn Thượng Hiền Hải Ngoại được thành hình dưới sự chủ trương của HVXN.
Những năm sau đó HVXN cũng có tổ chức những buổi họp mặt khi nào có thầy cô hay bạn bè ở xa đến nhưng không được đều đặn hàng năm.
Đến năm 2009, 10 anh chị em cựu học sinh (10 sáng lập viên) cùng một số quý anh chị ở vùng Nam Cali quyết định sẽ thành lập Hội để có một cơ cấu hàng năm tổ chức Đại Hội để quý thầy cô và quý cựu học sinh có cơ hội gặp gỡ nhau. Quý Ban Vận Động Thành Lập Hội được thành hình và HVXN làm trưởng nhóm và Minh Tuấn nhận trách nhiệm soạn thảo bản điều lệ. Nhiệm vụ của Ban Vận Động là tổ chức Đại Hội Kỳ 1 để thành lập Hội, và bầu Ban Điều Hành đầu tiên.
Tháng 9 năm 2010, Đại Hội Kỳ 1 được tổ chức tại Quận Cam với gần 200 cựu học sinh, thân hữu và rất đông quý thầy cô tham dự. Bản Điều Lệ đã được biểu quyết và đại hội đã bầu HVXN làm hội trưởng nhiệm kỳ 1, 2010 – 2012. Hội Cựu Học Sinh Tân Bình Nguyễn Thượng Hiền Hải Ngoại chính thức được thành lập ngày 5 tháng 9 năm 2010.
Ban Điều Hành nhiệm kỳ 1 làm việc rất hăng say đã tổ chức 2 Buổi Đại Hội Kỳ 2, Kỳ 3 rất thành công và thực hiện được 2 tờ đặc san rất có giá trị về nội dung lẫn hình thức. Trong buổi Đại Hội Kỳ 3, đã bầu Bùi Anh Tuấn (Minh Tuấn) làm hội trưởng nhiệm kỳ 2, 2012-2014.
BWS - 01/2013