Đại Hội Kỳ 1

Đại Hội Kỳ 1

Trưa Chủ Nhật 5 tháng 9 năm 2010

Déjà Vu Restaurant

Bầu hội trưởng nhiệm kỳ 1, 2010-2012

 

  • Hình Ảnh & Video
  • Tâm Thư của Hồ Văn Xuân Nhi
  • Bài Tường Thuật trên Việt Báo của Nguyễn Đức Tuấn
Đại Hội Kỳ 1 - Ban Họp Ca
Học Trò Nguyễn Thưọng Hiền. (??), Nguyễn Trần Kim-Thoa, Nguyễn Hồng Vi, Phạm Vũ Bạch, Nguyễn Hồng Ân, (??), Nguyễn Hồng Vinh và Nguyễn Thị Ngọc Liệu.

 

Tâm Thư của HVXN

 

 

Các Bạn thân thương,

 

Cho phép Hồ Văn Xuân  Nhi mạo muội có những tâm tình với các bạn. Những lời thân tình gửi đến các bạn  các cấp lớp dù ở bất cứ năm học nào, niên khóa nào, viết từ trái tim rất thật.  Trong thương yêu của mái trường ngày thuở nhỏ, tuổi học sinh trung học!!

 

HVXN bắt đầu học  trường trung học Tân Bình từ năm 1969, năm lớp 6 bắt đầu trung học. Ngày cuối  cùng là ngày 28 tháng 4 năm 1975, khi trường lớp vẫn còn mở cửa, bạn bè vẫn  còn đó, thầy cô vẫn dạy học một ngày như mọi ngày, nhưng HVXN đã lén lút bỏ trường, bỏ quê hương ra đi trên một chuyến bay rời khỏi căn nhà thương yêu ở Tân Sơn Nhất, rời khỏi ngôi trường thân yêu mang tên lúc đó đã là Nguyễn Thượng  Hiền khi mà sách vở vẫn còn trong tay, rời khỏi bạn bè thương yêu lúc đó còn đông lắm còn nhớ lắm, vậy mà chẳng có lời từ biệt với ai, rời khỏi một quê hương mà lòng mình đã nguyện hứa suốt một đời vẫn mãi chỉ là quê hương của HVXN. Sự thật là giọt nước mắt đầu tiên rơi xuống khi ngồi trên chuyến bay ra đi đó, là nhớ trường mình, biết mình nay sẽ xa vắng thầy cô và bạn bè.

 

Những ngày còn đi học ở Tân Bình, hay là Nguyễn Thượng Hiền sau này, HVXN không phải là một học sinh giỏi. Học trò dốt lắm thì đúng hơn. Suốt 6 niên khóa ở trường, chưa bao giờ có lần xếp thứ hạng trên 10, chưa bao giờ có lãnh thưởng ban khen. Năm học cuối cùng, HVXN suýt bị thầy Hiệu trưởng lúc đó cho sa thải kỷ luật thì đúng hơn.
 

Chuyện xưa xấu hổ nên thôi không kể ra chi tiết làm gì. Nhưng ngày ra đi, HVXN mang theo quyển sách xưa kia chúng ta gọi là LƯU BÚT NGÀY XANH. Quyển lưu bút năm lớp 9, có chữ ký và lời viết của tất cả bạn bè từng cùng cấp lớp 6A3 cho đến 9A3, và những bạn bè khác lớp nhưng thân thiết khác. Bỏ lại thứ gì thì bỏ, HVXN nhất định mang theo người quyển Lưu Bút mùa Hè năm 73 đó. Quyển lưu bút với các bạn bè học trò Tân Bình - Nguyễn Thượng Hiền vẫn còn lưu giữ cho đến hôm nay. Cho dù HVXN đã bạc đầu ở tuổi 52.

 

Cái tên Tân Bình hay Nguyễn Thượng Hiền khắc ghi trong tim HVXN như tên một tình nhân ngày tuổi mới biết yêu. Không thể quên được, không thể chết được và không thể cách xa được. Sang đến nước Mỹ định cư, vào học năm lớp 12 trung học ở Mỹ, mới thấy trường học ngày xưa ở quê hương mình là vui hơn bao nhiêu, thân tình hơn bao nhiêu, kỷ niệm đẹp hơn bao nhiêu. Suốt cả 1 năm trung học lớp 12 ở Mỹ và 4 năm Đại Học ở xứ người, HXVN vẫn không có thêm người bạn học thân tình nào khác hơn là những người bạn học xưa kia ở trường Nguyễn.

 

Ngay từ năm 1981, HVXN tổ chức lần đầu tiên Ngày Họp Mặt Cựu Học Sinh và Thầy Cô của trường TB-NTH đang có mặt ở Hoa Kỳ,tại nhà riêng của mình ở thành phố Los Alamistos. Lần đó chỉ có hơn 30 bạn bè các cấp lớp về tham dự. Chỉ có thầy Nguyễn Đức Tuyên là thầy giáo duy nhất có mặt lần đó. Ngày đó vui lắm. Nhìn lại bạn bè mới
cách xa nhau có vài năm, mà nước mắt mừng rỡ rưng rưng.

 

Những năm sau đó, thỉnh thoảng đôi ba năm mới một lần, HVXN vẫn tụ tập và triệu tập bạn bè rồi mời các thầy cô đến họp mặt với nhau trong vòng tay tình thân của thầy và trò trường Nguyễn năm xưa. Chẳng phải là đại hội, chẳng có hội đoàn danh xưng trường Nguyễn, nhưng để vui gặp lại nhau hàn huyên kỷ niệm của những ngày áo trắng quần xanh hay áo dài trắng thướt tha lụa là ở sân trường có cây cột cờ chính giữa, một ngôi bệnh viện vừa xây đối diện cổng trường, một đồn cảnh sát nằm sát lớp học. Chúng tôi đã gặp nhau, kể lại nhau nghe chuyện của mày, chuyện của tao, chuyện thằng kia, chuyện con nọ, chuyện thầy khó, cô thương. . . Vậy mà vui quá, buồn mà vui, nhớ nhung mà hạnh phúc. Hình ảnh trường Nguyễn xưa kia, hay cái tên Tân Bình lúc trước còn đong đầy trong ký ức tất cả chúng tôi, tất cả chúng ta.

 

35 năm ở Mỹ, những người bạn mà tôi thân nhất hôm nay vẫn chỉ là những người bạn đã từng cùng học chung lớp chung trường xưa kia . Tôi muốn nói là trường Nguyễn Thượng Hiền. 35 năm ở Mỹ, những người bạn mà tôi thương nhất hôm nay vẫn chỉ là những người bạn đồng lớp, cùng thầy xưa kia. Tôi muốn nói là trường Tân Bình. Tôi không tìm được bạn học người Mỹ nào có thể cùng nhau tri kỷ như bạn bè trường Nguyễn.

 

Bao nhiêu năm qua, HVXN nhớ bạn nhớ thầy, ước ao những cơ hội trùng phùng nhau, nên đã sẵn sàng tổ chức những lần họp mặt vui nhau và nhớ nhau hơn thêm. Cũng đã hơn chục lần họp mặt bạn bè thầy cô ở nước Mỹ này. HVXN đã nhiều lần quay về thăm quê hương, tôi cũng không lần nào quên có những buổi ngồi lại với nhau với bạn bè cũ hay với thầy cô cũ. Tôi chưa bao giờ thương nhớ những người bạn học hay bạn làm việc chung ở xứ Mỹ này, dù 35 năm ở Mỹ đã hơn gấp đôi thời gian tôi đã sống và lớn lên ở quê hương Việt Nam. Tôi chỉ có thể nhớ thầy nhớ cô nhớ bạn bè cùng lớp trường Tân Bình – Nguyễn Thượng Hiền năm xưa mà thôi.

 

Ngôi trường đó đã dạy cho tôi thế nào là quê hương muôn thuở bất diệt. Tôi chỉ sống ở nước Việt chưa đến 17 tuổi. Thời đó, chưa biết hình ảnh quê hương ra sao ngoại trừ những con đường thành phố đã đạp xe đi học mỗi ngày mưa nắng. Thời đó, tôi chỉ biết hình ảnh quê hương qua ngôi nhà đang ở và mái trường đang học. Cho nên, đối với tôi, quê hương chính là ngôi trường năm xưa. Ngày tôi lưu vong sang nước Mỹ, tôi mang theo quê hương chính là ngôi trường Tân Bình Nguyễn Thượng Hiền trong ký ức.

 

Bạn bè cùng lớp cùng trường năm xưa, chính là những con người của đất nước mà tôi thương nhớ. Tôi không nhớ chủ nghĩa hay chế độ, dù năm xưa hay bây giờ. Tôi chỉ biết con người còn ở quê hương là những người bạn vô cùng sâu sắc tình người, sâu đậm tình nghĩa với tôi. Những ngày tôi về lại quê hương, bạn tôi tìm đón tôi, chờ đợi tôi với trái tim, với kỷ niệm, với tình người Việt Nam. Cho nên, tôi nhìn con người quê hương tôi qua những bạn bè xưa cũ để biết mình cũng vẫn còn chảy trong tim một giòng máu Việt Nam.

 

Tất cả những con tim khối óc còn có trong tôi đã đến từ trường xưa. Trường Tân Bình Nguyễn Thượng Hiền. Nếu HVXN không có may mắn học ở trường Nguyễn suốt 6 năm, thì chưa chắc còn có được một trái tim một khối óc người Việt Nam như thế.

 

Đã nói về bạn bè, đã nói về trường xưa, HVXN muốn nói về Thầy Cô. Chúng ta đi học có biết được câu nói: “Quân – Sư – Phụ”. Trong chúng ta đều hiểu rõ ngụ ý câu này. Nói thực tế hơn, bổn phận người Công Dân đầu tiên, đến bổn phận người Học Trò, rồi đến bổn phận người làm Con. Như thế Thầy Cô chúng ta quan trọng biết dường nào. Ở nước ta hôm nay, hằng năm tháng 11 có ngày cho Thầy Cô Giáo. Học trò trường Nguyễn chúng ta xưa và nay, vẫn thường hội họp nhau hằng năm vào tháng 11 để Tạ Ơn Thầy. Bên nước Mỹ, chúng ta chưa làm được điều đó. Ở quê nhà, các học trò trường Nguyễn đủ bao thế hệ, đủ bao niên khóa, vẫn hằng năm đôi ba lần họp mặt nhau, cho bạn bè, nhưng lớn hơn là cho các Thầy Cô. HVXN có dịp đôi lần tham dự các buổi sinh hoạt họp mặt đó, được gặp lại các Thầy Cô năm cũ. Thầy Cô nay đã già, tất cả vẫn nghèo, nghèo hơn xưa kia. Nhưng mỗi lần hội họp nhau như thế ở quê nhà, các Thầy Cô nước mắt rưng rưng, vì biết mình vẫn còn địa vị trong xã hội. Địa vị của người làm Thầy trong lòng những người học trò xưa cũ. HVXN vẫn mơ ước hằng năm ở nước Mỹ, nơi mà chúng ta có phương tiện và điều kiện, hãy có với nhau những ngày cho Thầy Cô chúng ta. Ở bên Mỹ này, tuy là vùng đất cơ hội tốt đẹp hơn, nhưng các Thầy Cô chúng ta xưa kia nay ở bên này, vẫn là những con người đang buồn bã chỉ biết sống với kỷ niệm, nhớ trường nhớ học trò. Mỗi lần gặp lại học trò, các Thầy Cô mừng r lắm các bạn ơi!. Tuổi trẻ bạn bè học trò gặp nhau có lắm điều hiện tại để khoe nhau, nhưng các Thầy Cô chúng ta chỉ có quá khứ với ngôi trường để ôn lại cho nhau nghe mà thôi. Nhưng HVXN biết rõ, các Thầy Cô chúng ta hạnh phúc vô cùng, hãnh diện vô ngần, khi biết đến một người học trò thành công, thành danh hay thành người.

 

Làm học trò, ngoài câu chào câu hỏi thăm, sự thật học trò chúng ta đã chẳng có làm gì nhiều đâu để đền đáp ơn Thầy, công Cô? HVXN vui mừng, cảm động khi biết được, chứng kiến được những nỗ lực của những người học trò tìm cách giúp đ các thầy cô cũ đang khó khăn trong cuộc sống. Các Thầy Cô cũng nước mắt tuôn tràn khi các học trò xưa tìm đến thăm hỏi, vấn an, và chia sẻ với mình. Thầy Cô cũng đâu ngờ trong cái nghề dạy học bất hạnh lại có những lúc hạnh phúc bất ngờ, đến từ các học trò mình ngày xưa. Học trò người Việt hay hơn học trò người Mỹ, bởi vì biết yêu kính Thầy yêu thương Cô, có biết trọng chữ Sư ngày xưa đi học. Thầy Cô đem hết kiến thức truyền dạy cho học trò, ngày sau học trò nhờ kiến thức đó mà nên danh, nên người. Thầy vẫn nghèo trong nghề giáo bạc bẽo hôm nay. Trò có lắm người hôm nay tiền rừng bạc biển, chức phận cao sang. Nhưng Thầy sẽ vẫn chết mà không hối tiếc nghề làm Giáo, khi thấy người Học Trò năm xưa tìm đến cung kính một lời tạ ơn. HVXN hãnh diện vì ngôi trường chúng ta năm xưa đào tạo được vô số những người học trò còn biết kính Thầy nhớ Cô như thế. Đó là sự thật, hãy cùng nhau tự hào về điều đó. Hình ảnh này HVXN đã chứng kiến ở nhiều nơi, nhất là ở trong nước.

 

HVXN rất tự hào về ngôi trường chúng ta. Hàng trăm ngàn con người hôm nay đã được đào luyện từ ngôi trường Tân Bình – Nguyễn Thượng Hiền. Chưa kể ngày hôm nay, trường Nguyễn chúng ta là ngôi trường cấp “Tuyển” ưu tú nhất nhì miền nam Việt Nam. Cả nước đều biết tên trường Nguyễn Thượng Hiền. Học trò trường Nguyễn dù ở hải ngoại hay trong nước, hầu hết đều thành công trong sự nghiệp, thành danh trong xã hội, hay thành người trong cuộc sống. Nhân tài từ trường Nguyễn đông lắm. Kể sao hết, đếm sao đủ. Vinh danh năm bảy người học trò thành công hôm nay, chỉ là điều làm tượng trưng để vinh danh chính cái tên Nguyễn Thượng Hiền hay Tân Bình năm xưa, nhưng chính là sự vinh danh cho các Thầy Cô chúng ta. Sự thành công hôm nay của bất cứ ai trong đám học trò chúng ta xưa kia, đều chính là do ngôi trường năm xưa và thầy cô năm cũ. HVXN thiết nghĩ, nếu có cơ hội vinh danh bất cứ ai học trò trường chúng ta, là điều nên làm, phải làm. Vì như thế, chúng ta đang vinh danh trường chúng ta. Thầy Cô sẽ hãnh diện vô cùng, mừng r vô cùng. HVXN luôn luôn tự hào nhận mình là học sinh Tân Bình, học trò Nguyễn Thượng Hiền. Xưa kia trường mình nhỏ xíu, phòng ốc chỉ có 2 dãy nhà, còn đang khai khẩn đất mới để phát triển. Vậy mà học trò trường Nguyễn ngày nay kể ra những ai thành công, thành danh và thành người, Ôi! Đếm sao cho hết!

 

Làm con người, chúng ta sống với cội nguồn. Cội nguồn của chúng ta hôm nay, có lẽ không khác hơn chính là mái trường trung học năm xưa. Mỗi lần ngồi với các bạn bè cùng trường cùng lớp năm cũ, nhắc nhau chuyện nghịch ngợm năm xưa, kể nhau chuyện tình áo trắng thư sinh hay tà áo bay, ôn nhau chuyện sân trường, chuyện trốn học lang thang bên ngoài cổng trường, hay nhớ lại chuyện thằng này cua gái con nhỏ kia, hay cô bé này thầm thương anh chàng đó... ôi, tuyệt vời lắm, phải không các bạn?. Ở tuổi HVXN, ở lứa tuổi đã hơn 50 rồi đó, nhưng nhớ lại thuở học trò.. sách chẳng cầm tay.. thì cứ thấy bâng khuâng thế nào đó. Nhớ nh thương thương một hình ảnh nào đó. Cho nên, mỗi lần có cơ hội tìm gặp lại nhau, HVXN vẫn cho đó là dịp may trong cuộc đời, hạnh phúc nhất!

 

Trường Nguyễn Thượng Hiền ở hải ngoại chưa bao giờ có Hội. Trường Nguyễn Thượng Hiền chưa bao giờ được các trường bạn (ở Mỹ) mời tham gia những buổi sinh hoạt liên trường. Ở Cali có các hội cựu học sinh liên trường, bao gồm hàng chục trường nổi tiếng xưa kia... đếm đi, có Petrus Ký, có Gia Long, có Chu Văn An, có Hồ Ngọc Cẩn, có Trưng Vương, có Võ Trường Toản, có Nguyễn Du, . . . nhiều lắm lắm. Chẳng bao giờ mời đến trường NTH chúng ta cả vào liên hội của các trường khác. Bởi vì chúng ta chưa hề có một Hội chính thức. Đa số các trường đều lập Hội, hằng năm liên hoa gặp gỡ nhau. Bạn bè ôm nhau, thầy trò ôm nhau. Trường Nguyễn chúng ta tại hải ngoại vẫn không làm được điều đó, cho dù con số cựu học sinh ở hải ngoại đã lên đến hàng ngàn.

 

Bạn bè ơi, bạn nghĩ sao hả? Chúng ta có nên nối vòng tay lớn thành một hội vì là một nhà một trường với nhau không? Bạn bè ơi, bạn nghĩ sao hả? Cái tên Tân Bình Nguyễn Thượng Hiền có xứng đáng cho chúng ta cùng tự hào vỗ ngực, này tôi là học trò? Bạn bè ơi, bạn nghĩ sao hả? Chúng ta có nên gặp nhau, ôn nhau kỷ niệm ngày xưa, nhắc nhau chuyện cũ ngày nào, và ôm Thầy Cô chúng ta nói ba ch Tạ Ơn Thầy? Bạn bè ơi, bạn nghĩ sao hả? Chúng ta có nên quên đi quá khứ trường cũ, kỷ niệm bạn xưa, để chỉ sống với hiện tại thực tế mà thôi? HVXN thì sẽ không thể sống với thực tế mà bỏ quên quá khứ học trò trường Nguyễn như thế được. Dù là niên khóa nào, năm học nào, cấp lớp nào... chúng ta vẫn là đồng môn chung Thầy, chung một mái Trường, cùng nhau hãnh diện cho nhau vì cái tài người này, cái hay người kia, cái tinh thần Nguyễn Thượng Hiền trong chính tôi, chúng ta có cần bày tỏ tinh thần đó chăng?

 

Tất cả là lý do cho ngày đại hội 05 tháng 09 năm 2010. Hai từ Đại Hội có vẻ to lớn vì con số tham dự không xứng đáng để gọi là một đại hội cho một ngôi trường đã có trên hàng ngàn cựu học sinh, ngay tại hải ngoại này. Nhưng chúng ta hãy về cùng họp mặt nhau đây, nối lại vòng tay, xây lại tình người đồng môn, rồi còn trả nợ Thầy trả nợ Cô, cho dù ân Thầy sẽ không bao giờ trả hết, nhưng chỉ một lời hay ánh mắt nhìn nhau,… này cô còn nhớ em không? Này thầy còn nhận ra em là ai không? Bấy nhiêu lời thôi, sẽ làm thầy cô hạnh phúc lắm đó các bạn ơi.

 

HVXN không mời các bạn về để lập Hội xưng danh xưng hùng với thiên hạ, cho dù trường ta hôm nay danh xưng thiên hạ nghe đến phải cúi đầu ngưỡng phục. HVXN mời các bạn hãy cùng về để lập Hội anh em với nhau, có Thầy Cô làm cha mẹ, cùng mang tình thương người của trường Nguyễn đi khắp nhân gian. Để mãi mãi, và kiếp kiếp, trường NGUYỄN THƯỢNG HIỀN sáng chói, Thầy Cô mãn nguyện đắc chí, Học Trò tự hào danh mình!

 

 

HVXN trân trọng kính mời các Bạn, các Thầy Cô cùng tìm về ngôi trường và kỷ niệm với nhau, trong ngày Thứ Bẩy 02 tháng 07 năm 2011. Đời sống không có bao lâu. Thời gian không dài bất tận cho kiếp con người. Hãy đến với nhau khi còn có thể. Bỏ đi một cuối tuần bận rộn công việc, để tìm lại hương xưa màu trắng tinh khôi, các bạn nhé!!

 

 

Có lời nhạc: Quê Hương Là Chùm Khế Ngọt, Ai Chưa Hiểu Ni, Chưa Thể Làm Người!! Trường Nguyễn Thượng Hiền hay Tân Bình là Quê Hương của mỗi người học trò đã từng cắp sách vào lớp nơi chốn đó!!

 

Mong lắm thay!!

 

 

HỒ VĂN XUÂN NHI– 04/2010

(TB – NTH 1969 – 1975)

 

Fashion Show - Nguyễn Thị Ngọc Liệu phụ trách.

Tưng Bừng Đại Hội Cựu Học Sinh

Trường Nguyễn Thượng Hiền

 

Sáng Chủ Nhật ngày 5 tháng 9 năm 2010, gần 200 cựu học sinh trường Tân Bình - Nguyễn Thượng Hiền, quan khách thân hữu tề tựu về nhà hàng Déjà vu café and lounge để tham dự ngày đại hội cựu học sinh và thầy cô trường Tân Bình - Nguyễn Thượng Hiền.

 

Chương trình bắt đầu mở màn đúng 11 giờ 30 trưa với phần biểu diễn của đoàn Lân chùa Thiền Quang thật vui tươi và xôm tựu, MC chương trình là cựu học sinh cũng là nhạc sĩ Minh Tuấn, sau những nghi thức như giới thiệu tên các thầy cô giáo và những cựu học sinh từ xa về tham dự đại hội, đặc biệt có một số cựu học sinh đến từ Việt Nam và các nơi xa xôi như Canada, Texas, Florida, South Dakota, Colorado, Washington State, Oregon, San Jose, Sacramento, Modesto, San Diego…

 

Cũng trong phần mở đầu, ban tổ chức đã trao tận tay những tấm Plaque kỷ niệm đến các vị thầy cô, sau đó là phần bầu cử để chọn ra những cựu học sinh đại diện cho hội cựu học sinh Nguyễn Thượng Hiền trong hai năm sắp tới 2010 – 2012, người ta thấy trong số quan khách danh dự có sự hiện diện của một số anh chị em trong giới truyền thông như đại diện báo Người Việt, báo Trẻ, đài Sài Gòn TV, đài VNITV, đài TV LA 18, cùng những đại diện các hội cựu học sinh trường bạn cũng đến dự giao hữu, đây là lần đầu tiên các cựu học sinh trường Tân Bình - Nguyễn Thượng Hiền góp mặt chính thức, quy mô để cùng nhau thành lập một hội cựu học sinh Tân Bình - Nguyễn Thượng Hiền tại hải ngoại, trong quá khứ cũng đã có nhiều lần họp mặt các cựu học sinh và thầy cô nhưng đây mới là lần tổ chức hoành tráng nhất để tất cả các cựu học sinh từ khắp nơi trên thế giới có thể theo dõi từng bước những diễn tiến của đại hội.

 

Trong số những cựu học sinh trường Tân Bình - Nguyễn Thượng Hiền có các nhân vật thương gia tên tuổi trong cộng đồng Việt Nam tại Orange County như anh Michael Du, Thomas Đào, M.D Michael Đào…

 

Anh Hồ Văn Xuân Nhi đã đại diện ban tổ chức đọc diễn văn chào mừng đại hội, sau đó là những thước film slide show đã được chiếu chầm chậm trên màn ảnh, gợi lại những kỷ niệm ngày xưa của trường Tân Bình - Nguyễn Thượng Hiền .

 

Thầy cựu hiệu trưởng Nguyễn Tiến Thành mặc dù sức khỏe còn yếu nhưng ông cũng đã bỏ thời gian, cố gắng đến tham dự chương trình để cổ vũ tinh thần tất cả các anh chị em cựu học sinh, trong phần khai mạc thầy cựu hiệu trưởng đã phát biểu đôi lời chào mừng  đến toàn đại hội, chị Kim Thanh - một trong những cựu học sinh “lão niên” trường Tân Bình đã góp tiếng hát bằng một ca khúc nói về tấm lòng của người học trò đối với các thầy cô giáo thật xúc động…

 

Sau phần bầu ban đại diện mới của hội cựu học sinh trường Nguyễn Thượng Hiền, kết qủa cho thấy một vài anh chị em cựu học sinh đã được sự tín nhiệm giao cho trọng trách lãnh đạo hội trong hai năm sắp tới như:

 

1. Hồ Văn Xuân Nhi

2. Thomas Đào

3. Phương Vũ

4. Hồng Vinh

5. Minh Tuấn

6. Nguyễn Nhiên

7. Nguyễn Hồng Ân.

 

Một tin vui ngay giữa lúc đại hội đó là website của cựu học sinh Tân Bình - Nguyễn Thượng Hiền đã vừa được thành lập xong với địa chỉ: chs-tb-nth.com

 

Phần văn nghệ của chương trình được một số tiếng hát của các cựu học sinh trường NTH đảm trách, đặc biệt có hai ca sĩ chuyên nghiệp thân hữu đã bỏ thời gian đến đóng góp tiếng hát của mình cho đại hội đó là ca sĩ Lilian, Fatima. Chương trình còn có nhiều tiết mục hấp dẫn khác thu hút quan khách đến dự, buổi ăn trưa thật thịnh soạn của đại hội cựu học sinh Tân Bình - Nguyễn Thượng Hiền do nhà hàng Deja Vu chăm sóc.

 

Đúng 3 giờ chiều, chương trình bế mạc, tuy thế quan khách dường như vẫn còn chưa muốn ra về vì những luyến tiếc của tình thầy cũ - bạn xưa… Thành công, có lẽ đó là câu nói duy nhất có thể chấm phá cho buổi họp mặt, gặp gỡ của cựu học sinh trường Tân Bình - Nguyễn Thượng Hiền, không riêng gì ban tổ chức mà tất cả các thầy cô giáo, cựu học sinh đều ước muốn mỗi năm hội cựu học sinh Tân Bình - Nguyễn Thượng Hiền sẽ tổ chức hội ngộ một lần.

 

Nguyễn Đức Tuấn

Theo Vietbao

Bài viết nầy đăng trên Việt Báo

 

Quan Khách