TÂM TÌNH TỪ CỰU HỌC SINH

TRẦN QUỐC AN

(NIÊN KHÓA 1974)

NHÂN DỊP THAM DỰ ĐẠI HỘI KỲ 8 

NGÀY 02 THÁNG 09 NĂM 2018

 

Chương 1:  (8/30/18)

 

Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao không được sáng lắm.

 

Bước chân vào trường Tân Bình, nhưng chỉ học được có 2 lớp, lớp 8 và lớp 9.

 

Tuy thời gian vỏn vẹn chỉ được có 2 năm, nhưng đây chính là “Hạnh Phúc Tôi” dưới “Một Góc Trời” (chủ đề của họp mặt năm nay ) Tân Bình (lúc đó chưa có tên Nguyễn Thượng Hiền).

 

Tôi tạm biệt ngôi trường thân yêu, tạm biệt đám bạn bè “dễ ghét”.

 

Thời gian cứ vùn vụt trôi qua, chợt ngoảnh lại thì đã gần nửa thế kỷ. Nay mới có dịp gặp lại được một số khuôn mặt của ngày xưa, và một số bạn bè tuy cùng lớp nhưng chưa bao giờ gặp mặt.

 

Ngày họp mặt gần kề, tôi được “bà chị" Trưởng Ban Tổ Chức- Ngày Xưa Hoàng Thị- giao cho một nhiệm vụ to ơi là to !!! Làm MC- người dẫn chương trình. Tôi biết là bà Trưởng Ban nghe lời xúi dại của ai đó (Bà Ròm chứ còn ai nữa).

 

Thời xưa, học sinh lớp 11, 12 như tụi tôi phải chọn ban, ban A là Sinh Vật Học, ban B là Toán Lý Hoá, ban C là Sinh Ngữ và ban D là Văn Chương. Ai cũng biết học sinh đi ban B là khô cằn sỏi đá. Không biết ăn nói mà chỉ biết con số và những công thức mà thôi. Tôi là thằng học trò đi ban B mới chết. Cũng có một vài bông hồng lắm gai bước qua “bước qua đời tôi”, và để lại nhiều vết xước. Nói cho cùng, “Lỗi Tại Tôi”, một thằng mù tịt về văn chương,  về thơ văn thì làm sao tán ai được cơ chứ !!!

 

Sau nhiều lần “ Em ra đi mùa Thu, mùa Thu không trở lại”, tôi tập tễnh làm thơ ... con cóc. Nhưng không dám gửi cho ai, vì sợ ..."ăn tát !!!"

 

Em Hyperbole, ta muôn đời kiếp trục (trục X, Y).

 

Nên xin về hội tụ một hoàng hôn (tuổi xế chiều)

 

Bây chừ được chỉ định làm MC, lệnh của Trưởng Ban thì làm sao tôi dám từ chối. Thôi thì một liều ba, bảy cũng liều- dù có thí mạng cùi thì cũng phải làm. Chỉ dám mong một vài tiếng vỗ tay, dù gượng gạo.

 

Ôi !! Thiệt là Oan Gia

 

Thôi thì:

 

Chút rượu hồng đây xin rưới xuống

 

Giải oan cho cuộc bể dâu này.

 

 

 

Chương 2: (9/10/18)

 

Thời gian trôi qua mau. Tôi muốn níu lại những khoảng thời gian “Hạnh Phúc Tôi” thật lâu, để tôi được gần gũi với các bạn bè, để sống lại với “Một Góc Trời” đầy kỷ niệm.

 

Thật là may mắn, công việc làm MC của tôi cũng được xuôi chèo mát máy. Chắc cũng vì những tấm lòng bao dung, thương người của đám bạn bè.

 

Tôi thầm cám ơn NL, anh Minh (phu quân) đã cho tôi có được cơ hội gặp lại được những người của năm xưa, cũng như những bạn mới, nhưng tưởng chừng đã quen nhau từ kiếp nào, thật tuyệt vời. Tôi cám ơn các bạn đã đến đây, ăn với nhau, hát với nhau, đi chơi với nhau....Còn gì vui hơn thế, còn gì hạnh phúc hơn thế. Tôi trân quý từng phút giây các bạn ạ.

 

Những giọng hát được cất lên qua những bản hát trữ tình của một thuở vàng son, nào là Trả lại Em Yêu, Tình Hờ, Người Lăn Qua Đời Tôi, Chị Tôi, Nụ Tầm Xuân, Tình Lỡ, Thu Hát Cho Người, Lời Gọi Chân Mây, Bà Rằn Bà Rí, 40 Năm Rồi Sao, Niệm Khúc Cuối...tôi sung sướng có được những người bạn như vậy.

 

Rồi ngày Đại Hội toàn trường được tổ chức ngày hôm sau. Trong chương trình văn nghệ, chúng tôi, niên khóa 74, tung ra một Chưởng ”Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”. Nghe sao mà hay quá, nghe sao mà oai hùng quá, nghe sao mà thương quê hương mình quá. Chẳng biết có phải là mèo khen mèo dài đuôi không nữa !!!

 

Rồi giờ tạm biệt đã điểm. Tôi chỉ biết quay mặt đi mà không nhớ là mình đã chào mọi người chưa nữa !!!!  Câu thơ viết tặng cho Tằng A Pẩu năm trước, bây chừ viết lại cho chính mình.

 

 

Cali ơi ! Thôi về..

 

Cali ơi, mai ta về em nhé

Giữ cho nhau những yêu dấu muôn trùng

Gặp nay đây, rồi mỗi người mỗi ngả

Ta quay về phiến đá phía bên kia.

 

Mặt ai buồn như mưa Thu đến muộn (Thu Hát Cho Người-NL hát)

Buổi chia tay nên nào dám quay nhìn

Xin em giữ chút tình ta trong đó

Một chút gì  !! Đừng “Để gió cuốn đi”.

 

Giờ đây, ngồi nơi bàn làm việc , mà người tôi cứ thừ ra như người mất hồn. Không phải là mất hồn, mà là vẫn còn đang “phê” với những kỷ niệm mà tôi sẽ đem theo suốt cuộc đời này.

 

Trần Quốc An (nk 74)

 

 

 

 

NHỮNG KỶ NIỆM VỀ TRƯỜNG

 

TÂN BÌNH NGUYỄN THƯỢNG HIỀN

(1969 – 1974)

&

CUỘC HỘI NGỘ 2016


Phạm Đình Kính (12B-1974)
 

Tôi nhập học vào lớp 8 trường trung học công lập Tân Bình niên khoá 1969-1970. Trường mới được bộ Quốc Gia Giáo Dục thiết lập, nên vẫn chưa có cơ sở. Lúc mới thành lập, trường chỉ có bậc trung học đệ nhất cấp (bây giờ gọi là cấp 2), từ lớp 6 đến lớp 9. Mỗi lớp có hai classes. Niên khóa đầu tiên trường có cả thảy là tám lớp (6-1, 6-2, 7-1, 7-2, 8-1, 8-2, 9-1 & 9-2). Trong niên khóa đầu, trường phải thuê phòng học tại trường trung học tư thục Nhân Văn, gần khu Chí Hòa.


Hiệu trưởng đầu tiên của trường là thầy Nguyễn Ngọc Xương. Thầy cũng dạy thêm môn Công Dân Giáo Dục. Trong niên khóa đầu, trường có khoảng chừng 10 giáo sư.  Tôi bắt đầu vào học lớp 8-1 và vẫn còn nhớ các thầy cô sau đây:
Thầy Trần Đình Thu dạy Toán
Thầy Chu Hoài Nhân dạy Anh Văn
Cô Trần thị Gia dậy Lý Hóa & Vạn Vật
Cô Bùi Mỹ Dương dạy Việt Văn. Sau đó it tháng cô Dương Kim Chung về dậy thay cô Dương cho hết niên khóa. Ngoài ra cô cũng còn là giáo sư chủ nhiệm của lớp 8-1 trong niên khóa 1969-1970.
Thầy Nguyễn văn Phong dạy Sử Địa.

 

Điều đầu tiên mà tôi nhận xét thấy học trường công lập có hai lợi điểm:  Lớp ít học trò, nên các học sinh được các thầy cô lưu ý nhiều hơn. Các thầy cô dạy giáo khoa rất kỹ lưỡng, vì đã tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm (ĐHSP). Trình độ chuyên môn tương đương với Cử Nhân Văn Khoa hoặc Cử Nhân Khoa Học. Ngoài ra trường ĐHSP còn dạy thêm về Sư Phạm, nên các thầy cô dạy giỏi hơn so với trường tư thục.
 

Vì là trường công lập, nên tất cả các học sinh phải mặc đồng phục, đi học đúng giờ giấc, và có kỷ luật. Mỗi tuần các thầy cô đều có cho homework và mỗi tháng đều có thi.  Các thầy cô dậy rất giỏi. Cô Mỹ Dương và Kim Chung dạy Việt Văn rất hay. Cô Kim Chung rất nghiêm. Cô Gia người Huế dạy giáo khoa rất kỹ. Thầy Thu dạy Toán rất giỏi. Thầy dạy rất có phương pháp và cho bài thi rất khó. Nếu học sinh nào chăm học và làm tất cả bài homework thầy ra thì rất dễ giỏi Toán. Thầy Chu Hoài Nhân, dạy Anh Van rất xuất sắc và trình độ rất cao. Trong quá trình đi học ở bậc trung học, tôi đã thấy có hai thầy dạy Văn Phạm Anh Văn rất xuất sắc: đó là thầy Chu Hoài Nhân và thầy Phan Khải (Zien Hong). Mặc dù chỉ học có lớp tám mà thầy Nhân bắt học sinh dịch nhiều câu văn chương như "Tiền bạc không tạo nên hạnh phúc (Money does not make happiness). Ngoài ra, thầy Nhân còn là một thi sĩ. Thầy gọi cụ Nghè Án Sát Chu Mạnh Trinh là ông nội. Cụ Chu Mạnh Trinh và cụ Nguyễn Thượng Hiền đều cùng thi khoa thi Hội Nhâm Thìn (năm 1892). Khoá này lấy 9 người đỗ Tiến Sĩ. Cụ Nguyễn Thượng Hiền đỗ đệ nhị giáp Tiến Sĩ (còn gọi là Hoàng Giáp) và cụ Chu Mạnh Trinh đỗ đệ tam giáp Tiến Sĩ. Đặc biệt khoa nầy có một người đỗ đệ nhất giáp Tiến Sĩ là cụ Vũ Phạm Hàm.  Ngoài ra cụ Vũ Phạm Hàm đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, thi Hội & thi Đình, nên còn được xưng tụng là Tam Nguyên. Triều nhà Nguyễn có ba Tam nguyên: Vị Xuyên Trần Bích San, Yên Đổ Nguyễn Khuyến và ông. Nhưng Vị Xuyên và Yên Đổ tiên sinh đỗ Đệ nhị giáp (Hoàng giáp). Toàn thể lịch sử Việt Nam chỉ có Vũ Phạm Hàm và Lê Quý Đôn (triều Lê) là đỗ Đệ nhất giáp Tam nguyên trong ba kỳ thi Hương, Hội, và thi Đình. Ông cũng là vị Tam khôi cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Các bạn học lớp 8-1 mà tôi vẫn còn nhớ là Trần Đức Thái, Hoàng Lưu Đức, Trần Minh Tuấn, Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Hoài Việt, Dương Đình Thu, Tạ Quốc Việt, Bùi Tấn Đạt, Trần Quốc An, Tô văn Nhiều, Phan văn Thời, Nguyễn văn Tâm. Phía nữ sinh thì có Nhàn, Thanh Hà, Hồng Phấn, Hoa, Xuân Lan, Bạch Đào, Bạch Cúc, Minh Hường, Hồng,  Thanh, Kim Chi, Tắng, Bích Khánh, Hồng Ân.


Sau khi nghỉ hè, vào nhập học lớp 9-1, niên khoá 1970-1971, trường mới xây xong, thầy trò trường Tân Bình dời về ngôi trường tọa lạc tại đường Lê Văn Duyệt, quận Tân Bình.

 

Trường gồm một dãy lầu hai tầng, 12 phòng. Tám phòng ở hai tầng trên dùng làm phòng học, bốn phòng dãy trệt làm văn phòng hiệu trưởng, phòng họp giáo sư.  Cũng trong niên khoá này, thầy Nguyễn Tiến Thành về làm hiệu trưởng. Thầy làm hiệu trưởng cho đến tháng 4 năm 1975.


Lớp 9-1 niên khoá 1970-1971 có các thầy cô sau đây:
Cô Nguyễn Thị Mộng Thúy dạy Việt Văn
Thầy Văn Đức Kim dạy Toán
Thầy Tạ Thanh Viêm dạy Vạn Vật
Thầy Đào Trọng Giang dạy Anh Văn.
Thầy Nguyễn Đình Thục dạy Sử Địa
Thầy Vũ Đức Thịnh dạy Lý Hóa và cũng là giáo sư chủ nhiệm.
Thầy Hà Minh Thượng dạy Hội Hoạ
Thầy Phạm Đình Nhường dạy Công Dân Giáo Dục
Niên khoá này, Phạm Hoài Việt được bầu làm Trưởng lớp. Tôi làm trưởng ban báo chí.  Cũng trong niên khoá này, Ban Đại Diện Học Sinh của trường Tân Bình được thành lập.  Anh Trần Hoà Lan của lớp 10B, được bầu làm Tổng Thơ Ký Ban Điều Hành. Hai lớp 10A & 10B là hai lớp cao nhất của trường lúc bây giờ. Phạm Hoài Việt của lớp 9-1 được bầu làm Phó Tổng Thợ Ký Ngoại Vụ.

 

Nhân đây cũng nên nhắc lại là các giáo sư được bổ nhiệm về trường Tân Bình từ niên khoá nầy hầu hết đã dạy nhiều năm kinh nghiệm tại các trường trung học công lập khác. Một số thầy đã từng làm hiệu trưởng hoặc giữ những chức vụ cao tại Bộ Giáo Dục.
 

Thầy Vũ Đức Thịnh tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm tại Hà Nội, đã dạy và làm hiệu trưởng trường trung học Nguyễn Khuyến ngoài Bắc. Sau khi chia đôi đất nước và chuyển vào miền Nam năm 1954, thầy đã dạy và từng làm Hiệu Trưởng trường trung học Mạc Đĩnh Chi và Hồ Ngọc Cẩn trước khi thầy về dạy trường Tân Bình. Thầy dạy Lý Hóa rất giỏi và giảng giáo khoa rất kỹ và dễ hiểu.
T

hầy Kim dạy Toán rất giỏi và vẽ vòng tròn rất đẹp. Thầy yêu cầu học trò mua hai cuốn sách hình học và đại số của Nguyễn Văn Phú và ra rất nhiều bài tập trong hai cuốn sách này. Các học sinh chịu khó làm bài thầy ra, thì sẽ thấy tiến rõ về bộ môn Toán.
 

Cô Thúy dạy Việt Văn rất hấp dẫn và thường để học sinh trong lớp bàn luận về văn chương.  Chương trình lớp 9 của môn Việt Văn gồm học về truyện Kim Vân Kiều và Tự Lực Văn Đoàn. Tôi còn nhớ là cô cho lớp làm luận đề về tác phẩm Lạnh Lùng của Nhất Linh. Học sinh lớp 9 mà đã làm luận đề và thuyết trình về Tự Lực Văn Đoàn, nên cô dạy trình độ rất cao. Tôi còn nhớ Thanh Hà, Hoa là những học trò giỏi về bộ môn Việt Văn của cô Mộng Thúy lớp 9-1.
Thầy Giang mới đi tu nghiệp ở Mỹ về, và dạy Anh Văn tại trường bắt đầu từ niên khoá này. Thầy dạy theo lối Mỹ và bắt học trò học đọc và nghe. Tôi nhớ lúc đó thầy có thâu băng cuộc đàm thoại của ba phi hành gia Neil Armstrong, Michael Collins, va Buzz Aldrin của Apollo 11 được trực tiếp phát hình từ Mặt Trăng về cơ quan không gian NASA. Phi thuyền Apollo 11 đáp xuống mặt trăng ngày 20 tháng 7, năm 1969. Phi hành gia Neil Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, đã nói câu nói bất hủ:  "That is one small step for a man, one giant leap for mankind". Toàn bộ buổi phát thanh từ mặt trăng được thầy thâu lại, và sau đó thầy quay lại để cho học trò tập nghe. Sau nầy thầy Giang làm phụ tá Giám Học cho thầy Lại Xuân Quất.
Thầy Thục người cao và gầy dạy môn Sử Địa. Thầy giảng bài rất hay. Thầy Viêm dạy giáo khoa về môn Vạn Vật rất kỹ. Thầy giảng rồi sau đó đọc cho học trò chép, và khi khảo bài, thường bắt học trò lên bảng vẽ hình về anatomy mà thầy đã dạy.
Thầy Hà Minh Thuợng dạy môn Hội Họa. Tính thầy rất hiền hoà và vui tính.
Ông cụ thân sinh của tôi dạy môn Công Dân Giáo Dục. Ông cụ xuất thân từ trường Luật, chuyển qua ngạch Đốc Sự Hành Chánh, làm công chức Thanh Tra Ngân Sách Bộ Giáo Dục. Ông cụ không phải là giáo sư chính thức. Nhưng vì là công chức mà gia đình nghèo và đông con, nên được cấp trên nâng đỡ chấp thuận cho đi dạy thêm để có thêm phụ cấp.
Sau khi học xong lớp 9-1 niên khoá 1970-1971, thì các học sinh bắt đầu chọn ban để học lên lớp 10. Trường Tân Bình lúc này chỉ có hai ban: ban A (Vạn Vật & Lý Hóa) & ban B (Toán  & Lý Hóa).  Các bạn như Thanh Hà, Hoa đã chuyển trường về Gia Long để học ban C (Văn Chương). Một số các bạn khác như Trần Minh Tuấn, Bùi Tấn Đạt chuyển qua Hồ Ngọc Cẩn, Phạm Hoài Việt chuyển về Kỹ Thuật Nông Lâm Súc.
Tôi chọn bạn B. Lớp 10B được thành lập gồm các học sinh chọn ban B từ lớp 9-1 và lớp 9-2. Các bạn từ lớp 9-2 chọn lớp 10B là Trần Hữu Chí, Tạ Trần Tú, Đào văn Đông, Phạm thị Đoàn, Thu Hải, Thúy Lan, Oanh. Trường Tân Bình cũng tổ chức một kỳ thi để tuyển thêm một số học sinh cho hai lớp 10B & 10A cho niên khoá 1971-1972.  Lớp 10B đã có thêm các bạn học mới như Lê Khánh Long, Nguyễn Văn Dự, Nguyễn Tiến Cường, Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn Tứ Hải, Nguyễn văn Hiệp, Trần Kỳ Nam, Lê Văn Tân, Nguyễn thị Bạch, Nguyễn văn Kiến, Phạm tăng Châu, Nguyễn Kỳ Phương, Võ Trung Hiếu, Đỗ Tín.
Niên khoá nầy thầy Trần Đình Thu dạy Toán, thầy Vũ Đức Thịnh dạy Lý Hóa, thầy Nguyễn Phi Oanh dạy Pháp Văn, Cô Mộng Thuý dậy Việt Văn, thầy Đặng Trần Thường dạy Anh Văn.  Thầy Thường đã từng làm Giám Đốc Nha Khảo Thí. Thầy dạy Anh Văn rất giỏi.  Thầy chú trọng nhiều về ngữ vựng và phiên dịch.
Niên khoá này có nhiều tiết mục văn nghệ với Tạ Trần Tú và Lê Khánh Long. Tôi còn nhớ Lê Khánh Long cũng làm một tờ báo "Vào Hạ" đề kỷ niệm mùa hè xắp đến và chúng ta xắp học xong niên khoá 10B.

 

Cũng trong niên khoá này các anh chị lớp 11A & 11B của trường dự thi Tú Tài I. Đây cũng là khóa thi Tú Tài I cuối cùng. Sau khoá này, bộ Quốc Gia Giáo Dục chỉ còn tổ chức thi Tú Tài II. Trong khoa thi Tú Tài đầu tiên của trường, các anh chị lớp 11B đã trúng tuyển 100%.
 

Sau khi đã có kết quả của kỳ thi, tôi còn nhớ ông cụ thân sinh tôi trưa đi làm về có nói rằng trường Tân Bình rất nổi tiếng ở Bộ Giáo Dục, là đã có tỷ lệ đâu 100%. Tôi còn nhớ anh Trần Hoà Lan và Chị Thủy đậu Ưu Hạng.  Đậu hạng Bình như anh Nguyễn văn Bảy (Bảy Chà) và cũng có nhiều anh chị khác cũng đậu Bình. Uy tín của trường Tân Bình, thầy Hiệu Trưởng và các thầy cô tăng lên rất nhiều sau khi kết quả trúng tuyển 100% của trường được thông báo.
 

Niên khoá 1972-1973 lớp 11B đã có thêm nhiều bạn mới như Lê Quốc Tuấn, Lê Ẩn, Hồ văn Xu, Phan bá Hiển, Diệu Tịnh, Nguyễn văn Dũng, Trần trọng Hợp, hai chị em Trần thị Thôn và Trần thị Tân.
Thầy Tuyến dạy Lý Hóa, Thầy Kim dạy Hình Học và Đại Số và thầy Mai Thành Phong dạy Lượng Giác.  Sau nầy thầy Nguyễn Hoàng Mỹ về dạy Hình Học thay thầy Kim.  Các thầy Mỹ và Phong đều dạy giỏi. Thầy Phong đặc biệt viết chữ rất bay bướm, hát hay, và thường kêu học trò lên bảng giải bài tập. Cô Mộng Thúy vẫn tiếp tục dạy Việt Văn. Thầy Đào Trọng Giang dạy Anh Văn.  Niên khoá nầy có thầy Bùi Đức Chu dạy Pháp Văn. Thầy dạy Pháp Văn rất xuất sắc, đặc biệt là văn phạm. Thầy thường chỉ học trò đứng lên chia động từ. Học trò nói sai, thì thầy cầm cái thước kẻ của thầy gõ vào tay.

 

Thầy đã từng làm Giám Đốc Nha Trung Học và dạy lâu năm trước khi về dạy trường Tân Bình Nguyễn Thượng Hiền.
Vì không phải thi Tú Tài I, nên cả lớp có nhiều mục văn nghệ và đi cắm trại.  Niên khoá 1972-1973 cũng là năm chót Bộ Giáo Dục tổ chức thi Tú Tài II viết, và các giám khảo chấm bài thi bằng tay.  Khoá này nghe nói Thanh Tra Khảo Thí bộ môn Toán là thầy Xương dạy tại Petrusky ra đề thi. Thông thường đề thi toán gồm một bài toán chính, thường là Hình Học Giải Tích, và năm câu hỏi giáo khoa gồm Giải Tích Học, Điểm Động Hoc và Tân Toán Học.  Niên khoá nầy có lẽ là lần thì Tú Tài II viết cuối cùng, nên thầy Xương đã ra bài Toán chính là Giải Tích Học thay vì Hình Học Giải Tích.

 

Nhiều thí sinh chới với, vì vẫn thường chú trọng về Hình Học Giải Tích. Tôi còn nhớ là đề thi bài Giải Tích thầy Xương ra là khảo sát hàm số y = f(x) = log(log(log(x))). Chỉ cần khảo sát và tìm ra miền xác định (Domain) và miền giá trị (Range) của hàm số này cũng đã gần hết 1 giờ rồi. Một trong những câu hỏi giáo khoa Tân Toán Học của thầy Xương là chứng minh Vành Giao Hoán (Commutative Ring). Chỉ cần chứng minh cho đủ chín đặc điểm của vành giao hoán là hết giờ làm các câu giáo khoa khác. Tôi nhớ khoá này, Bộ Giáo Dục cho lấy 7/10 là đủ điểm đậu cho ban B vì đề thi Toán quá khó.
 

Cũng trong niên khoá nầy Bộ Quốc Phòng ra lệnh động viên tất cả các nam sinh viên sinh năm 1955 mà không theo học lớp 12.  Sau những chiến thắng "Bình Long Anh Dũng",  "Kon Tum Kiêu Hùng", và "Trị Thiên Vùng Dậy" của mùa hè đỏ lửa, Bộ Quốc Phòng phải động viên thêm cho đủ quân số do nhu cầu chiến trường.  Một số các bạn như Tô văn Nhiều, Trần Đức Thái, Phạm Đình Khôi, Nguyễn Đình Hùng phải xếp bút nghiên nhập ngũ, mặc dù đã học gần hết niên khoá lớp 11B.
 

Chỉ chưa đầy một năm, trường nhận được tin là Tô Văn Nhiều và Nguyễn đình Hùng đã tử trận.  Thật là một điều đáng buồn.  Tô văn Nhiều là trưởng lớp của 11B, trước khi bạn đi thi hành nghĩa vụ Quân Sự. Bạn còn được bầu làm Tổng Thơ Ký ban điều hành học sinh trường Tân Bình - Nguyễn Thượng Hiền. Tính bạn rất nghiêm trang và đúng đắn. Cả trường xúc động khi hay tin bạn tử trận. Lớp 12B được thầy Hiệu Trưởng cho nghỉ một ngày để tiễn đưa bạn về nơi an nghỉ cuối cùng.  Tôi còn nhớ có thầy Hiệu Trưởng, Cô Mộng Thúy, thầy Thục, và nhiều vị giáo sư khác.  Về phía chính quyền có Dân Biểu Trần Đình Ngọc và đại diện đơn vị của Nhiều. Tôi xin chân thành tưởng niệm các bạn Tô văn Nhiều, Nguyễn Đình Hùng và một số các bạn học khác đã mất như Đỗ Đức Vọng, Trần Kỳ Nam, Bùi Tấn Đạt, và Phạm Tặng Châu.


Sang niên khoá 1973-1974 lớp 12B, mọi người bắt đầu chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài II. Vì thi Tú Tài I đã bỏ năm ngoái, nên số thí sinh tham dự rất đông và Bộ Giáo Dục quyết định cho thị trắc nghiệm và chấm bằng máy IBM.
Các thầy Kim, Tuyến và Tùng dạy Toán, Vật Lý & Hóa Học. Thầy Đào Trọng Giang tiếp tục dạy Anh Văn và cô Trương Kim Liên dạy Triết và Pháp Văn.
Sau khi thì tốt nghiệp Tú Tài II năm 1974, Xuân Lan, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Tiến Cường, và tôi may mắn được xuất ngoại đi du học.  Các bạn như Dự học ngành hàng hải tại Đaị Học Kỹ Thuật Phú Thọ, một số các bạn khác như Hồng Phấn, Dương Đình Thu, Trần Ái Việt vào Đại Học Sư Phạm.

 

Chỉ chưa đầy nửa năm, thì ngày 30-4-1975 đã đến.  Một số các bạn đã ra đi sau này.  Ra đến nước ngoài, tất cả mọi người dù đi trước hay đi sau đều lo đi học và bươn trải để kiếm sống, lập gia đình lo cho con cái, rồi lo chăm sóc cho cha mẹ già khi các cụ đã đến tuổi về hưu.
1975-1985: Mười năm qua đi.
1985-1995: Mười năm nữa.
1995-2005: Thêm mười năm nữa
và ... đến năm 2012, thì Lê Khánh Long đã liên lạc được với tôi, Hoàng Lưu Đức, cùng nhiều bạn khác. Sau đó Khánh Long đã lập ra Group E-mail cho nhóm 12A-B 1974 để dễ liên lạc.

 

Sau đó Kỳ Phương và Khánh Long cũng đã liên lạc được với Nguyễn Tiến Cường sau nhiều năm xa cách và mất liên lạc. Rồi lần lượt các bạn Đoàn Tứ Hải và Nguyễn Mạnh Hùng qua Mỹ thăm viếng gia đình và bạn bè.
Nam 2014 Nhàn đã liên lạc được với nhóm.
Năm 2015 Nhàn thông báo là Anh Tính, ông xã của Nhàn, cựu Phi Công QLVNCH, sẽ đến Portland tham dự đại hội Không Quân được tổ chức vào năm 2016. Nhàn đã đề nghị với Lê Khánh Long, Nguyễn văn Dự, và tôi (bộ ba Xe Pháo Mã) phối hợp để tổ chức cuộc họp mặt cho nhóm TB-NTH 12A/B 1974 trong dịp lễ Labor Day năm 2016.

 

Từ đó tất cả mọi người đều háo hức chờ đến Labor Day Weekend 2016 để họp mặt.

Về cuộc hội ngộ kỳ diệu này, các bạn Thanh Hà (Chủ Bút Hà Giang), Lê Khánh Long, Trương Thị Nhàn, và trưởng lớp 12B Phan Bá Hiển đã viết về buổi gặp gỡ này.
Tôi chỉ muốn viết tóm tắt để bổ túc thêm về cuộc gặp gỡ này để tất cả các bạn trong nước cũng như các bạn sống ở nước ngoài được rõ thêm.

 

Tham dự buổi hội ngộ này có các cựu học sinh 12A/B - 1974 sau đây:
1. Vợ chồng Nhàn - Anh Tính từ Thụy Sĩ qua.
2. Vợ chồng Thái - Hằng từ California
3. Vợ chồng Kim Chi - Anh Thắng từ California
4. Vợ chồng Ngọc Liệu - Anh Minh từ California
5. Vợ chồng Hoài Việt - Ánh Nguyệt từ California
6. Vợ chồng Xuân Lan - Anh Long từ Iowa.
7. Kỳ Phương từ California
8. Bạch, Thanh Hà & Hoa từ California
9. Trưởng lớp Phan Bá Hiển từ Texas
10. Đoàn Tứ Hải từ Việt Nam qua
và ba cựu học sinh tại Vancouver/Portland là Long + Điệp, Dự + Yến và Kính + Liên. Một điều hết sức đáng tiếc là không có sự tham dự của Hoàng Lưu Đức, mặc dù tôi đã cố gắng liên lạc nhiều lần với bạn tại Portland. Hy vọng một ngày nào đó, nhóm chúng ta sẽ nhận được mail của bạn.
Thật là vô cùng xúc động sau 42 năm mới gặp lại bạn bè.  Sáng thứ Năm, ngày 1 tháng 9, 2016, tôi mở cửa chào đón vợ chồng Xuân-Lan và vợ chồng Hoài Việt. Tôi đã nhận ra Hoài Việt sau 45 năm kể từ khi bạn chuyển về Trung Học Nông Lâm Súc sau khi học xong lớp 9. Bạn phát tướng, trông khỏe mạnh.  Xuân Lan thì gặp lại sau 42 năm, cũng đã nhận ra vì đã xem hình khi Xuân Lan và anh Huy Long về dự đại hội TB/NTH những năm trước tại California.

 

Hôm sau ngày thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016, tôi đi đón vợ chồng Thái & Hằng và vợ chồng Nhàn & Anh Tính ở phi trường Portland.  Chuyến bay của Thái & Hằng đến trước, tôi hồi hợp tìm kiếm vợ chồng Thái trong nhóm người đi ra. Tôi vẫn chưa thấy Thái & Hằng, thì Thái đã thấy và gọi tôi. Sau hơn 42 năm mới gặp lại bạn. Mặc dù bạn phải thi hành nghĩa vụ quân sự năm 1973, bạn đã tranh thủ đi học và đậu Tú Tài II cùng năm 1974.  Qua đây bạn đã đi học lại và hiện làm Kỹ Sư cho Boeing Aerospace Company. Ngồi nói chuyện với Thái & Hàng để chờ đón Nhàn & Anh Tính, bất chợt Thái thấy Nhàn & Anh Tính đang đi ra chỗ lấy hành lý. Tôi và Thái chạy theo và kêu Nhàn, Nhàn. Mọi người đều vui vẻ hội ngộ.
 

Cùng ngày thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016 Lê Khánh Long, được nhóm bạn gọi vui là Mr. Oregon Uber, lái chiếc xe SUV có 7 chỗ ngồi đi đón Bạch, Thanh Hà, Hoa, vợ chồng Kim Chi và Phan Bá Hiển về nhà Long ăn  Bún Bò Huế của chị Điệp nấu trước khi ghé qua nhà Dự + Yến.
 

Chương trình hội ngộ gồm có sinh hoạt và dùng cơm tối tại

nhà Dự + Yến tối thứ Sáu, 2/9, và văn nghệ tối thứ Bảy, 3/9 sau khi đi xem phong cảnh thác nước Multnomah Falls, Bonneville Hydro Dam, va Vista House.
Tôi và Liên nhận phụ trách bữa ăn sáng thứ Bảy, 3/9 và bánh mì ăn trưa cho chuyến đi xem thắng cảnh.

 

Chương trình văn nghệ rất đặc sắc do MC Lê Khánh Long đạo diễn và ban nhạc của vợ chồng Dự + Yến và vợ chồng người bạn Thiết + Lan.
 

Sang Chủ Nhật, 4/9, sau khi đi thăm tiệm sách Powell’s Books và ghé qua downtown’s Pearl District area, nhóm đã đi ăn Phở Oregon. Sau đó Khánh Long đưa các bạn Thanh Hà, Hoa, và vợ chồng Kim Chỉ ra phi trường.
Buổi tối chủ Nhật, nhóm còn lại đến ăn tối và sinh hoạt tại nhà Lê Khánh Long.

 

Sáng thứ Hai, Khánh Long đưa Kỳ Phuơng, Tứ Hải và Hiển ra phi trường.
Tôi và Ngân Liên đưa Thái + Hằng đi ăn sáng. Sau đó cũng tranh thủ đưa hai vợ chồng Thái + Hằng đi thăm thành phố Lake Oswego, Downtown Portland Water Front và Rose Garden trước khi ra phi trường.

 

Buổi hội ngộ đã thành công và để lại cho tôi và Ngân Liên những kỷ niệm rất đẹp. Ngân Liên đã có thêm những người bạn mới. Tôi và các bạn mặc dù đã 60 tuổi và nhiều người đã có dâu, rể và cháu ngoại, nhưng chúng tôi như đã trẻ ra và vui đùa ôn lại những ngày học trò TB/NTH.
 

Tình cảm của các bạn thật là chân thành và quý. Chị Liệu và Anh Minh đem lên 50 kg thức ăn gồm chả giò, bánh bao, bánh trung thu. Kim Thoa đã gởi Kỳ Phuơng đem lên chả và nem chua. Bên Mỹ này đâu có thiếu gì đồ ăn, nhưng cái tình cảm mang những món quà quê hương làm từ California lên để đãi bạn bè, cái đó mới là quý.
 

Chị Điệp, bà xã của Long, phải đi làm nên đã không sinh hoạt nhiều được với nhóm, nhưng cũng nấu một nồi Bún Bò Huế để đãi các bạn. Khi nhóm kéo qua nhà Long tối  Chủ Nhật, mặc dù vừa mới đi làm về, chị cũng tranh thủ làm những món Bắc Kỳ như thịt heo luộc, đậu hũ chiên, bún ăn với phá lầu chấm mắm tôm để đãi các bạn.
 

Tôi rất vui khi hồi tưởng lại ký ức để viết lại những kỷ niệm về thầy cô và bạn bè trong  năm năm học tại trường TB-NTH.  Nhân đây tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn đến các thầy cô đã có công dạy dỗ. Chính nhờ sự dạy đó của các thầy cô, tôi và các bạn học đã có một căn bản vững vàng để theo học tại Đại học bên Mỹ này. Tôi cũng phải xin khiêm tốn nói rằng tôi cũng thích nghề giáo.
 

Mặc dù đi làm full-time, tôi cũng đã đi dạy thêm ngành Electrical Engineering cho các lớp buổi tối tại đại học George Fox University và Portland Community College. Tôi thích đi dạy học vì đam mê, chứ thực ra nếu tính thì giờ bỏ ra để soạn giáo khoa, soạn bài thi, chấm bài, và kể cả thời giờ giảng trong lớp, thì số tiền thu nhập chẳng là bao nhiêu. Tôi đã theo phương pháp sư phạm của các thầy cô bên Việt Nam là soạn và dạy giáo khoa rất kỹ rồi cho sinh viên làm bài thực tập. Bây giờ vì bận rộn công việc, không có thì giờ dạy thêm, nhưng các sinh viên lớp cũ vẫn thường liên lạc và nói rằng tôi đã dạy kỹ và giúp các em tiến bộ.
 

Sau hết tôi muốn dùng những giòng cuối của bài viết này để thành kính tưởng niệm các thầy cô đã mất như cô Gia, các thầy Nhân, Chu, Thu, Thường, Oanh, Thục, Nhường,  ..
Thầy Nguyễn Ngọc Xương, Hiệu Trưởng Sáng Lập Trường Tân Bình Nguyễn Thượng Hiền, đã mới mất năm ngoái. Thầy là thân phụ của các chị Bạch Đào và Bạch Cúc. Trong niên khóa đầu của trường, thầy vừa lo việc quản trị và dạy học, lo liên lạc với Bộ Giáo Dục và đốc thúc nhà thầu xây cất để trường được hoàn thành cho kịp niên khoá mới (1970-1971) khai giảng.  Tất cả các học sinh TB-NTH xin biết ơn Thầy.

 

Viết xong ngày 18 tháng 9 năm 2016.
Phạm Đình Kính (12B -1974)