Chuyện Tình với Hồ Văn Xuân Nhi
Có Điều Gì Như Niềm Tuyệt Vọng
Mong manh Niềm Hạnh Phúc
Hôn Anh Hạnh Phúc Một Lần
Hạnh Phúc Một Lần Mong Manh
Tan Theo Bọt Biển
Cảm Nghĩ Đầu Năm 2011: Những Kỷ niệm Xưa
Tâm Thư Với Bạn Bè Trường Xưa
Bạn Tôi: Trần Quốc Bảo
Một Chuyến Về Thăm Quê Hương Đầy Xúc Động
Viết Cho Thầy Cô và Bạn Bè Tôi: Đại Hội TB-NTH Hải Ngoại 2014
Hạnh Phúc Vô Thường
Chia Tay Thắng: Thằng Em Họ Tôi
Viết Tiễn Nhạc Sĩ Anh Bằng: Tinh Thần Việt Nam Chân Chính
Viết Tiễn Nhạc Sĩ Việt Dũng, Người Vừa Nằm Xuống
Kỹ Niệm với Nhà Văn Duyên Anh Câu Chuyện 30 Năm Trước
Lưu Bút HVXN: Di Tản 30 Tháng 04 Năm 1975
DI TẢN THÁNG 04 NĂM 1975:
HÀNH TRÌNH MỘT LẦN LƯU VONG
CHỈ CÓ TÌNH YÊU MANG THEO
Tấm hình này kỹ niệm 30 tháng 04 năm 1975: Người đàn ông trong hình là anh họ (cô cậu ruột) của tôi: thiếu tá không quân Trịnh Bá Tùng và đây là chiếc tàu thuộc hạm đội hải quân Mỹ cứu vớt người tỵ nạn tháng 04 năm 1975, đón chúng tôi để bắt đầu một cuộc đời lưu vong xứ người.
Hồ Văn Xuân Nhi
Ngày 28 tháng 04 năm 1975:
Buổi sáng, đạp xe đến sân trường trung học Nguyễn Thượng Hiền, nằm ngay góc ngã tư Bảy Hiền, thuộc quận Tân Bình tỉnh Gia Định. Những ngày qua, dù tin tức chiến tranh trên báo chí, truyền hình đầy tin dữ, tin buồn, nhưng học sinh trung học chúng tôi vẫn còn đến trường, lớp học vẫn còn thầy cô trên bục giảng, buổi trưa ở sân chơi vẫn đông đảo tôi và bạn bè. Vài đứa đã vắng mất, tiếng lau nhau bàn tán, chắc “nó đi rồi”. Chúng tôi nói về tin tức những người đang được người Mỹ đưa rời khỏi Việt Nam thời gian đó, khi đạn lửa chiến tranh và tin tức quân thù phương Bắc đang tiến gần về sát gần thủ đô Sài Gòn. Tôi vẫn không nghĩ đến chuyện cá nhân mình hay gia đình mình sẽ rời khỏi Việt Nam lúc này.
Buổi sáng tôi còn tụ họp với những người bạn đồng lớp 11B1. Trí óc không còn ghi được lời thầy cô giảng hay chữ viết bài vở trong sách tập. Mỗi đứa nghĩ ngợi về chuyện ngày mai, chuyện của một tương lai rất gần, chuyện gì sẽ đến ??
Buổi chiều ở ngôi nhà trong khu cư xá không quân Tân Sơn Nhất, nơi mà tôi đã sống ít nhất 10 năm nơi đây. Tôi vừa đạp xe đi ngang qua căn nhà của cô bạn gái thương yêu tuổi ban đầu, Tường Khanh, hình như vắng lạnh. Thời đó không dễ có điện thoại riêng ở nhà hay điện thoại cầm tay như thời nay, để mà tìm nhau khi cần có nhau. Vài hôm trước đó, tôi còn đón tìm Khanh, ở một góc phố con đường Bà Huyện Thanh Quan ngập đầy những người con gái áo dài trắng Gia Long tan trường. Vài hôm trước đó, tôi còn hứa với Khanh, anh viết sắp xong rồi, viết cho Khanh một tập thơ tình bằng mực xanh trên giấy trắng “ca rô”, để giữ lại ngày sau kỹ niệm nếu lạc mất nhau vì hậu quả của cuộc chiến này. Cô bé ở gần nhà, cô bé ở chung cùng một khu cư xá Tân Sơn Nhất này, và mẹ nàng là một cô giáo khó tính nhất của trường tiểu học Tân Sơn. Thời đó, tôi không thấy người con gái nào ở tuổi đó, ở thế giới này, có thể đẹp và dễ thương hơn Tường Khanh.
Buổi chiều, tiếng phản lực cơ chiến đấu A37 gầm thét ngang đầu. Hình như phải hơn 2 chiếc. Tiếng bom dội từ những chiếc phi cơ vào một nơi nào đó, không xa lắm, chỉ ở trong lòng thủ đô Sài Gòn này. Căn cứ không quân Tân Sơn Nhất báo động. Tôi thấy nhiều người quân cảnh và lính không quân dàn súng ở ngay cổng ra vào căn cứ. Chuyện gì đó, tôi chưa kịp biết ngay lúc đó.
Hơn 10 giờ khuya, Ba tôi lái xe jeep về nhà, trong lúc cả nhà đã lên giường ngủ. Ông hối hả Mẹ và anh em tôi thức tỉnh gấp, ôm vội lấy vài bộ quần áo hay tư trang cần thiết, rồi đi ngay. Đi đâu, chúng tôi không biết. Ba tôi chỉ nói, ông đưa mọi người lên phi cơ rời Việt Nam đêm nay. Tôi bàng hoàng, tôi có định đi đâu. Tôi đang còn mơ mộng một tình cảm tuổi mới lớn dường như trãi dài hạnh phúc trong tim tôi những tháng gần đây.
Tôi viết vội một lá thư ngắn vài chữ, chạy qua bên nhà Thanh Hương láng giềng trước mặt nhà tôi. Gửi cho Tường Khanh giùm Thi nhé Hương. Thanh Hương là cô bạn thân của Tường Khanh, đã từng giúp trao gửi những lá thư cho tôi và Khanh từ ngày quen nhau.
Tôi mang theo một tập thơ viết tay, mà những tháng qua đang viết và làm đẹp để là món quà cho Khanh mùa hè sắp tới.
Cả nhà lên chiếc xe jeep Ba chạy vội, rời bỏ khu xóm của một đời tuổi niên thiếu an hem chúng tôi đã sống và đã lớn lên từ nơi đây. Những con chó Nhật xinh xắn nhỏ bé nuôi trong nhà, dường như biết chuyện tai ương chia cách sắp đến giữa chúng và những người chủ, đám chó phóng lên xe jeep như đòi theo. Chúng tôi lại thả chúng vào sân nhà. Bỏ đi. Bỏ tất cả. Ở lại là những con người, cảnh vật mình thương yêu gắn bó gần một đời. Mang theo là trái tim và nước mắt, cố cuốn gọn hình ảnh ngôi nhà, người xóm giềng, lần cuối. Có gia đình chú Trịnh Thành Tiết nhả sát bên chung vách, tiễn tay nước mắt. Có gia đình bác Nguyễn văn Hữu là nhà của Thanh Hương, cũng kéo nhau đứng chia tay bùi ngùi. Họ đã không thể ra đi.
Chúng tôi vào phi đạo sân bay khu quân sự không quân. Lính quân cảnh chận xét hỏi giấy. Ba tôi có giấy lệnh ký từ ông tướng chỉ huy. Chúng tôi lên máy bay, chiếc C130. Ba tôi đưa chúng tôi vào trong lòng tàu, rồi bước ra. Như bao nhiêu người sĩ quan không quân khác, ông phải ở lại với tất cả những người lính, cho đến khi có lệnh cuối, cho đến khi giờ cuối (là giờ nào thì chưa biết) xảy ra. Mẹ và anh em tôi bước vào phi cơ.
Trong lòng tàu, đã có hàng chục hay hàng trăm người đang ngồi. Nhiều khuôn mặt xóm giềng thân quen đã nhận ra. Họ cũng đều là những gia đình không quân được phép lên máy bay di tản ra khỏi Sài Gòn, trước khi một biển máu có thể xảy ra ở thủ đô này, hay trước khi căn cứ Tân Sơn Nhất sẽ thành biển lửa với đạn pháo quân thù đang bao vây khắp nơi.
Tôi nhìn qua khung cửa sổ nhỏ của chiếc vận tải cơ, buồn quá, buồn chết ngất trong tim. Trong tim, có hình ảnh một người con gái vẫn thường mặc áo dài trắng sóng bước bên nhau những buổi chiều sau giờ tan học, trên những chuyến xe buýt, trên những chiếc xe lam, từ con đường Phan Thanh Giản về đến cổng Phi Long Lăng Cha Cả.
Qua khỏi nữa đêm, chờ dừng bớt những tiếng đạn pháo chung quanh, chuyến bay của không lực Việt Nam Cộng Hòa cất cánh chuyên chỡ những gia đình người lính không quân di tản khỏi vùng nguy hiểm.
Ngày 29 tháng 04 năm 1975:
Khoãng chừng 3 giờ rạng sáng. Phi cơ đáp xuống đảo Côn Sơn, xa tít ngoài khơi của Vũng Tàu. Nơi này đang có trại giam tù binh cộng sản của chính phủ VNCH. Tôi còn nhớ phi trường có tên Phú Hải.
Khi mọi người cùng đứng dậy để bước ra khỏi thân tàu bay, tôi bất chợt mừng rú. Tường Khanh và gia đình đang ngồi ở một góc phía sau kìa. Khanh cũng mừng quá, nàng khều Mẹ la lớn mừng vui, Thi kìa mẹ ơi!
Phút chốc đó, là một khoảng ngắn hạnh phúc trong những điều hạnh phúc nhất của đời tôi, còn mãi cho đến hôm nay.
Chúng tôi đến bên nhau. Tôi giới thiệu Mẹ tôi với Mẹ Khanh. Bà cũng là một giáo viên. Mẹ tôi thời đó dạy học ở Ngô Sĩ Liên, còn mẹ Khanh dạy học ở Tân Sơn. Khanh nói, cứ ngỡ xa anh rồi, mừng quá đi. Tôi mừng muốn khóc, trao cho Khanh cuốn tập thơ mà tôi đã mang theo. Khanh ơi, anh không mang theo hành trang nào với mình, ngoại trừ cuốn lưu bút học sinh từ cấp lớp 9 có tất cả bạn bè lớp học anh thương, và cuốn thơ này cho một người con gái anh thương. Khanh mắc cỡ quá, nhận lấy cuốn tập nhỏ có ép một nhánh lá ngay trang giữa.
Trời còn tối lắm, chung quanh chúng tôi là biển đen, chỉ nghe tiếng sóng vỗ to. Tôi và Khanh đi dạo loanh quanh ở bờ biển, nói những điều hạnh phúc của lứa tuổi vừa lớn, còn nhìn thấy cuộc đời chỉ có rất xanh, rất hồng, hay màu tím.
Khoãng 7 giơ sáng, vẫn có thêm những chuyến bay từ Tân Sơn Nhất bay ra, đổ tiếp các gia đình không quân đi di tãn. Đưa gia đình đến đảo, các ông phi công không quân lại mang phi co trở về, quay lại đơn vị. Có thể còn thêm những chuyến bay cho những gia đình không quân đang chờ đợi ở Tân Sơn Nhất.
Nhưng những chuyện kể nhau nghe của người đến sau, khiến mọi người lo lắng, không nhiều hy vọng cho những người còn ở lại. Kẻ thù bắn pháo nặng nề, những chuyến bay không thể đáp xuống phi đạp khi quay về từ Côn Sơn. Có những chiếc phi cơ trúng đạn nổ tan trên giữa không trung.
Khoãng 9 giờ sáng. Sân bay phi trường rất nhỏ Phú Hải ngập đầy cả chục chiếc vận tải cơ C-130, C-119, C-7, DC-6, và trực thăng. Không quân VNCH đem máy bay ra đảo để di tản, tránh đạn pháo. Sân bay nhỏ, nhiều phi công lại cất cánh bay qua Thái Lan, họ đến căn cứ không quân Utapao của Mỹ tại Thái.
Nhiều người lính không quân từ Tân Sơn Nhất đã có mặt ở đảo. Thiếu bóng dáng Ba tôi. Hỏi thăm tìm kiếm không ai biết đúng, hay những tin tức ngược chiều nhau. Một người vai Dượng của tôi là: dượng Khánh là ba của Cẩm Hồng, Hùng…kể với Mẹ tôi, là ông nghe nói Ba tôi bám theo một chiếc C-7 đang rời phi đạo, nhưng lên tàu không được, rồi bị rơi trở lại …
Mẹ và anh em chúng tôi buồn, lo quá.
Sau 10 giờ sáng, có xe đưa mọi người chúng tôi đến khu vực nhà nghĩ mát ở biển, nhưng tôi ở lại sân bay cố tìm đợi một chuyến bay có Ba tôi.
11 giờ. Một số sĩ quan không quân tập hợp mọi người, lập danh sách và chuẩn bị đưa ra ngoài biển nơi có tàu hạm đội hải quân Mỹ đang chờ đón chúng tôi. Những chiếc trực thăng không quân VNCH đưa một số gia đình ra biển, nhưng không thấy họ quay lại đón tiếp những người còn lại. Những chiếc vận tải cơ, thì các phi công chọn trong danh sách ưu tiên một số người thân nhân nhân hay thân quen, lên tàu để bay qua Thái Lan.
Chúng tôi ở lại đảo Côn Sơn suốt ngày, đêm của 29 tháng 04 năm 1975.
Nhưng không ai có thể ngủ được.
Tôi và Khanh lại đi dạo trên cát, trên những đợt sóng nhỏ, nói chuyện của một thế giới chưa biết lòng thù hận.
Ngày 30 tháng 04 năm 1975:
8 giờ sáng. Các sĩ quan không quân lại họp mọi người, phân bổ theo danh sách để chọn người được lên tàu các vận tải cơ trên phi đạo, để bay qua Thái Lan. Ưu tiên cho những gia đình đã có chồng cha bay ra được Côn Sơn ngày hôm trước. Những phụ nữ và con cái gia đình thiếu vắng người chồng, cha thì ở lại chưa biết hoàn cảnh sẽ xảy đến thế nào. Trong tình thế này, có nhiều người bất mãn ngấm ngầm, dù họ là những gia đình cùng chung một quân chủng.
Cậu Tú của Tường Khanh, nổi nóng trước sự thiếu công bằng, chưa chi đã đòi bỏ nhau của những người sĩ quan đang dung cấp bực của mình mà quyết định danh sách, chuyện ai được lên tàu ai phải ở lại. Ông lớn tiếng, nhưng gia đình cản ngăn.
Nhiều người khóc, những phụ nữ như Mẹ tôi chưa biết tin chồng giờ này ra sao, chưa biết thân phận gia đình mình trên đảo này sẽ thế nào. Phía bên kia núi, nghe nói trại tù đã được mở, tù bình Bắc quân đang đổ ra sau khi có tin chính thức miền nam Việt Nam đã thất thủ, ông tổng thống một ngày đã tuyên bố đầu hàng quân thù.
Khi tiếng nói đầu hàng từ vị đại tướng tổng thống yếu hèn vang lên trên làn sóng phát thanh, tất cả mọi người chúng tôi ở đảo, lặng người chết điếng. Nhiều người lại khóc.
11 giờ sáng. Có những chiếc ca nô nhỏ đổ vào gần bờ. Họ là những thủy thủ người Phi. Họ kêu chúng tôi lội biển ra tàu nhỏ. Trời lại mưa lớn, mọi người ướt hết, nhưng vẫn gắng lội qua những cơn sóng biển để ra các chiếc ca nô đón người.
Chúng tôi, hàng trăm người đa số đàn bà và thanh thiếu niên con cái nhỏ, được các chiếc ca nô đưa ra một chiếc tàu thương thuyền lớn mang cờ Phi Luật Tân. Tôi và Khanh lên bong tàu đứng nhìn biển, nói chuyện. Sóng lớn, mọi người mệt rủ. Khanh cũng yếu lắm, nàng bị say sóng nặng, ói mửa và chóng mặt.
Ra đến hải phận quốc tế, tàu Phi đưa chúng tôi đến một tàu chiến lớn của hải quân Mỹ. Chiến hạm thuộc hạm đội hải quân Mỹ có trách nhiệm đón vớt cứu người Việt đang bỏ nước lưu vong. Chiếc tàu này đón khoãng 1000 người Việt chúng tôi. Họ khám xét mỗi người chúng tôi rất kỹ. Những người lính thì hoàn toàn bị tước hết tất cả vũ khí.
Tôi đưa Mẹ tôi xuống lòng tàu, sau đó lại phụ tay với gia đình Khanh. Cầu thang đi xuống bên dưới lòng tàu, là nơi chúng tôi được đưa xuống, hơi nhỏ hẹp, tôi dìu Khanh bước từng bậc thang. Trong lòng tàu, hàng ngàn chúng tôi nằm san sát bên nhau, không nệm không chăn. Người Mỹ phân phối súp cháo cho chúng tôi trong bữa ăn đầu tiên trên tàu. Nhưng mỗi người chỉ được một ly (cup) cháo mà thôi.
Trở lên bong tàu, tôi chứng kiến những chiếc trực thăng của không quân VNCH bay đến, khi đáp lên sân tàu và người sĩ quan phi công Việt vừa bước ra, thì người lính Mỹ xúm nhau đẩy những thân tàu trực thăng xuống biển. Có những chiếc trực thăng không thể đáp xuống sân bay trên tàu Mỹ vì lý do gì đó, người phi công bỏ trực thăng nhảy ra, rơi xuống biển, có ca nô lính hải quân Mỹ đến cứu vớt. Người lính phi công hào hùng của KQVNCH lên tàu, bị tước hết súng ống, chỉ còn lại bộ đồ bay. Người Mỹ rồi phát áo quần cho họ thay.
Những lúc đó Khanh lại mệt, tôi xin Mẹ tôi 2 viên thuốc say sóng cho nàng. Mẹ tôi và mẹ Khanh nói chuyện với nhau, thân nhau hơn.
Ngày 01 tháng 05 năm 1975:
Buổi sáng, mọi người thủ tục vệ sinh trên bong tàu, giặt giũ áo quần bằng nước biển. Sau đó, người Mỹ ra lệnh quay trở xuống lòng tàu.
Buổi trưa lại ăn cháo, nhưng cũng có thêm cơm. Cơm nấu sống quá, khó ăn.
Buổi chiều, tàu lại đón thêm khoãng 4000 đồng bào được đưa qua tàu này, từ chiến hạm Midway và các Xà Lan đón người trên biển.
Sau lúc đó, thì mọi người chúng tôi được phép tự do lên bong tàu đi lại.
Khi đêm xuống, tôi và Khanh lại đứng tựa dây cáp thành tàu, nói chuyện. Khanh chia sẽ nỗi lo trong tôi khi tin tức về Ba vẫn chưa có. Tôi lo cho Ba tôi nhiều, cứ sợ điều không may xảy đến. Mẹ tôi cứ khóc, mắt luôn đỏ hoe.
Ngày 02 tháng 05 năm 1975:
Tình cờ, trong số mấy ngàn người tỵ nạn trên tàu, tôi tìm thấy được hai ông anh họ vai vế là anh em cô cậu ruột. Anh Trịnh Bá Tùng, là thiếu tá phó trưởng phòng quân báo bộ tư lệnh không quân, và anh rể họ Nguyễn Quang Lập là đại úy không quân. Mừng quá. Có các ông anh họ, nên Mẹ tôi có chút yên tâm.
Tường Khanh lại giúp giặt áo quần cho các em tôi Vũ, Phương. Chúng tôi có thời gian bên nhau nhiều hơn, chưa lúc nào hai đứa có cơ hội ngồi bên nhau nói chuyện nhiều như thế.
Thức ăn cũng lại là cháo trắng và cơm, cùng nước lạnh.
Khuya tối, không ngủ được, hai đứa tôi lại lên bong tàu nói chuyện. Trời gió biển lạnh, tôi cởi chiếc áo hướng đạo sinh khoác lên cho Khanh, mình thì cởi trần chịu lạnh. Bong tàu nghẹt người đứng, như không ai có thể nhúc nhích bước đi. Mỗi lần bước chen lấn, tôi nắm tay Khanh như bảo vệ nàng trong vòng vây bởi ngàn người xa lạ.
Ngày 03 tháng 05 năm 1975:
Buổi trưa, tàu cho mọi người cơ hội tắm rửa bằng nước ngọt, sạch. Xong lại ăn cháo trắng nữa.
Buổi tối, tôi nhập nhóm nói chuyện với những người bạn nhỏ cùng xóm giềng, cùng là những gia đình không quân Tân Sơn Nhất. Có anh em Tuấn Anh, có Chúc, có Sĩ, có Bảo… cùng tán nhau trên bong tàu. Phạm Mai Hương, bạn tri kỹ sau này của tôi, cũng có mặt cùng chuyến đi từ Tân Sơn Nhất đến Côn Sơn rồi đến chuyến tàu này.
Tường Khanh từ dưới bước lên, cười với đám chúng tôi. Hai đứa tôi lại rẽ riêng một góc thành tàu, nói chuyện. Tôi hôn nhẹ lên những sợi tóc Khanh bay trong gió biển. Tóc nàng, có mùi biển và mặn của chất muối. Khanh cười với tôi, hai đứa bỗng nhìn nhau thật lâu trong im lặng.
Ngày 04 tháng 05 năm 1975:
Tàu cập bến Vịnh căn cứ hải quân Mỹ Subic Bay tại Phi Luật Tân. Đám thanh niên trẻ chúng tôi kéo dây tàu, giúp các phụ nữ người già chuyễn đồ xuống bến. Tôi phụ gia đình tôi, phụ tiếp đồ cho gia đình Khanh. Tôi nắm tay Khanh, đưa nàng xuống bến. Khanh nói với tôi, thôi anh nghĩ đi, mệt lắm rồi, đừng phụ người khác nữa. Tôi mang tinh thần hướng đạo, người nghĩa sinh những ngày đi học, không thể không phụ giúp người khác.
Hành lý gia đình tôi và gia đình Khanh để chung với nhau. Các ông anh họ nhập chung với gia đình tôi. Trong hoàn cảnh mới, xứ người, giữa những hỗn độn không gian và thời gian đang xảy ra, vậy mà tôi thấy hạnh phúc quá. Những lúc đó, tôi quên Ba tôi vẫn còn đang thất lạc tin tức, không biết bị kẹt lại quê nhà hay đang trên tàu biển nào, hay đang ở Thái Lan vì nhiều chuyến bay không quân đã bay qua Utapao.
Tôi không ngờ giờ phút đó là giờ phút cuối giữa tôi và Khanh trong thuở ban đầu cuộc hành trình lưu vong xứ người. Các lính Mỹ tại Subic Bay đã đùa các nhóm chúng tôi vào một bên, vào một hangar căn cứ. Lúc này, tôi mất lạc nhóm của gia đình Khanh. Sau khi làm thủ tục, được ăn uống rất ngon hơn, gia đình tôi được đưa lên phi cơ không quân Mỹ bay sang đảo Guam. Nhưng tôi hoãng hốt khi không còn trông thấy bóng dáng Khanh hay gia đình Khanh ở đâu hết.
Cuối cùng, cả gia đình tôi và hai ông anh học được đưa đến đảo Guam, nơi có gần 100,000 người Việt tỵ nạn dần dà được chính phủ Hoa Kỳ tập trung về đây. Mỗi ngày tôi lang thang các khu trại trên đảo tìm kiếm Tường Khanh.
Tôi không tìm được Khanh, nhưng đã gặp lại Ba tôi trên đảo này. Ông đã kịp leo lên một chiếc phi cơ C-47 hình như là chiếc phi cơ cuối cùng bay ra khỏi phi đạo Tân Sơn Nhất vào trưa ngày 29 tháng 04 năm 1975 cùng một nhóm sĩ quan không quân. Họ đã đến đảo Phú Quốc, và sau đó được đưa lên tàu Mỹ ngoài hải phận quốc tế như chúng tôi.
Gia đình chúng tôi đoàn viên trong hạnh phúc. Tôi vẫn buồn, nhớ Khanh.
Ngày 20 tháng 05 năm 1975:
Người Mỹ đưa chúng tôi từ đảo Guam bay đến phi trường quân sự Travis vùng phía Bắc California, rồi lên xe buýt không quân Mỹ về đến trại tỵ nạn Pendleton ở California. Xe đến trại buổi trưa. Hàng trăm người ở trại này, ra tìm đón thân nhân ở bãi xe buýt đỗ người đến. Từ trong xe, tôi bất chợt nhìn thấy Tường Khanh trong đám đông đứng tìm chờ người đó, đôi mắt nàng bỗng mừng rỡ khi nhìn thấy tôi.
Có những tiếng reo vui, nhưng hạnh phúc nhất là hai đứa tôi.
Những ngày tỵ nạn hay lưu vong xứ người, thuở ban đầu kỹ niệm còn mãi trong tôi từng phút giây, đến mãi hôm nay…còn nhớ.
Hồ Văn Xuân Nhi
(trích từ tập Lưu Bút HVXN)
Hình từ trái qua phải: Thi Sĩ Trần Hữu Hoàng, nhà văn Duyên Anh và phu nhân, nhà văn Nguyễn ý Thuần, nghệ sĩ Trần Quốc Bảo, Hồ Văn Xuân Nhi, Lê Phước Vinh - hình chụp cuối năm 1987 lần đầu tiên Duyên Anh đến Mỹ và gặp gỡ nhóm chủ trương nguyệt san Tuổi Ngọc ( Mỹ )
KỸ NIỆM VỚI NHÀ VĂN DUYÊN ANH:
MỘT CÂU CHUYỆN GẦN
30 NĂM TRƯỚC
Tôi bắt đầu yêu các tác phẩm của nhà văn Duyên Anh từ giữa thập niên 60, vào năm học lớp 3 cấp tiểu học. Tác phẩm đầu tiên tôi đọc, là cuốn Hoa Thiên Lý, Con Sáo Của Em Tôi,. Về sau, tôi đọc hầu như gần hết các tiểu thuyết truyện dài của Duyên Anh. Tôi cũng là một đọc giả trung thành với bộ sách báo Tuổi Ngọc. Tôi đọc rất nhiều truyện, bài viết của ông trên báo chí thời Sài Gòn chưa đổi tên, như nhật báo Sống, Xây Dựng…dù ông ký nhiều bút hiệu khác nhau.Thuở nhỏ, tôi cũng đã thích đọc nhiều về chính trị nên rất chú ý đến những bài phiếm luận chính trị của Duyên Anh ký dưới tên Thương Sinh hay Thập Nguyên, hay nhiều bút danh khác. Nhất là khi ông viết tờ báo Con Ong, tôi rất thích thú và thấy mình bị ảnh hưởng khá nhiều bởi suy nghĩ của nhà văn Duyên Anh. Thậm chí, sau này lớn lên tôi viết truyện viết báo, tôi cũng cảm thấy chữ nghĩa của mình có chịu phần ảnh hưởng bởi văn chương trào phúng châm biết trong bài viết chính trị, hay cách hành văn giản dị của Duyên Anh trong các truyện tình cảm và tiểu thuyết xã hội.
Duyên Anh là nhà văn tầm cỡ hàng đầu trong nước. Sự nghiệp viết truyện, viết sách, viết báo của ông, quá lớn quá thừa không cần thiết để tôi nói thêm về ông. Thời Sài Gòn thập niên 60, 70, tôi vẫn là một học sinh, chưa có lần cơ hội được gặp gỡ hay quen biết nhà văn mà tôi đã thần tượng gần suốt 10 năm. Nhưng tôi có người cậu ruột quen thân với nhà văn Duyên Anh, trong nhà Cậu tôi lúc nào cũng có cả tủ sách chứa đầy những sách có chữ ký tặng của nhà văn. Lúc đó, tôi thấy nhà văn sự nghiệp lớn quá, tên tuổi ông vĩ đại, không nghĩ đến cái duyên mình có thể quen gặp được ông.
Tôi rời Việt Nam cuối tháng 04 năm 1975, chưa được 17 tuổi. Trước đó, hành trang chữ nghĩa tiếng Việt của tôi đã bao gồm ít nhất 50 tác phẩm truyện dài, tiểu thuyết của nhà văn Duyên Anh trong kiến thức đã đọc. Sang đến Mỹ, tôi bỗng dưng có duyên trở thành một người viết báo, viết văn trẻ. Năm 1980, tôi sáng lập tạp chí nguyệt san Tuổi Ngọc, chọn cái tên tờ báo đã từng là của nhà văn Duyên Anh sáng lập làm chủ nhiệm, lừng danh khắp đất nước miền nam thời chiến tranh.
Cũng như đam mê của nhà văn Duyên Anh, tôi sáng lập tờ Tuổi Ngọc với mục tiêu hướng thượng cho giới trẻ, là môi trường chữ nghĩa viết cho nhau của tuổi mới lớn, tuổi đôi mươi giới trẻ Việt hải ngoại. Khi tôi làm báo Tuổi Ngọc ở hải ngoại, thì nhà văn Duyên Anh vẫn còn ở Việt Nam. Ông đã đi tù chính trị. Giữa thập niên 80, nhà văn Duyên Anh đi vượt biển tỵ nạn, trở thành thuyền nhân tạm cư ở Mã Lai Á. Sau đó, ông được định cư ở nước Pháp. Nhà văn bắt đầu có những hoạt động mới. Không chỉ tiếp tục viết, viết thêm trên báo, in sách, mà còn viết nhạc, làm thơ rất nhiều nữa. Tôi theo dõi sự nghiệp của nhà văn, trong thâm tâm quả thật với sự mến mộ nhiều hơn.
Tôi liên lạc được với nhà văn Duyên Anh từ năm 1985, trao đổi thư từ với ông nhiều hơn, thỉnh thoảng điện thoại sang Pháp thăm ông. Tôi nói về nỗ lực tờ báo Tuổi Ngọc như một điều tiếp nối vinh danh tờ báo Tuổi Ngọc Sài Gòn của ông xưa kia. Ông vui vẻ khuyến khích trao đổi nhiều với tôi, thỉnh thoảng gửi cho một vài bài mới để đăng trên Tuổi Ngọc ở Mỹ. Có lúc nhà văn Duyên Anh đã đề nghị tôi dựng lại nhà xuất bản Tuổi Ngọc, cùng làm việc với nhà báo Vũ Trung Hiền là một người mà ông rất tin cậy ở Mỹ, như thế NXB Tuổi Ngọc sẽ có thể phát hành các sách, tác phẩm thi văn nhạc của Duyên Anh bấy giờ.
Nhưng tờ Tuổi Ngọc ở Mỹ cuối cùng phải đình bản vì lý do tài chính, vào năm 1987.
Tôi được gặp nhà văn Duyên Anh sau đó, tại nước Mỹ, lần đầu vào cuối năm 1987.
Năm 1987, tôi đang làm việc vai trò phụ tá đại diện trong văn phòng vị Dân Biểu Quốc Hội Liên Bang là ông Robert K. Dornan ở địa hạt Garden Grove. Nhà văn Duyên Anh viết thư cho tôi, ngõ ý muốn sang Mỹ để giới thiệu tác phẩm sách mới. Ông đề nghị tôi làm việc với các người bạn thân hữu của nhà văn để sắp xếp, giúp Duyên Anh xin được Visa đi Mỹ du lịch.
Việc nhập cảnh từ Pháp đi Mỹ của nhà văn Duyên Anh có phần khó khăn. Tòa đại sứ Mỹ ở Paris đòi hỏi phải có một người ở Mỹ bảo lãnh chuyện đi lại, ăn ở, trách nhiệm tài chính. Các bạn bè nhà văn Duyên Anh ở Mỹ như quý ông Bùi Bỉnh Bân, nhà báo Vũ Trung Hiền, nhà báo Phạm Kim Vinh đều có liên lạc với tôi nói thêm về vụ này. Họ hứa sẽ lo mọi thứ cho nhà văn Duyên Anh khi ông đến Mỹ, còn tôi chỉ nói với Dân Biểu Robert Dornan để viết thư mời Duyên Anh. Lá thư của một vị Dân Biểu Quốc Hội Liên Bang rất có giá trị và quyền lực can thiệp cho việc xin visa ở sứ quán Mỹ.
Yêu nhà văn Duyên Anh, quý mến các đàn anh trưởng thượng trong nghề cầm bút, tôi nhận lời. Sự thật Dân Biểu Robert K. Dornan không biết nhà văn Duyên Anh là ai, tất cả mọi sự giấy tờ do tôi hoàn toàn sắp xếp. Cuối năm 1987, lá thư của Dân Biểu Robert K. Dornan giúp nhà văn Duyên Anh đến Mỹ gặp bạn bè.
Ra đón ở sân bay LAX, rất đông bằng hữu của nhà văn Duyên Anh, có cả nhạc sĩ Phạm Duy lúc đó.
Một tuần lễ sau, nhà văn Duyên Anh nhận lời đến gặp nhóm trẻ chủ trương báo Tuổi Ngọc chúng tôi. Ngoài tôi còn có nghệ sĩ Trần Quốc Bảo, nhà thơ Trần Hữu Hoàng, Lê Phước Vinh, nhà văn Nguyễn Ý Thuần, còn có nhà báo Nguyễn Đức An, nhà báo Vũ Trung Hiền. Chúng tôi ngồi ở quán Bò 7 Món Ánh Hồng, cụng ly và nói chuyện văn nghệ xưa và nay với nhau hơn 3 tiếng đồng hồ đến khi quán đóng cửa. Gần 30 năm, không nhớ từng lời nói, nhưng nhà văn Duyên Anh đã nói chuyện rất nhiều với chúng tôi. Nhà văn rỏ ràng rất quý nhóm Tuổi Ngọc, và ông bày tỏ ý muốn làm nhiều dự án văn nghệ báo chí cùng với nhóm trẻ Tuổi Ngọc, có thể là nhà xuất bản Tuổi Ngọc được tái bản.
Chương trình của nhà văn Duyên Anh sang Mỹ lần đầu có mục tiêu chính là xuất bản cuốn sách Nhà Tù. Ngày 02 tháng 01 năm 1988, nhóm thân hữu của nhà văn Duyên Anh tổ chức trang trọng tại khách sạn Disneyland, một khách sạn 6 sao tên tuổi và lộng lẫy nhất vùng quận Cam, buổi ra mắt cuốn sách Nhà Tù. Nhà xuất bản Xuân Thu xuất bản cuốn sách này, bảo trợ buổi tiệc ra mắt sách.
Có khoãng hơn 200 khách đã đến, nhưng hôm đó vắng mặt nhiều nhà báo nhà văn vốn là bạn của Duyên Anh lâu năm trước kia. Có lẽ họ có lý do tế nhị nên không ngần ngại né tránh bạn thân mình từ xa đến đây trong một sinh hoạt vô cùng nghiêm túc trang trọng. Tôi không tiện nêu ra tên những người bạn tên tuổi trong giới văn nghệ, báo chí đã nhận lời rồi không đến với Duyên Anh hôm đó. Bởi vì hôm đó, tôi là MC giới thiệu nhà văn Duyên Anh, và sẵn sàng trong tay một danh sách các khách quý để xướng tên thay cho Duyên Anh. Nhưng các khách đó đã không đến.
Tôi được nhà văn Duyên Anh dành cho cái vinh dự làm người giới thiệu chương trình và giới thiệu tác phẩm của ông. Tôi không nhớ mình đã nói gì về ông, nhưng dĩ nhiên tôi rất quý Duyên Anh, và đối với tôi vẫn luôn là một vinh dự lớn để được vai trò này. Nhà báo Vũ Trung Hiền sau này viết sách về Duyên Anh có viết lại câu chuyện này rất chi tiết. Tôi chỉ nhớ một chi tiết tôi đã nhắc, là trong suốt 4 năm đến Pháp định cự mà nhà văn Duyên Anh đã viết thêm 20 tác phẩm mới. Có lẽ không có nhà văn, nhà báo nào thời đó viết mạnh hơn Duyên Anh.
Tập truyện ngắn đầu tay của tôi xuất bản, cũng do nhà xuất bản Xuân Thu với sự giới thiệu của Duyên Anh, tập truyện “Hôn Em Hạnh Phúc”. Nhà văn Duyên Anh viết lời bạt, in bìa sau cuốn sách tôi. Khi xuất bản sách, nhiều người khen gọi tôi với từ “nhà văn Hồ Văn Xuân Nhi”, nhưng tôi thường nhớ một câu nói của nhà văn Duyên Anh với tôi:
Nhà văn Duyên Anh đã tâm sự một câu này, về công việc viết lách của ông:
“Viết văn rồi, mình đâm ra nghiệm, em ạ. Không viết, không chịu được. Khi nào em cảm thấy nếu em không cầm bút viết xuống một điều gì đó, em sẽ mất ăn mất ngủ. Khi nào em cảm thấy mình cần viết hơn cần ngủ với vợ, chơi với con, thù tạc với bạn bè, hoặc rong chơi phù phiếm như những con người bình thường chung quanh, lúc ấy em đã trở thành một thằng nhà văn rồi đó.”
Nghĩ đến câu nói này của nhà văn, tôi mới biết mình chưa phải là nhà văn, chưa thể là nhà văn.
Đó là kỹ niệm đẹp nhất của nhà văn Duyên Anh dành cho tôi, khi lần đầu ông đến Mỹ, lần đầu tôi gặp ông mà trở thành một người mà ông tin cậy, quý mến trong một cơ hội lớn của sự nghiệp nhà văn Duyên Anh.
Chuyến đi đó nhà văn Duyên Anh không gặp may, bị kẻ thù tấn công gây thương tật khi đang đi bộ trên con đường Bolsa. Chuyện này gây khó khăn cho tôi với công việc, khi các vị thân hữu của nhà văn Duyên Anh đã đến văn phòng Dân Biểu Robert Dornan đổ trách nhiệm là văn phòng mời Duyên Anh sang đây, nên phải lo thủ tục chi phí cho bệnh viện. Tôi phải mệt mỏi chuyện giải thích này với cấp trên.
Nhưng vì hậu quả của vết thương, mà nhiều dự án hoạt động viết thêm tác phẩm, xuất bản thêm sách, hay dựng lại nhà xuất bản Tuổi Ngọc của nhà văn Duyên Anh, đã không thành tựu được nữa. Anh em chúng tôi vẫn quý mến nhau, nhưng đã không còn cơ hội làm việc với nhau thêm từ sau đó.
Khi nghe tin nhà văn Duyên Anh qua đời ở Pháp, lòng tôi đã mang thắt một vết tang sầu trong tim. Tôi đã rất yêu quý nhà văn Duyên Anh, luôn yêu mến ông, cho dù có nhiều sự nhận xét đánh giá khác nhau về ông.
Hồ Văn Xuân Nhi
VIẾT CHO THẦY CÔ VÀ BẠN BÈ TÔI:
HỘI NGỘ TRƯỜNG XƯA
TÂN BÌNH NGUYỄN THƯỢNG HIỀN
NGÀY 12 THÁNG 07 NĂM 2014
Hồ Văn Xuân Nhi
Suốt 5 năm qua, cứ mỗi lần mùa hè đến, tôi vẫn nôn nao đến tháng 7. Tháng 7 ở Cali đã nóng hơn nhiều hơn, dù miền biển phía nam tiểu bang này vẫn còn những cơn gió lạnh chút rét người khi chiều tối đến. Đầu tháng 7 thì nước Mỹ tưng bừng hoa đăng đón mừng ngày lễ Độc Lập, ăn uống ca hát pháo hoa tưng bừng suốt những đêm vào cuối tuần ngày 04 tháng 07. Hằng năm, suốt 5 năm qua, thì cứ mùa lễ Độc Lập nước Mỹ, tôi và những người bạn bè xưa, cùng với những người thầy cô cũ, đã từng chung nhau một mái trường có tên Tân Bình (từ 1969 – 1973) và Nguyễn Thượng Hiều (từ 1973 mãi vẫn còn đến nay), hẹn nhau những ngày hội ngộ ở quận Cam miền nam California này. Năm nào cũng vậy, có chừng 150 đến 200 người kéo nhau về để cùng nhau mừng mừng, tủi tủi, ôm nhau cho thỏa niềm nhớ thương người thầy xưa, đứa bạn cũ cùng lớp cùng trường.
Bạn bè trường tôi, trường Tân Bình – Nguyễn Thượng Hiền, vẫn là những người luôn còn giữ tình cho nhau, bất cứ lúc nào lần nào ở đâu. Chúng tôi, người già nhất thâm niên nhất của ngôi trường, niên khóa đầu tiên bước vào đời vào đại học, là niên khóa năm 1973. Có nghĩa là năm nay đã vào tuổi 60. Nhưng trái tim bạn bè chúng tôi vẫn còn trẻ quá, ở tuổi 50 hay 60 mà vẫn còn những yêu thương bạn bè cho nhau nồng nàn lắm, vẫn còn khắn khít tình bạn mỗi lần hội ngộ như thuở còn áo trắng ở sân trường. Gặp nhau cứ đùa giỡn, chọc phá, nói với nhau chuyện kể lại của 20, 30, 40 năm về trước. Gặp nhau, có khi bạn nam bạn nữ nhắc nhở về những kỹ niệm thằng này để ý con kia, đứa này đã thích người nọ, ở tuổi 15 hay 16, 17. Trong trắng tình học trò. Những đoản thơ tình đã viết, những câu nói ngây ngô tuổi ban đầu biết luyến lưu một người đã bật thốt, tất cả của mùi mực tím. Một thời chỉ có vài năm ngắn ngủi chung một phòng lớp hay một sân trường, mà sao suốt một đời đã hơn rồi 20 hay 30 hay hơn 40 năm, mà vẫn cứ còn hoài trong trí nhớ. Nhiều khi chuyện mới hôm qua, mới sáng nay, ở tuổi này chúng tôi đã có thể dễ quên. Mà sao chuyện của mấy mươi năm rồi, của những đứa bạn mà nhiều năm đã có đâu được vài lần gặp lại, hay chỉ mới trùng phùng ngày hôm nay lần đầu mà thôi, vậy mà nhớ rỏ như mực in trong trí trong tim.
Trái tim những người cựu học sinh Tân Bình – Nguyễn Thượng Hiền đã là như thế đó. Thầy Cô chúng tôi vẫn yêu, Thầy Cô chúng tôi vẫn yêu chúng tôi. Có người đã hơn 80, có người nay đã phải ngồi ghế xe lăn, vẫn nhất định lăn xe đến với những đứa học trò mà ngày xưa chúng ngỗ nghịch lắm đó, để được ngồi lại với chúng. Thầy và Trò hôm nay nhiều người mái tóc bạc như nhau. Thầy Cô chúng tôi, nhắc tên thì vẫn còn nhận nhớ ra những đứa học trò xưa. Thầy Cô chúng tôi, những người học trò vẫn xem như cha mẹ. Ba chữ Quân, Sư, Phụ thấm nghĩa nặng tình trong những trái tim học trò Tân Bình – Nguyễn Thượng Hiền ngày xưa hay hôm nay. Sau tấm lòng cho tổ quốc quê hương, thì trái tim và suy nghĩ của chúng tôi vẫn là cho những Thầy Cô cũ. Bởi thế, nên năm nào cũng vậy, chúng tôi học trò đã mời Thầy Cô cũ đến với đại hội hằng năm cựu học sinh Tân Bình – Nguyễn Thượng Hiền Hải Ngoại, như những ân nhân vĩ đại trong cuộc đời, như những người cha người mẹ của một trí óc chúng tôi có được ngày hôm nay.
Trong những tinh thần và yêu thương nhau đó, lần nữa học trò Tân Bình Nguyễn Thượng Hiền đã kéo nhau về trong ngày đại hội lần thứ 5 của Hội Cựu Học Sinh Tân Bình – Nguyễn Thượng Hiền Hải Ngoại, tổ chức vào ngày thứ Bảy 12 tháng 07 năm 2014 vừa qua. Đại hội là danh từ của tổ chức, nhưng hội ngộ là đúng nghĩa của tinh thần những người trò người thầy cô ngôi trường này.
Năm nay, vắng hơn những năm trước, vì nhiều lý do của thời gian tính. Chỉ có khoãng 130 cựu học sinh hội ngộ với nhau lần này. So với những lần đại hội trước thường có đến trên dưới 200 người. Tôi nhìn 13 bàn tiệc, điểm danh mọi người. Hơi buồn bả trong lòng khi thiếu vắng nhiều khuôn mặt thân quen, thương yêu mà vẫn thường gặp mỗi năm. Sao năm nay vắng bạn mình, tôi hỏi trái tim tôi buồn hiu. Niên khóa 73 trưởng lão của trường chỉ có 3 người, nè là chị Phương Vũ, anh Bạch Hải, anh Nguyễn Báu… có thế thôi sao? Mới năm trước các anh chị vừa tưng bừng kỹ niệm 40 năm ngày ra trường ở nơi đây kia mà. Niên khóa 74 thì lần này vui quá, đông hơn mà lại có những người cựu trưởng lớp như Hoàng Lưu Đức, Phan Bá Hiển từ xa xôi ngoài Cali cũng về, để đánh dấu kỹ niệm 40 năm ra trường niên khóa mình. Niên khóa 75 thì không có một ai tham dự lần này, vắng hơn những lần của hai ba năm về trước, tôi rất buồn vì vẫn mong gặp nhiều anh chị bạn bè cũ, lần nào năm nào cũng phải tiếc phải thất vọng vì thiếu những anh chị bạn bè đó. Niên khóa 76 của tôi, thì cũng vắng hơn phân nữa số bạn thường gặp nhau mỗi năm. Nhiều bạn bè mà tôi cứ đinh ninh lần này gặp lại, nhưng đã phải thất vọng. Niên khóa 77, 78, 79, 80, 81, 82, 84, 88… đều có những người bạn đã về dự. Những niên khóa rất trẻ hơn, sau năm 1990, đã có người cũng về với đại hội. Nhưng gom lại tất cả hôm nay, 13 bàn tiệc, với gần 100 bạn bè cũ, cùng nhiều thân hữu như trung tâm Ngôi Sao Tương Lai của ca sĩ Thiên Quang, MC nghệ sĩ Trần Quốc Bảo, nhà báo Kỳ Phát của tạp chí Trẻ. Những người thân hữu này luôn có mặt hằng năm đại hội chúng tôi, luôn ủng hộ không một điều kiện nào. Chỉ vì chữ Tình Cho Nhau mà thôi.
Thầy cô, tôi quý nhất là thầy Hiệu Trưởng, năm nào cũng nhất định phải đến dù sức khỏe yếu hơn mỗi năm. Thầy ngồi xe lăn, sắc xuống nhiều trên khuôn mặt. Thầy yếu hơn rồi. Nhưng thầy vẫn nhất định phải khỏe hôm nay, bắt gia đình phải đưa thầy đến gặp lại học trò xưa. Thầy đã già yếu như thế, nhưng không bỏ lỡ một lần nào của những đại hội của chúng tôi, những đứa học trò xưa. Thầy Nguyễn Tiến Thành, vị hiệu trưởng đầu tiên chính thức của trường trung học Tân Bình năm 1969 và khi chuyễn tên Nguyễn Thượng Hiền từ năm 1973, cho đến ngày cộng sản xâm chiếm miền nam đất nước chúng tôi, thì thầy bị họ thay đổi. Thầy đến, để cho học trò chúng tôi có cơ hội gặp thầy, thăm thầy, xem như mỗi năm chỉ có một lần làm được chuyện thăm hỏi thầy mình.
Năm nay, cũng vắng hơn nhiều Thầy Cô khác, chỉ có cô Bùi Mỹ Dương, cô Nguyễn thị Mộng Thúy, cô Trần thị Ngọc Yến, cô Ngô Thu Thủy… vậy thôi. Những cô giáo này của chúng tôi, ngày xưa hiền lắm, rất thương học trò, ít khi nào mắng phạt hay cho điểm thấp. Ngày nay, tuổi cao lắm rồi, phương tiện xe cộ không có hay không thể lái xe, nhưng nhất định vẫn đến với chúng tôi. Học trò kính mến thầy cô, chỉ mời và mong thầy cô đến là những người khách danh dự nhất. Vậy mà thầy cô, không ai đi làm kiếm tiền được gì hết, vẫn nhất định ép học trò mình những phong bì thư tiền bạc ủng hộ cho Hội. Tôi đọc danh sách cảm tạ, nhìn các tên Thầy Cô như thế, mà rươm rướm nước mắt trong tim. Hội Trưởng mãn nhiệm Bùi Anh Tuấn tức nhạc sĩ Minh Tuấn, vừa gửi thư yêu cầu Hội từ nay nhất định không được nhận quà của Thầy Cô nữa. Tôi nói với Minh Tuấn, phải rồi phải rồi.
Chương trình đại hội kỳ 5 năm nay rất đơn giản hình thức nhưng rất phong phú nội dung và tình cảm. Chất lượng văn nghệ thì do cây nhà lá vườn, không mời nghệ sĩ chuyên nghiệp trình diễn. Các chị các anh của các niên khóa, trong áo dài vàng hoa cúc là màu áo biểu tượng cho hình ảnh cựu nữ sinh Nguyễn Thượng Hiền ở hải ngoại hôm nay, hay trong áo trắng sơ mi làm cứ nhớ thời áo trắng học trò con trai nghịch phá đã gọi là nhất quỷ nhì ma thứ ba là chúng nó, hay trong những chiếc áo tứ thân… đã cùng nhau hợp ca, cùng nhau những màn nhạc cảnh, với những bài hát đã một thời học trò thuộc làu như Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, Cô Gái Việt, Nụ Tầm Xuân, Khúc Hát Ân Tình. Ngay lúc ban đầu, toàn thể các cựu học sinh chúng tôi đã cùng nhau lên sân khấu đồng ca bài Về Bên Nhau của nhạc sĩ hội trưởng Minh Tuấn lời của cựu học sinh Vũ Nguyễn Phương, như là bài ca của Hội, vẫn hát mỗi năm. Hát hay lắm, bởi chúng tôi đã hát bằng trái tim. Hát hay lắm, bởi chúng tôi đã hát vì Thầy Cô, cho Bạn Bè. Khán giả bên dưới, không có nhiều những người từ bên ngoài, mà đa số là thầy cô và bạn bè, một số thân nhân thân hữu vẫn quý hội của trường chúng tôi. Chúng tôi đã hát, đã trình diễn không để phô trương, không để xưng danh Hội, chỉ hát lại hay trình diễn lại những bài hát mà ngày xưa ở trường chúng tôi đã có những lần hát trong những buổi văn nghệ nhà trường. Thời đó hát hay hơn, múa đáng yêu hơn. Thời này hát tình hơn, múa duyên dáng hơn. Bạn bè cho nhau mà. Học trò gửi thầy cô mình mà.
Cám ơn chị Ngọc Liệu của niên khóa 74. Cám ơn chị Ngọc Trâm, Ngọc Hiếu, những người thân hữu, đã công khó đạo diễn cho những màn nhạc cảnh và hợp ca này. Cám ơn tiếng hát của hai cựu học sinh Đỗ Việt Hùng niên khóa 77 và Nguyễn thị Ái Liên niên khóa 79 với bài Nỗi Buồn Hoa Phượng. Cám ơn tiếng hát chị Bích Vân của niên khóa 76 với bài Tình Hoài Hương, hát hay như thời xưa đó, hát mà nhiều người đã phải giật mình và nhận ra giọng hát hay nhất của trường xưa. Cám ơn tiếng hát của anh Nhan Tử Hiếu của niên khóa 76 với bài Chiếc Lá Thu Phai và bài Mai Tôi Đi, anh là người học trò ngày xưa đã nhiều lần làm rạng danh trường ở các sân chơi thể thao với các trường bạn khi anh là thủ quân đội bóng rổ, đội túc cầu, mà hôm nay thì hát mướt quá ấm quá. Cám ơn tiếng hát của nhạc sĩ hội trưởng chúng tôi là Minh Tuấn làm sống động vui quá giờ phút cuối cùng chương trình. Cám ơn tiếng hát người bạn đến từ San Diego là Ngọc Hân, góp vui phần cuối chương trình. Cám ơn phần đóng góp đặc biệt về môn Khí Công của cựu học sinh Phạm Mai Hương niên khóa 77 và Nguyễn thị Phương Anh niên khóa 76 từ Houston Texas đã hướng dẫn mọi người.
Trường tôi, đã có nhiều nhân tài văn nghệ, đã có nhiều người thành danh ngôi sao sáng sân khấu nhạc Việt Nam, như đã có Ngọc Lan (quá cố), Nhật Hạ, Đàm Vĩnh Hưng, Đức Trí (nhạc sĩ), Vũ Vinh Quang,… Nhưng sân khấu cho văn nghệ hôm nay của trường tôi, chỉ là những người mang trái tim đến cho thầy cô và bạn bè mình. Cho nên, thấm tình sâu hơn trong tim mỗi người chúng tôi đến dự, lắng nghe.
Trường tôi, hôm nay đã có nhiều người thành bác sĩ, khoa học gia, kỹ sư, luật sư, dược sĩ, nha sĩ, hay là những doanh nhân thành công. Kể ra thì không thua những ngôi trường lâu đời danh tiếng hơn …Nhưng khi nhìn những bằng cấp, chúng tôi nhớ thầy cô, nhớ bạn cũ, và vẫn bỏ chút thời gian sống cho bạn bè với nhau.
Ngày trước đại hội, đêm thứ Sáu, chúng tôi đã kéo nhau đến nhà hàng Như Ý, nhà riêng của Hồ Văn Xuân Nhi, để có với nhau những trận cười nghiêng ngã. Chúng tôi đã ngồi kể lại, ôn lại chuyện cũ trường xưa, kỹ niệm tuổi nhỏ, những hình ảnh vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức. Riêng tôi, mừng quá khi gặp lại thằng bạn cùng lớp Nguyễn Quang Thọ sau 43 năm, mừng quá khi gặp lại thằng bạn cùng lớp Nhan Tử Hiếu sau hơn 39 năm. Chỉ có những giờ phút này, chỉ có những hình ảnh này, chỉ có những kỹ niệm xưa, mới cho tôi hạnh phúc của hôm nay trong một đời sống xã hội mà tôi đang rất chán chường thất vọng. Nhưng bạn bè tôi, đã làm tôi vui, dù chỉ vài ngày thôi, cho cuộc đời hôm nay.
Ở đại hội, niên khóa 74 long trọng tổ chức kỹ niệm 40 ngày ra trường. Hơn 20 anh chị đã đến, đã cám ơn và gửi quà lưu niệm cho thầy cô. Hình ảnh của những người học trò được lộng khung kính, sẽ là báu vật cho những người được các anh chị niên khóa 74 trao tặng, trong đó có thầy cô và nhiều người chúng tôi. Các anh cựu trưởng lớp lên phát biểu. Họ nói bằng trái tim, ngôn ngữ thật thà con người học trò khi nhắc lại kỹ niệm và lời mang ơn thầy cô mình. Tôi đã cố mím môi, tay che mặt để đừng bật nước mắt, khi nghe anh Hoàng Lưu Đức và Phan Bá Hiển phát biểu đại diện cho toàn khóa 74. Cảm xúc quá. Bài thơ anh Phan Bá Hiển không đi vào văn chương lịch sử, nhưng đã đi vào lòng các thầy cô tôi, vào lòng chúng tôi hôm nay, mãi mãi. Cám ơn quý anh chị niên khóa 74, đã giữ tình cho nhau thật chặt chẻ như thế này.
Năm nay Hội chúng tôi đã bầu lên một người Hội Trưởng mới, thay cho Minh Tuấn mãn nhiệm kỳ 2 năm nhưng nhất định phải giao cho người mới khác, không nhận thêm, dù anh hứa sẽ vẫn tiếp tục làm việc với mọi người trong vai trò người cố vấn mới. Hội chúng tôi tinh thần dân chủ lắm, không hội trưởng nào thích cố vị cố giữ quyền, luôn muốn có nối tiếp và đổi mới. Hội chúng tôi, không ai thích giành nhau chức vụ, không cần đối đãi xấu nhau để có chức hội trưởng hay chức danh nào, nhưng vẫn tìm ra được những người hội trưởng đầy khả năng và trái tim nhiệt tình cho bạn bè. Năm nay, chúng tôi đã bầu được người Hội Trưởng mới là chị Võ Hương, hay còn được bạn bè thường gọi là Hương Xưa, của niên khóa 76. Đây là người hội trưởng thứ ba, liên tục của niên khóa 76. Hương Xưa là người luôn có tấm lòng cho bạn bè, luôn có nụ cười và sự tha lỗi, luôn đón tiếp và ân cần dù chỉ lần đầu mới gặp mới quen. Bạn bè thương mến Hương Xưa khi chị sẵn sàng tình nguyện nhận lấy một trọng trách mà nhiều người e ngại cứ né tránh. Cám ơn Hương Xưa, mọi người sẽ cùng bạn tôi làm việc chung nhau gánh sức việc chung của Hội. Đó là lời hứa bạn bè gửi, khi Hương Xưa đồng ý nhận chức vụ.
Tiệc vui ca hát, văn nghệ tưng bừng sắc thái Việt Nam. Có tiết mục rút thăm may mắn trúng thưởng tiền mặt các giải 25, 50, và 100 đô la. Anh Trần Đức Thái của niên khóa 74 và anh Vũ Thanh Hải của niên khóa 76, xin ủng hộ lại cho Hội phần quà may mắn đã trúng. Chị Thũ Quỹ Phương Vũ có vẻ vui. Mỗi niên khóa đã chụp hình với nhau, để là hình ảnh kỹ niệm. Minh Tuấn nhận quà lưu niệm, cám ơn công khó và cái tình của anh đã lo cho Hội suốt 2 năm qua. Nhưng Minh Tuấn đã nói rằng những thành công và kết quả của Hội là do những bạn bè trong ban tham mưu điều hành đã tận lực phụ giúp cho anh suốt những năm qua. Công khó đó, kể tên nhiều người không hết, khi Minh Tuấn mời bước lên sân khấu với anh cũng hàng chục người, nhưng không thể không nhắc đến chị Phương Vũ, anh Bùi Phúc Hoan, anh Nguyễn Kỳ Phương, chị Nguyễn Trần Kim Thoa, anh Nguyễn Báu, … là những toa đầu nặng nhất đã kéo con tàu Hội suốt bao nhiêu năm qua.
Buổi trưa tiệc ở nhà hàng Diamond Seafood Palace tàn lúc 15g00 theo yêu cầu của nhà hàng. Chúng tôi hằng năm tổ chức ở đây vì thức ăn không ai chê, nơi chốn thanh lịch, giá tiền cũng không quá đáng, và ban giám đốc luôn cố gắng chìu những ý muốn của chúng tôi. Tiệc tàn, nhưng chưa ai muốn chia tay.
Tiệc tàn, tình chúng tôi chưa muốn chia tay, nên buổi chiều kéo nhau đến nhà cựu học sinh Thomas Đào của niên khóa 80. Thomas Đào là doanh nhân thành công trong ngành địa ốc ở quận Cam Nam California này. Anh không bao giờ từ chối với bạn bè, nên nhiều năm qua nhiều lần đại hội, anh đã mở cửa nhà mình cho bạn bè đến, cho cuộc vui tình thầy trò tình bạn bè được hả hê trong tiếng cười, tiếng hát, chén ly tạc thù với nhau. Năm nay cũng vậy, mọi người đến nhà anh Thomas, thức ăn chị Phương Vũ đã sắp đặt ê hề, ăn mãi không hết đến khuya cuốn gói mang về. Rượu bia nước ngọt hay mọi thứ phụ tùng tiệc, thì Thomas chu đáo, không thiếu, mà hả hê những người thích say. Năm nay thiếu tài công, nên không được đi tàu biển, còn máy nhạc karaoke của họ Đào lại đình công không cất tiếng, nên không ai hát được, nhưng lại cho thì giờ mọi người nói chuyện với nhau lâu hơn. Những người từ xa đến đông đủ, thầy cô đến buổi trưa thì vẫn đến buổi chiều. Nhưng so với những lần trước, có phần vắng hơn. Khi bạn bè vắng nhau, dù chỉ một đứa, thì dường như không khí cũng có phần bớt vui hơn chút. Huống chi năm nay, vắng nhiều hơn.
Bạn bè từ xa về, từ Australia, từ Houston, từ Dallas, từ Denver, từ Portland, từ Chicago, từ Ohio, từ Atlanta, từ Sacremento, từ San Jose, nhiều nơi lắm không nhớ đủ hết. Tôi cám ơn các anh chị đã lưu giữ và thương bạn bè mình, quý thầy cô mình mà công khó đi về, có người chỉ đến đúng một ngày tham dự rồi bay về nhà ngay. Đại hội chỉ có ý nghĩa khi có những bạn bè nhiệt tình, tận tình về với nhau, cố ý gặp nhau thế thôi. Tôi lưu giữ hình ảnh ngày đại hội hôm nay hay những ngày đại hội đã qua, cho đến ngày chia tay vĩnh viễn bạn bè.
Chúa Nhật, hậu đại hội và chia tay, nhiều anh chị đã hẹn nhau gặp lần nữa ở quán mới TeaArt của bạn Đỗ Việt Hùng. Xong rồi, còn kéo nhau đi chơi ngắm cảnh dạo phố mua áo quần ở Fashion Island nữa. Vui quá xá là vui, chia tay sao đành đây.
Sáng nay thứ Hai, tôi đang ở Las Vegas, đưa vài bạn bè đến từ rất xa như Nhan Tử Hiếu và gia đình từ Úc, đi cho biết Vegas là đâu là gì, sao ai cứ thích đến. Thành phố vui, nhưng lòng tôi man mác những thoáng buồn từ ngày đại hội và khi chia tay bạn bè xa. Năm sau, chúng tôi sẽ gặp lại nhau.
Năm sau, gặp lại nhau nhé, đừng ai quên về với bạn bè và thầy cô nhé, bạn tôi ơi!
HẠNH PHÚC VÔ THƯỜNG
HỒ VĂN XUÂN NHI
Khanh đến California chuyến bay đêm của Southwest Airlines. Chiếc phi cơ lượn vòng ra biển trước khi hạ dần về hướng phi trường John Wayne. Tháng Giêng vẫn còn của mùa đông, buổi tối trời đen mịt, nhưng thành phố biển bên dưới về đêm rực rở những ánh đèn màu sắc, lấp lánh như những hạt ngọc muôn màu. Khanh nhìn qua khung cửa nhỏ. Nàng thấy có những con tàu đang lửng thửng ngoài khơi, vùng biển lớn. Nàng mím môi, nuốt trong lòng một chút đớn đau vừa nhói dậy trong tim. Biển lớn, và những con tàu chơi vơi ngoài biển cả, vừa khơi dậy trong Khanh những hình ảnh của một ký ức, một thời đã qua lâu lắm rồi.
Nhưng tiếng của người phi công trưởng vang lên trong máy loa, báo tin phi cơ đang hạ cánh, và lời cám ơn hành khách chúc lành một chuyến đi hay chuyến về. Với Khanh, đây là chuyến đi mà cũng là chuyến về. Nàng đến quận Cam của California này từ nơi chốn đang ở Houston của Texas. Thành phố bên dưới không phải là nơi chốn lạ, Khanh đã nhiều lần đến nhiều lần đi. Nơi chốn này, như là một quê nhà thứ hai vì Khanh đã có những kỹ niệm, những ngày rất đẹp rất hạnh phúc của một đời đã qua.
Nhưng lần này, Khanh trở lại quận Cam, để thăm một người bạn, tham dự đám cưới đứa con gái của bạn mình. Người bạn của một thời còn là học trò áo trắng Gia Long những ngày trước biến cố 30 tháng 04 năm 1975. Người bạn từ thưở mới bước vào trung học, cho đến ngày chạy nạn cộng sản, qua Mỹ gặp nhau ở trại tỵ nạn Pendleton, đến hôm nay ở tuổi ngoài 40, vẫn còn là người bạn thân nhất thương nhất. Khanh trở lại nơi này, lần này cũng đã lâu rồi kể từ lần cuối đã hai mươi năm về trước. Khanh trở lại nơi đây, hình như để cố tình tìm lại những điều hạnh phúc đã có mà bao nhiêu năm đời sống đã chôn vùi nó trong ký ức.
Bước ra khỏi phi cơ, đồng hồ đúng 10 giờ khuya. Đêm nay thứ Sáu. Nàng bước xuống khu hành lý, dõi mắt vào đám đông đang đứng đón người bên dưới. Khanh, Khanh. Có tiếng gọi quen thuộc. Trang kìa. Nàng nhìn bạn mừng rở. Trang mở vòng tay ôm người bạn cũ reo vui tiếng gọi của một tình thân thắm thiết lắm. Hai người ôm choàng nhau. Trang, người bạn học của hơn 30 năm về trước, vẫn chẳng khác bao nhiêu so với lần cuối hai người gặp nhau. Khanh nghĩ thế, con nhỏ này sao cứ còn trẻ mãi. Trang cũng bật kêu:
- Chà, trông mày cũng vẫn còn "mi-nhon" quá chứ... sao hay vậy?
Khanh cười:
- Thì mày cũng hơn tao, sao trông trẻ vậy....
Rồi Khanh nói tiếp:
- Mày vẫn còn đẹp lắm Trang ạ... không phải đẹp lão đâu, cứ như thiếu nữ thời nào....
Trang cười đón nhận lời khen của bạn, không chút khách sáo:
- Nhưng không còn ai mê nỗi nữa, chồng còn muốn chán muốn bỏ đi đấy...
Trang nhìn Khanh:
- Mày cũng vậy đó Khanh, còn mướt lắm nghe... tao nói thật, không phải tán tụng nhau đâu....
Khanh nắm tay bạn đi vào khu vực lấy hành lý:
- Cũng hơn 20 năm mới gặp lại mày... thấm thoát mà đã gần 40 năm bạn bè rồi hả Trang,....
Khanh ngừng lại. Nàng vừa tự nhắc lại thời gian của một kỹ niệm, mà đối với Khanh là những ngày hạnh phúc nhất. Những ngày của hơn hai mươi năm về trước, khi Khanh lần đầu từ Houston bay sang vùng Nam Cali này. Những ngày của một quãng thời gian rất dài, gần mười năm kéo dài một cuộc tình với một người ở nơi đây. Ngày đó, tình yêu với Thi.
Lên xe, Trang lái mà miệng huyên thuyên không dứt. Nàng thương Khanh lắm, đứa bạn từ thuở nhỏ mãi đến hôm nay. Ở nước Mỹ này, tính đến nay đã hơn 30 năm, nhưng đời sống ở đây sao vẫn khô héo tình cảm con người quá. Trang có đông bạn bè mới, nhưng vẫn không có được một người bạn mà chung nhiều kỹ niệm, thâm tình đáy sâu trong tim như với Khanh. Hai người năm nay tuổi đã ngoài 40 chứ nhỏ đâu. Tuy chưa ai có cháu ngoại cháu nội, nhưng con cái cũng đã lớn. Ngày mai là đám cưới con gái lớn của Trang. Nàng mời Khanh về tham dự. Nhất định phải sang đây dự đám cưới con gái tao cho được đó nghe Khanh. Trang đã nói thế. Ngày mai cũng là cơ hội cho nhiều bạn bè cùng lớp cùng trường ngày xưa hội ngộ nhau. Trang vui lắm. Hai người nói chuyện quên miết đường đi, nhắc nhau nghe về những kỹ niệm của ngôi trường, nơi con đường Bà Huyện Thanh Quan, nơi có những ly đậu đỏ nhưng cuốn bò bía thu hút học trò áo trắng. Không phải chỉ có con gái nữ sinh Gia Long nơi đó, mà thuở đó còn đầy ắp nhiều chàng sinh viên học sinh từ các trường, đến đó đón người yêu hay cố tình tìm một bạn gái làm quen.
Thưở đó, làm con gái học sinh trường Gia Long có những kiêu hãnh dễ thương. Những ngày đó, từ lớp học đến bên ngoài sân trường, vẫn còn đong đầy quá trong tâm tưởng, mà hôm nay ở tuổi này vẫn còn vương vấn chút mộng mơ về ngày cũ. Làm sao có được những ngày đẹp như thế ở nước Mỹ này, thời học sinh ở Mỹ hay làm sinh viên đại học ở Houston, ở Irvine, cả Trang hay Khanh đều không thể có được những kỹ niệm trong trắng tình cảm nhưng ngập tràn màu tím cuộc đời như cái thời làm con gái Gia Long.
Trang tách xe khỏi xa lộ 405, hướng vào khu vực Little Sài Gòn. Nàng đưa Khanh xuống phố Bolsa ăn khuya. Khu phố người Việt đang đón Tết, con đường chính Bolsa có chợ hoa, vui lắm. Trang nói như thế với bạn. Nhưng mình đi tìm cái gì ăn đã, nghe Khanh. Khanh đồng ý với Trang. Chỉ có Bolsa, chỉ có khu vực Little Sài Gòn này mới có nhiều quán ăn về khuya, mở cửa thật trễ như thế. Ngay cả Houston cũng không có. Khanh nói như vậy với Trang.
Khanh vẫn còn nhớ những đường phố trong khu vực thương mại của người Việt Cali. Những đường phố mà Thi đã nhiều lần đưa nàng đến cho những buổi ăn trưa, ăn tối ở những lần Khanh đã đến Cali với chàng trước đây.
Trong quán ăn, Trang bất ngờ hỏi Khanh:
- Mày vẫn còn nhớ Thi?
Khanh cúi mặt, lắc đầu nhẹ, nói dối một điều trong lòng:
- Không, tình cảm đó đã chết từ lâu rồi...
Trang cười, cảm thông với đôi mắt vừa thoáng buồn của bạn mình:
- Đừng dối lòng với tao, tao vẫn biết mày còn thương Thi lắm...
Rồi nàng tiếp:
- Cũng không trách mày, mày đã có một mối tình đẹp quá. Thi đã cho mày một tình yêu rất đẹp. Làm phụ nữ như tụi mình, không thể nào giết chết được những kỹ niệm đó bằng thời gian....
Khanh im lặng. Dòng thời gian quay ngược về một quá khư, từ một lối xưa....
.........................................................................................................................
Đó là một ngày trước khi mùa xuân năm 1975 bắt đầu.
Tường Khanh bước xuống xe buýt, đi chậm về lối cổng phi trường Tân Sơn Nhất. Đây là khu cư xá cho các gia đình người lính Không Quân. Bố nàng đã là một sĩ quan phi công còn rất trẻ, nhưng chưa đến 30 đã anh dũng hy sinh đền nợ nước trong một chuyến bay đêm phi vụ phạt Bắc hồi thập niên 60. Lúc đó Khanh còn nhỏ lắm, còn được Mẹ bồng tay. Ngày tang của Bố, nàng có hiểu biết gì đâu. Chỉ nhớ lúc đó Mẹ khóc ngất như một người điên. Vầng khăn tang trắng trên đầu, Mẹ đã ôm ảnh Bố gào thét trong nước mắt, Khanh ôm Mẹ sợ hãi. Người ta không tìm được xác Bố thời đó, vì phi cơ rơi trên đất Bắc. Điều đó đã làm Mẹ và Khanh vẫn nuôi một hy vọng Bố còn sống nơi nào trên đất Bắc. Nhưng mãi đến ngày Mẹ lâm bệnh ra đi trên đất Mỹ này, vẫn chưa có tin ai nói rằng Bố còn sống. Bố đã mất và mất xác trong cuộc chiến Nam Bắc thời đó. Mẹ vẫn ở vậy nuôi Khanh đến ngày khôn lớn, không hề tái giá hay có mối tình nào khác hơn. Bà chung thủy với Bố Khanh như thế đó, mẫu mực của một người phụ nữ Việt Nam thời chinh chiến. Đến ngày rời quê hương, trên một chuyến bay đêm từ phi trường Tân Sơn Nhất ra đến hải đảo Côn Sơn trước ngày 30 tháng 04 năm 1975, thì Mẹ vẫn mang theo hình của Bố từ trên bàn thờ còn phủ tấm kỳ vàng ba sọc đỏ, mang hình Bố nàng theo sang đến nước Mỹ.
Gia đình Khanh dù Bố đã mất, nhưng vẫn sống trong một ngôi nhà khu cư xá sĩ quan không quân, bên trong phi trường Tân Sơn Nhất những năm trước 1975. Sau này thời Tết năm Mậu Thân, ở trong khu phi trường mà vẫn có những cảm giác chiến tranh khi súng nổ và đạn pháo vào bên trong khu vực. Rồi bên cạnh nhà hàng xóm có đám tang của ông đại tá bạn cùng khóa sĩ quan với Bố nàng ngày xưa, vừa tử trận trong cuộc chiến ngày Tết Mậu Thân, sau này thì Khanh biết ông hàng xóm tên Lưu Kim Cương rất nổi danh, cái chết của ông đã được một nhạc sĩ họ Trịnh viết thành bài hát. Ông là bạn cùng khóa với Bố nàng khi nhập ngũ nên hai mẹ con Khanh đã dự đám tang. Chứng kiến tang lễ, Khanh mới thấm thía sự mất mác của một người chồng người cha trong gia đình. Đám tang những người lính tuy buồn bả đớn đau, nhưng sự ra đi của những người vừa nằm xuống này thật oai hùng. Khanh mới nhận thức Bố nàng cũng đã một thời oai hùng trước khi nằm xuống cho lá cờ quê hương.
Tuy chỉ có hai mẹ con, nhưng nàng sống chung ngôi nhà trong gia đình có cậu cũng là lính không quân, có những người dì, có đứa em họ còn bé lắm. Khanh vào trung học trường Gia Long, mỗi buổi trưa đi học trên chuyến xe buýt từ Lăng Cha Cả đổ về Bà Huyện Thanh Quan rồi buổi chiều chuyến xe ngược lại. Xuống bến xe Lăng Cha Cả, nàng đi bộ vào bên trong cổng phi trường, rồi lên xe lam về đến trước cửa nhà.
Bất ngờ, một buổi chiều khi vừa băng qua đường vào cổng sân bay, thì có một thanh niên áo trắng quần xanh học sinh, chắc tuổi lớn hơn Khanh chừng vài lớp, bước theo chân nàng, hỏi vội:
- Cô ơi, có phải cô là Tường Khanh con cô giáo Bổng??
Trời ơi, lúc đó Khanh quíu cả đôi chân, run người lên. Lần đầu tiên có người con trai đến hỏi chuyện mình giữa đám đông người. Khanh run lên chỉ biết gật đầu rồi cố bước thật nhanh. Người thanh niên đó cứ bước theo, cứ nói chuyện tỏ lời làm quen. Khanh chỉ bối rối, dạ dạ, không dám và không biết nói gì hơn trước những câu nói của người con trai đó. Khanh vào bên trong cổng phi trường, người đó cũng bước vào theo, khi người lính quân cảnh hỏi giấy ra vào, thì Khanh mới biết anh chàng này cũng cư ngụ bên trong khu cư xá Tân Sơn Nhất.
Khanh bước lên xe lam, người con trai cũng bước lên xe lam. Hắn nói, hồi nhỏ năm lớp ba, hắn là học trò của Mẹ Khanh. Khanh lắng nghe, mắc cở với những người trên chuyến xe, bối rối im lặng suốt buổi, nhưng không tỏ thái độ nào bất bình với người con trai. Khi bước xuống xe, nàng đã nhìn người con trai. Hắn dễ thương đó.
Rồi họ đã quen nhau. Thi là tên chàng trai trẻ. Tuổi hơn Khanh vài năm thôi. Có nhiều buổi chiều, Thi lên đến tận cổng trường Gia Long đứng giữa một bày con gái áo dài trắng, đợi tìm Khanh. Khi nàng bước ra, thấy Thi thì vội vàng lẫn tránh, mắc cở với bạn bè quá. Nàng lên xe buýt, chàng bước lên theo. Khanh kéo cô bạn cùng trường cùng chuyến xe ngồi sát bên cạnh, sợ chàng trai trẻ này đến ngồi kế bên thì chết. Chàng chỉ theo nàng như thế, từng buổi chiều và từng buổi chiều từ trường Gia Long về đến nhà, trên những chuyến xe buýt chiều, rồi đi bộ bên nàng vào bên trong khu cư xá. Rồi nàng đã nói chuyện với chàng, họ đã thành một đôi bạn nếu chưa phải là một tình cảm nào đậm hơn lúc đó.
Thi thích viết văn, làm thơ. Chàng khoe chàng hay viết truyện ngắn trên báo Chính Luận thời đó, trang Mai Bê Bi. Một ngày, Thi đưa cho Khanh xem tờ báo, trong đó có truyện ngắn chàng viết. Trời ơi, chàng viết tên Khanh, viết về câu chuyện làm quen ban đầu của hai đứa. Khanh mắc cở quá đi, bạn bè trong lớp hay đọc trang báo này lắm, chúng xem thì chết Khanh mất. Rồi gần đến ngày Tết năm 1975, Thi lên xe lam, cầm tay đưa Khanh một cuốn báo. Báo Xuân của trường anh đó. Gửi Khanh nghe. Có chữ ký chàng ở trang đầu. Khanh thấy tên Thi là người trưởng ban báo chí thực hiện tờ giai phẩm xuân của trường chàng. Ngôi trường của Thi ở gần sân bay Tân Sơn Nhất này. Nhiều người trong khu cư xá nàng là học sinh của trường này. Khanh cũng vui vui khi cầm tờ báo, có một truyện ngắn chàng trai trẻ này viết, dám đề những chử ...Viết Cho Tường Khanh... ngay trên bài viết. Nàng mắc cở, mĩm cười thầm, hơi cải lương đó nhưng dễ thương học trò ở lứa tuổi của nàng thời đó.
Thi làm cho nàng một tâp thơ giấy ca rô viết mức tím những bài thơ chàng sáng tác. Có những chiếc lá ép vào từng trang. Chàng làm thơ tình dễ thương quá, cho dù Khanh không hiểu nhiều về những chử nghĩa giòng thơ hơi khó hiểu của Thi. Khanh thời đó, tuổi vẫn còn nhỏ, nhưng đã là tuổi con gái dậy thì, bắt đầu lớn, nên tình cảm có chút nẩy mầm trong lòng khi nghĩ đến Thi. Nàng thấy vui mỗi khi gặp Thi, không còn nhiều mắc cở nữa, nói chuyện với chàng thấy lòng như trong ngày hội hoa đăng. Khanh không dấu Mẹ về Thi. Mẹ cho phép Thi đến nhà thăm, hai đứa nói chuyện trong nhà. Khanh cũng đã đến nhà Thi. Nhà chàng cách nhà nàng không xa, cách nhau vài phút xe đạp. Có những buổi chiều cuối tuần, hai đứa đạp xe song song thả dài những con đường khu phi trường, nói chuyện với nhau. Khanh có đạo Công Giáo, nhưng Thi thì không đạo. Vậy chứ mỗi chiều thứ Bảy hay sáng Chúa Nhật, chàng theo nàng đến trước cửa nhà thờ. Nàng quỳ gối bên trong đọc kinh, chàng đứng trước cửa kính cẩn nhưng dõi mắt theo nàng.
Những ngày đó, hai đứa vẫn vui vẻ trong tình bạn, chưa có lời nói tỏ tình một tình yêu. Khanh chỉ biết nàng đã rất mến Thi, và chàng thì rất luôn săn đón nàng. Thỉnh thoảng có món quà nhỏ, Thi gửi nàng. Đơn giản học trò thôi. Mỗi lần nhận quà của Thi, nàng cảm thấy lòng có nhiều xao xuyến.
Ngày gần cuối tháng 04 năm 1975, một buổi sáng có ông Tướng Không Quân là bạn thân cùng khóa đơn vị với Bố Khanh thời còn sống, đến nhà nói với Mẹ Khanh. Chị với cháu và cả nhà chuẩn bị, tôi đã ký giấy lệnh cho cả nhà tối nay lên máy bay, phải đi ngay, không còn thời gian nữa. Tối nay 8 giờ tôi cho lính đến đưa cả nhà qua sân bay. Đêm đó, Khanh và cả nhà lên chuyến phi cơ C-130 rời khỏi Việt Nam, cùng với nhiều người đều là gia đình của những sĩ quan không quân. Khanh hỏi Mẹ, mình đi đâu hở Mẹ. Mẹ nói mình chắc sẽ đi Mỹ, ra khỏi nước trước, mai mốt cộng sản vào đến thành phố rồi. Khanh chới với, tự nhiên nghĩ mình sẽ xa Thi bất ngờ thế này. Nàng hồn nhiên không nghĩ đến chuyện chiến tranh sắp kéo vào đến thành phố này, không nghĩ đến vận nước ngày mai sẽ ra sao, không nghĩ đến chuyện xa quê hương là đau đớn vào xương thịt. Nàng chỉ đơn giản nghĩ đến Thi có biết nàng đang ra đi hay không, hay nàng sẽ có bao giờ gặp lại Thi chăng. Trên chuyến bay, Khanh chỉ miên man nghĩ đến người bạn trai của nàng.
Chuyến phi cơ của quân đội đưa mọi người ra đến đảo Côn Sơn. Khi mọi người đứng dậy để bước ra cửa, thì Khanh rú lên. Thi ơi. Nàng gọi tên chàng. Thi kìa Mẹ ơi. Khanh mừng quá. Thì ra chàng cũng được đi, gia đình chàng cũng trên chuyến bay này. Chàng từ trong góc vẫy tay, nét mặt vui mừng không kém. Rồi đêm đó, hai đứa nắm tay nhau ra biển. Biển vỗ sóng lớn. Lần đầu Khanh được ngồi riêng bên người bạn trai, ở biển, trong lòng đêm. Thi nói với Khanh rằng chàng cũng đã tưởng phải xa Khanh rồi khi Ba chàng về đón cả nhà ra sân bay. Chàng đã buồn lắm trên chuyến bay, cứ ước gì được ở lại, chàng sẽ đi tìm nàng....
Lần đó, trong bóng đêm của biển ở hải đảo Côn Sơn, Thi đã bạo dạn nắm tay nàng. Khanh đã để yên bàn tay mình trong bàn tay chàng, lòng thấy xao xuyến nhiều hơn...
........................................................................................................................
Tiếng nói của Trang đánh bật Khanh về hiện tại:
- Buồn ngủ à? Giờ này cũng 1 giờ sáng bên Houston mày....
Khanh lắc đầu:
- Không, có mệt chút từ chuyến bay, nhưng không ngủ.
Khanh hỏi Trang:
- Mày có gặp Thi sau này không?
Trang gật đầu:
- Thỉnh thoảng, ở những lần đi xem văn nghệ hay tình cờ dưới phố Bolsa, nhưng cũng gần hai năm nay chưa gặp anh chàng. Nhưng thấy tên anh chàng trên báo hoài... hoạt động nhiều quá, lại viết báo viết bài nữa.
Trang quay sang hỏi lại Khanh:
- Mày có liên lạc với Thi?
Khanh lắc đầu, giọng nghe thoáng buồn:
- Không, đã hai mươi năm nay rồi... tao đã từng nói với mày mà... à, không đúng... tao có gặp Thi hồi đám tang của Mẹ tao...
Trang gật đầu:
- Có, Hoài có kể tao nghe, anh chàng nghe tin tang Mẹ Khanh, nên vội vả lấy vé bay chuyến đêm "red eye" về Houston, kịp buổi sáng đến dự lễ tang ở nhà thờ...
Khanh nói giọng xúc động nhiều:
- Ừ, lần đó tao đang tang gia bối rối, càng bối rối hơn khi thấy Thi... nhưng không có nói với nhau câu nào... anh lại nói chia buồn với tao, có theo ra tận nghĩa trang rồi đi... tao tránh không nói chuyện với Thi lần đó....nhưng Thi đến, đã làm tao xúc động nhiều. Bây giờ, nhiều lúc có xem lại video đám tang, thấy chàng đó....
Trang hỏi sang điều khác:
- Còn ông Cường lúc này thì sao?
Khanh buồn buồn:
- Đừng nói đến ông ấy những ngày tao ở đây với mày. Tao muốn có niềm vui trọn vài ngày ở đây.
Trang im lặng. Nàng hiểu chuyện. Cường là chồng của Khanh. Cuộc hôn nhân mà Khanh không bao giờ có hạnh phúc. Nàng chưa một lần nói với bạn rằng đó là một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Chỉ có một lần qua điện thoại, Khanh đã bật thốt với Trang rằng cuộc hôn nhân của tao đã sai lầm, một quyết định vô cùng sai lầm, nhưng muộn rồi Trang ơi. Đành chấp nhận thế thôi.
Đành chấp nhận thế thôi, bởi vì Khanh đã có hai đứa con với Cường. Nàng không thể là một người vợ có hạnh phúc hôn nhân, nhưng Khanh nhất định phải cho con nàng cuộc sống gia đình không có chia tay giữa bố mẹ. Tình yêu Khanh đã dành cho Thi, tất cả. Suốt đời này vẫn một tình yêu cho chàng. Nhưng Khanh sẽ là một người mẹ tốt của các con, nàng sẽ không chia tay với Cường để các con nàng phải thiếu cha hay thiếu mẹ. Chúng còn nhỏ. Cuộc sống hôn nhân đối với Khanh là những ngày trái tim không còn cảm giác. Những ái ân bên chồng cũng lạt lẽo như một lời thơ nào đó nàng đã đọc. Chồng nàng cũng vậy, kéo dài cuộc sống như để trả nợ một kiếp người. Họ đồng ý cùng nhau tiếp tục đời chồng vợ đến ngày các con học xong đại học.
Tiếng của Trang ngần ngừ với Khanh:
- Khanh nè, tao phải nói một điều mà lẽ ra tao định dấu mày cho đến tối mai đám cưới....
- Chuyện gì hả Trang?
- Tiệc cưới ngày mai, tao có mời Thi đó.
Khanh chới với. Nàng không định sang Cali chuyến này để gặp lại Thi. Suốt gần 20 năm nàng đã trốn chạy chàng, né tránh những cơ hội để gặp chàng, dù Thi đã bỏ công tìm kiếm nàng. Thi đã đến Houston, đã tìm đến nhiều nơi hy vọng tìm thấy nàng, nhưng Khanh đã né tránh. Có những lần bạn bè nói lại với Khanh, họ nghe lời chúc sinh nhật trên đài phát thanh những lần dịp sinh nhật của Khanh, từ một người tên Thi ở California. Khanh đã xúc động, nhưng nàng vẫn cố tình biền biệt. Lần này sang Cali, Khanh không nghĩ Trang sẽ mời Thi, vì cũng đã lâu không liên lạc nhau, không biết số điện thoại hay địa chỉ gì cả, Trang đã nói thế với nàng. Ngay cả lần nhận thiệp và xác nhận với bạn, rằng nàng sẽ sang Cali tham dự, thì Trang vẫn nói là nàng đã không có mời Thi dịp này.
- Mày làm tao ngạc nhiên, muốn điên.... giờ làm sao đây? mày biết, tao không không muốn gặp Thi nữa mà...
- Khanh nè, là tao cố ý sắp đặt đó... tao đọc những bài viết của Thi, viết cho mày, hắn thương mày nhiều quá, tội hắn quá.
- Ở tuổi này, còn yêu nỗi sao Trang?
- Có những mối tình suốt đời vẫn không phai, suốt đời người vẫn còn yêu người, đó là mối tình của Thi với mày đó.
Khanh ngạc nhiên:
- Mày nghĩ thế à?
Trang nhìn bạn:
- Thi đã nói chuyện với tao một lần rất lâu, rất nhiều về mày. Anh chàng còn thương mày như mấy chục năm về trước. Thi nói anh ao ước chỉ cần gặp lại Khanh dù chỉ một lần cuối nữa thôi... Bởi vậy.... thôi... cho Thi gặp mày một lần nữa đi.
Khanh im lặng. Nàng thực sự cũng không thể dối lòng rằng chính nàng tuy né tránh nhưng vẫn mong đợi có một lần tình cờ gặp lại Thi. Chỉ là tình cờ thôi. Khanh không muốn Thi hay nàng sẽ chủ động tìm nhau rồi gặp nhau. Tình cờ sẽ là một điều hay. Tình cờ sẽ thỏa niềm mong nhớ mà không gây cho nàng mặc cảm tội lỗi với chồng với con.
Bây giờ nghe Trang nói, thì lòng Khanh tự nhiên hồi hộp bất thường. Tự nhiên Khanh muốn vội vả xem lại nhan sắc mình đêm nay. Nàng cảm thấy mất tự tin về nhan sắc của mình, dù rất nhiều người, kể cả Cường đã vẫn phải khen sao Khanh cứ trông trẻ mãi không bị tàn phai nhan sắc vì thời gian như những phụ nữ đồng lứa tuổi. Người con gái Thi đã yêu ngày xưa giờ đã thành một người đàn bà có tuổi, và là tuổi già. Nhan sắc dù có chống giữ cách nào cũng không thể đối chọi nổi với thời gian. Liệu chàng sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy Khanh ngày mai?
- Trời ơi Trang, mày sẽ làm tao mất ngủ đêm nay.... không chừng ngày mai sáng sớm tao bay về Houston đó.
Trang la lên:
- Con khỉ, làm gì phải sợ thế....
........................................................................................................................
Khanh đã không sợ. Nàng chuẩn bị gặp Thi. Họ đã gặp nhau trong tiệc cưới. Trang cố tình sắp xếp cho Thi ngồi chung bàn, cạnh nàng. Khanh ít nói. Thi cũng ít nói. Nhưng đôi mắt Thi cứ tha thiết nhìn nàng. Chàng đã gắp cho nàng từng món thức ăn. Chàng đã ân cần thăm hỏi như một người thân quen lâu ngày gặp lại, tuyệt đối ý tứ không nói điều gì khiến Khanh phải bối rối. Khanh sợ Thi nói điều nàng sợ nghe. Những người trong bàn đều là những bạn học đồng lớp Gia Long xưa củ. Chúng không biết nhiều về Thi, không biết về mối tình đầu của Khanh. Họ cứ huyên thuyên với nhau chuyện hôm qua, chuyện hôm nay. Bạn bè gặp nhau mừng vui lắm, nhưng lòng Khanh thì ngỗn ngang bởi sự hiện diện của Thi.
Trong lúc khiêu vũ, Thi mời Khanh bước ra. Một điệu chậm, vòng tay chàng nhẹ nhàng dìu nàng từng bước chậm. Khanh xốn xang trong lòng. Tự nhiên, Khanh bật khóc trong vòng tay chàng. Khanh vội vàng nói với Thi. Xin lỗi anh, Khanh phải phải vào phòng vệ sinh chút. Nàng bước vội, cúi xuống. Nhưng Thi đã nhìn thấy những giọt nước mắt trong đôi mắt Khanh.
Bao nhiêu năm đã rất lâu rồi, ngoại trừ một lần trông thấy nhau ở ngày tang của mẹ Khanh, thì hôm nay chàng mới gặp lại nàng, tay trong tay. Khanh vẫn nét đẹp ngày xưa. Vẫn dáng dấp thanh cao, khuôn mặt đẹp, đôi mắt đẹp, nụ cười đẹp. Ngày xưa, rất nhiều người nói rằng Khanh có dáng nét rất giống một nữ tài tử đài loan tên Lưu Tuyết Hoa thời đó. Thi cũng đồng ý như thế. Bây giờ, ở tuổi này, tóc Thi đã bạc rồi, nhưng Khanh như vẫn không khác thời trẻ bao nhiêu. Nếu chưa biết, có lẽ sẽ đoán lầm Khanh ở tuổi chừng ngoài ba mươi thôi. Trong bàn tiệc, khi bạn bè hỏi sao mày hay thế còn trẻ thế, Khanh đã nói với bạn bè rằng nàng chịu khó thể dục mỗi ngày, bơi lội mỗi ngày, mà cũng điệu đàng đi đến các spa săn sóc da mỗi tuần thường xuyên.
Rời buổi tiệc, Khanh đã bằng lòng cho phép Thi lái xe đưa nàng về nhà. Vì Trang còn bận rộn với gia đình, với các con cho đến phút cuối của tiệc cưới. Trang nhờ Thi đưa Khanh về trước. Nhưng Thi lái xe đưa nàng lên một nhà hàng ở đỉnh đồi thành phố Orange. Nhà hàng này, Orange Hills, đã từng có những kỹ niệm giữa chàng và nàng mấy mươi năm trước, khi những lần Khanh bay sang Cali với chàng. Ngồi một chổ có lửa hồng, trên cao nhìn xuống cả vùng quận Cam này. Đẹp lắm. Khanh vẫn thích ngồi ở đây nhiều lần uống nước với Thi. Hay khi xưa chàng vẫn thường đưa nàng ra biển Laguna, biển La Jolla, ngồi bên nhau trên cát nhắc nhau nhớ những ngày đi trên cùng chuyến tàu biển từ Côn Sơn đến vịnh Subic Phi Luật Tân. Lúc trên biển, khi mọi người lớn còn đang lo lắng về tương lai sắp tới, thì hai đứa vui vẻ bên nhau cho một hạnh phúc cảm giác vừa biết yêu lần đầu. Thi đã chỉ xuống biển, rồi đã đọc cho nàng nghe một bài thơ nào đó về biển mà chàng thuộc. Bài thơ có những chử yêu nhau, mà Thi lại nói là anh thích bài thơ này cho Khanh.
Đêm nay, cả hai ngồi bên nhau. Khanh co chân trên lò sưởi, trong ánh lửa hồng Thi nhìn thấy Khanh xinh đẹp như ngày nào thời gian cũ. Chàng thấy hình ảnh nàng ngày xưa như rỏ ràng lắm hôm nay. Họ lại nói về kỹ niệm, không nói về hôm nay. Hình như không điều kiện với nhau, mà cả hai ngầm hiểu đồng ý đừng nói chuyện hôm nay. Khanh không muốn Thi hỏi về cuộc đời nàng hôm nay với chồng con thế nào. Thi cũng chỉ muốn nói về ngày xưa, để tìm lại một mối tình đẹp, tình ban đầu của chàng.
Khanh đã thấy mình tự nhiên vui vẻ một cách hồn nhiên bên cạnh Thi. Nàng cười đùa trò chuyện về những kỹ niệm hai người. Những ngày còn ở quê nhà, còn ở chung khu cư xá Tân Sơn Nhất. Những ngày trên cùng chuyến tàu rời quê hương, rồi lạc nhau giữa giòng người tỵ nạn xứ người. Những ngày tình cờ hai đứa gặp lại nhau khi cùng đến một nơi ở trại tỵ nạn Pendleton. Nhưng ngày Khanh đã sang Cali thăm chàng. Những ngày Thi đã sang Houston thăm nàng. Những chuyến đi chơi với nhau ở Vegas, ở San Francisco, ở San Diego. Những ngày yêu thương nồng nàn trong vòng tay quấn lấy da thịt nóng bỏng. Những ái ân đời con gái mà Khanh đã dành cho Thi lần đầu, tất cả.
Tình yêu đã đẹp quá, vậy mà đã mất đi. Không ai hiểu. Cả hai vẫn không hiểu tại sao họ đã mất nhau. Những nông nổi thời tuổi trẻ nóng tính, hờn giận ghen tuông. Những ngạo mạn đàn ông hay những cao kỳ con gái, mà họ đã thách thức nhau, rồi mất nhau nhiều năm. Cả hai nhất định không ai tìm nhau để có lời phân trần giải thích hay lời xin lỗi cho nhau. Họ đã có lần quá ngu dại khi yêu nhau.
Đến một ngày Khanh thản nhiên nhận lời cầu hôn của một người đàn ông khác đã quen biết từ những ngày ở giãng đường đại học Houston, là Cường. Ngày cưới, Khanh cố tình tìm thông báo cho Thi biết, em đã lấy chồng vì em đã ghét anh. Còn Thi đớn đau đem trái tim mình rướm máu trên những vần thơ đăng báo. Rồi chàng bỏ đi xa, bỏ Cali, bỏ hết bạn bè đến một nơi không có một người quen. Sống ở đó mười năm, thành phố rét buốt tuyết lạnh mùa đông, nóng oi ải những ngày hè. Một ngày Thi trở về Cali, tự nhiên chàng đã muốn tìm lại Khanh. Chàng đã đi tìm, nàng đã cứ trốn tránh.
Còn Khanh suốt một đời, nhiều năm dù đã có con, mới biết cuộc hôn nhân đó là một sai lầm. Khanh đã không thể xua đuổi kỹ niệm với Thi ra khỏi óc hay giết chết tình yêu cũ trong tim. Bao nhiêu năm, khi biết Thi tìm kiếm nàng, Khanh đã trốn tránh. Em không còn gì để cho anh tìm lại Thi ơi. Khanh nhiều lần khóc lòng như thế, khi biết những tin tức về Thi tìm kiếm nàng.
Đêm nay, cả hai ngồi nói với nhau. Tự nhiên lời yêu thương lại trở về trên môi miệng. Khanh thầm cảm ơn Chúa đã cho nàng một lần gặp lại Thi, để hạnh phúc vô thường khi biết Thi còn yêu nàng nhiều lắm, yêu như ngày ban đầu hai đứa đã yêu nhau. Thi vẻ vời trong óc những giòng thơ tinh khiết một hạnh phúc vô thường, ngày mai chàng sẽ gửi tòa báo.
Khanh nhìn Thi:
- Anh ơi, thôi đừng nhắc hoài những kỹ niệm đó. Thời đã qua rồi. Khanh không dối lòng, rằng Khanh còn yêu anh lắm. Khanh đã sai lầm với cuộc hôn nhân. Nhưng thôi, lỡ rồi Thi ơi. Đã gần hết cuộc đời rồi mà. Anh đừng nhớ đừng nghĩ về Khanh nữa. Anh hãy sống cho anh, cho cuộc đời những ngày còn lại. Anh cứ biết, mỗi ngày Khanh vẫn nghĩ đến anh nhiều lắm đó. Nhiều lắm...
Khanh lại bật khóc. Thi mềm lòng, nước mắt đàn ông bất ngờ. Chàng ôm lấy bờ vai Khanh. Khanh ngồi im thu người trong vòng tay người tình xưa. Hơi thở đàn ông của chàng năm xưa, Khanh vẫn không quên, nay tìm lại giữa đêm lạnh tháng Giêng trên ngọn đồi Orange này. Một chút lâu, Khanh rút người khỏi tay Thi. Mình về anh nhé.
Thi lái xe đưa nàng về nhà, tôn trọng ý người yêu xưa. Chàng nắm lấy bàn tay nàng. Khanh không rút lại. Họ im lặng, mỗi người một tư tưởng riêng nhau, cho chung một cuộc tình.
Thi nói:
- Khanh đến nhà anh nhé...
Khanh lắc đầu:
- Đừng anh, đừng Thi. Đừng nói vậy. Đừng làm vậy. Hãy tôn trọng Khanh. Hãy tôn trọng tình yêu của chúng ta. Khanh sẽ suốt đời thần thánh tình yêu tụi mình, nhưng đừng biến Khanh thành một con người Khanh không muốn. Anh bao giờ cũng có trái tim của Khanh, chỉ cần biết thế thôi nghe anh. Hiểu cho Khanh.
Thi đưa Khanh về đến trước cửa nhà Trang. Căn nhà đã sáng đèn, mọi người chắc đã về từ tiệc cưới. Khanh cười đùa:
- Mình về trước rồi thành về sau. Con nhỏ Trang này lại dám nghĩ bậy cho Khanh đó nghe.
Thi cười:
- Kệ, tốt thôi.
Khanh liếc lườm chàng. Thi kéo vội đầu nàng, định một nụ hôn, nhưng Khanh xoay đầu né tránh. Nàng nhìn chàng nghiêm nghị:
- Khanh đã nói rồi, anh hiểu chưa vậy. Anh có trái tim của em, sao còn muốn em khổ nữa hay sao?
Thi hối hận về cử chỉ của mình:
- Khanh ơi, anh xin lỗi Khanh. Em ngủ ngon. Ngày mai anh đến đón em đi ăn trưa nhé.
Khanh im lặng bước vào nhà. Vào bên trong, nàng hé cửa nhìn ra bên ngoài. Thi vẫn còn ngồi đó, trong xe. Khanh lại khóc. Thi ơi, tình em cho anh sâu lắm. Anh không có em, nhưng anh không bao giờ mất em đâu, anh nhé. Anh hãy về đi. Đêm nay em đã hạnh phúc lắm những giờ phút ngồi bên anh. Hạnh phúc thật vô thường anh ơi. Em sẽ trân quý thời gian đêm nay trong suốt cuộc đời còn lại, cũng như đã trân quý từng giây phút mình đã có bên nhau bao nhiêu năm ngày xưa đó. Khanh quỵ xuống, ngồi tựa cửa nhà, nàng vẫn không ngưng được những giọt nước mắt. Trang từ lầu bước xuống, ôm bạn. Trang hiểu.
Thi lái xe về, cảm giác hổn loạn trong tim mà hạnh phúc vô thường. Chỉ chừng những giờ phút thế thôi, mà như đã đủ đền bù cho hơn mấy mươi năm qua không gặp nhau. Chỉ cần biết trong tim em, vẫn còn đó một tình yêu dành cho anh, là đủ. Thi mĩm cười, hạnh phúc vô thường.
Chàng không ngủ suốt đêm, sáng hôm sau Thi gọi điện thoại cho Trang để hẹn đón Khanh đi ăn trưa như đã hẹn. Trang nói, Thi ơi, đêm qua Khanh đã quyết định đổi vé bay về từ chuyến sáng sớm nay rồi, sáu giờ sáng đã bay về Houston rồi....
Thi bước ra bên ngoài hành lang căn phòng mình. Bên kia đường khu chung cư của chàng là biển. Đã biết bao nhiêu đêm bao nhiêu ngày, chàng một mình ra biển, ngồi nhớ người xa xưa. Nhớ Tường Khanh đó.
Chàng băng qua con đường, bước chân xuống cát, nhìn từng cơn sóng biển đang vỗ lớn. Nhớ đêm qua. Hạnh phúc vẫn trong lòng, dù buồn bã. Khanh ơi, Tường Khanh ơi, vẫn mãi là một hạnh phúc. Bất chợt chàng mĩm cười, một hạnh phúc vô thường tràn ngập.
Hồ Văn Xuân Nhi
VIẾT TIỄN ĐƯA NHẠC SĨ ANH BẰNG:
NGƯỜI NHẠC SĨ TINH THẦN
VIỆT NAM CHÂN CHÍNH
Hồ Văn Xuân Nhi
Nhạc sĩ Anh Bằng qua đời đêm thứ Năm 12 tháng 11 năm 2015. Sự thật, tin ông ra đi gây xúc động lớn trong giới văn nghệ và hàng triệu khán giả âm nhạc từ hải ngoại về đến trong nước. Nhưng tin tang đã không đến bất ngờ. Nhạc sĩ Anh Bằng, giới văn nghệ đều biết, đã mang chứng bệnh ung thư gan từ 8 năm qua. Với một người có chứng bệnh ung thư gan, đã kéo dài cuộc sống đến 8 năm, thì nhạc sĩ cũng đã có phúc lành rồi. Những tháng ngày gần đây, sức khỏe của ông xuống nhiều. Từ gia đình, bạn bè thân đến giới nghệ sĩ, những người làm việc chung quanh ông, đã chuẩn bị tinh thần cho sự ra đi sắp xảy ra. Các nghệ sĩ rất nhiều người, đã tìm cách đến viếng thăm ông trong các tuần lễ qua.
Dù vậy, dù đã chuẩn bị chờ đón tin buồn đến, nhiều người vẫn không thể không khỏi bật khóc trong giây phút đầu tiên khi tin buồn đã thật sự là sự thật.
Sự ra đi của ông, tuy là sự mất mác ở con người, nhưng nhạc sĩ Anh Bằng đã để lại một gia sản rất lớn cho âm nhạc Việt Nam. Không những thế, nhạc sĩ còn là một nhân vật có nhiều ảnh hưởng với lịch sử văn hóa cộng đồng người Việt hải ngoại từ sau 30 tháng 04 năm 1975. Những biến cố của lịch sử quốc gia đã ảnh hưởng rất nhiều đến những tác phẩm của nhạc sĩ Anh Bằng hay công trình văn hóa nghệ thuật mà ông đã xây dựng qua trung tâm Asia. Nhưng nhạc sĩ được thương yêu nhiều, cái tên Anh Bằng quen thuộc hơn, đi vào lòng của triệu người Việt sống ở hải ngoại.
Từ hải ngoại về đến trong nước, mọi người đã nói về sự ra đi của ông mà tên ông đã được nhắc đến một cách đầy kính trọng và thương tiếc. Kể cả những cơ quan truyền thông của chính quyền Việt Nam, vốn rất ghét và cấm đoán sự phát hành các tác phẩm của trung tâm Asia, cũng đã lên tiếng nhắc lại sự nghiệp của nhạc sĩ, bày tỏ một sự trân trọng đối với sự nghiệp của nhạc sĩ.
Âm nhạc Việt Nam đã có tên Anh Bằng như là một điểm chói sáng trong lịch sử. Những tác phẩm của Anh Bằng còn mãi trường tồn dù bất cứ thời gian, không gian nào.
Bài viết này, cùng với mọi người khác, chúng tôi chỉ muốn vinh danh một người nhạc sĩ đã là thiên tài của âm nhạc. Nhiều hơn nữa, chúng tôi muốn vinh danh một người đã là chiến sĩ văn nghệ trong cuộc đấu tranh chung của cộng đồng người Việt hải ngoại cho chính nghĩa và quốc gia.
Tôi thực sự không có hân hạnh quen biết với nhạc sĩ Anh Bằng. Tôi chỉ là một khán giả vô danh mỗi khi có dịp gặp nhạc sĩ. Nhưng nhiều lần gặp gỡ ông, chúng tôi có sự ngưỡng mộ từ một khán giả đến với một người nhạc sĩ đã có quá nhiều tác phẩm đi sâu vào lòng khán giả, giữ một phần lớn trong sự thịnh vượng của âm nhạc Việt Nam suốt 60 năm qua. Nhưng đối với riêng cá nhân tôi, quý nhạc sĩ thêm hơn vì những ca khúc đấu tranh rất đầy hào khí dân tộc Việt. Lúc nào cũng thế, được gặp ông và chỉ với một cái bắt tay, tôi cho là một vinh hạnh lớn. Những lần cuối cùng, là khi ông đến tham dự tiệc họp mặt của hội cựu học sinh trường trung học Tân Bình - Nguyễn Thượng Hiền tại hải ngoại mà chúng tôi là thành phần ban tổ chức, trong đó có nhạc sĩ Minh Tuấn vốn rất luôn ngưỡng mộ kính trọng nhạc sĩ Anh Bằng.
Lần cuối cùng gần nhất được hội kiến nhạc sĩ, chính là đêm âm nhạc thu hình cho tác phẩm DVD Asia 77 của trung tâm Asia. DVD Asia 77 có lẽ là tác phẩm âm nhạc lần cuối có sự hiện diện của nhạc sĩ Anh Bằng, cũng là tác phẩm trung tâm Asia lần nữa vinh danh nhạc sĩ Anh Bằng và nhạc sĩ Lam Phương. Lần cuối đó, chúng tôi hân hạnh được xếp ngồi hàng ghế thứ nhì, ghế ngồi sát sau lưng nhạc sĩ. Nhạc sĩ lúc đó, trông nhìn đã yếu hơn nhiều rồi. Nhưng ông vẫn còn tỉnh táo để có những nụ cười đầy xúc động, khi đón nhận tràng pháo tay nhiệt tình của cả nghìn khán giả trong rạp đứng chào, vinh danh nhạc sĩ.
Với hơn 600 tác phẩm ông đã viết cho âm nhạc, mà hình như mỗi bài hát đều đã đi vào lòng, rất sâu tận cuối tim, của khán giả khi người nghe. Nhiều bài hát của ông đã được khán giả thuộc làu. Những tác phẩm của nhạc sĩ Anh Bằng, ở bất cứ sân khấu nào hay trong không gian nào, trên toàn thế giới những nơi chốn có người Việt hát và nghe hát, thì cũng ít nhất có đôi ba ca sĩ sẽ chọn nhạc của ông để trình diễn. Bởi vì nhạc của Anh Bằng lúc nào cũng có khán giả yêu chuộng, muốn nghe.
Nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng, rất nhiều bài đã là lời nhạc đầu môi chót lưỡi cho dân gian bên trong hay bên ngoài xứ Việt Nam.
Anh Bằng là một nhạc sĩ thiên tài âm nhạc Việt Nam. Như nhạc sĩ MC Nam Lộc đã phát biểu trong đêm nhạc thu hình Asia 77, thì có nhiều nhạc sĩ và báo chí đã nhận định về nhạc sĩ Anh Bằng như là một trong "Tứ Trụ" của âm nhạc Việt Nam, bên cạnh Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, và Lam Phương. Đó là nói về số lượng tác phẩm và sự thịnh hành đối với quần chúng. Đúng rằng có rất nhiều nhân tài trong âm nhạc Việt Nam, có rất nhiều nhạc sĩ đã thành danh và tạo nên những tác phẩm rất lớn cho lịch sử âm nhạc Việt. Nhưng nếu suốt hơn 60 năm qua, dựa trên con số những bài hát mà đời này sang đời kia, người ca sĩ vẫn hát, khán giả vẫn thích nghe, người người vẫn si nhạc, thì dòng nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng xứng đáng để ông có một chổ đứng cao trọng như thế trong lịch sử âm nhạc.
Nói một chút, nhắc lại lần nữa, về tiểu sử của nhạc sĩ Anh Bằng, để thấy rỏ hơn vì sao sự chúc tụng cho nhạc sĩ Anh Bằng rất xứng đáng....
Tiểu Sử Sự Nghiệp Nhạc Sĩ
Nhạc Sĩ Anh Bằng tên thật An Bường, sinh vào năm 1926 tại làng Điền Hộ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa (theo chính xác nhận của nhạc sĩ với tác giả Trần Việt Hải, khác với một số thông tin khác về tiểu sử ông). Ông theo học Trung học ở Hà Nội trước khi theo gia đình di cư vào Nam năm 1954 và sinh sống cho đến năm 1975.
Trong thời kỳ 1954 - 1975, nhạc sĩ Anh Bằng rất nổi tiếng với nhiều tác phẩm sáng tác và phổ nhạc. Các tác phẩm như Nếu Vắng Anh (phổ từ bài Cần thiết của nhà thơ Nguyên Sa), Khúc Thụy Du (phổ từ bài thơ cùng tên của Du Tử Lê), Người Thợ Săn và Đàn Chim Nhỏ... đã được các ca sĩ Tuấn Ngọc, Ngọc Lan, Khánh Ly... thể hiện rất thành công. Nhạc sĩ rất thành công với những tác phẩm âm nhạc phổ từ thơ. Có lẽ là một trong những nhạc sĩ thành công nhất viết nhạc từ thơ.
Năm 1966, Anh Bằng cùng với hai nhạc sĩ khác là Lê Dinh và Minh Kỳ thành lập một nhóm sáng tác nhạc, kí chung tên là Lê Minh Bằng. Nhóm nhạc sĩ này mở lớp dạy nhạc có tên là "Lớp Nhạc Lê Minh Bằng" tại địa chỉ số 102/8 đường Hai Bà Trưng, Tân Định, Sài Gòn. Ba nhạc sĩ thay phiên nhau giảng dạy về lý thuyết (nhạc lý, ký âm) và thực hành (luyện giọng, xướng âm). Một tác phẩm nổi tiếng được viết bởi 3 vị nhạc sĩ này là bài "Đêm Nguyện Cầu" vào thời kỳ chiến tranh binh lửa của miền nam. Bài hát đi vào lòng triệu triệu người miền nam và những người chiến sĩ đã chiến đấu cho miền nam tự do. Nhạc sĩ Anh Bằng là người thành lập ban nhạc "Sóng Mới", chuyên trình diễn trên đài phát thanh Sài Gòn. Ông còn phụ trách trong việc tổ chức chương trình "Tuyển Lựa Ca Sĩ" được tổ chức hàng tuần ở rạp hát Quốc Thanh, do Đài Phát Thanh Sài Gòn thực hiện. Sáng tác, xuất bản, và phổ biến nhiều ca khúc mới dưới nhiều bút hiệu khác nhau: Lê Minh Bằng, Vũ Chương, Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung, Dạ Ly Vũ, Dạ Cầm, Giang Minh Sơn, Hoàng Minh, Trần An Thanh, Tây Phố, Trúc Ly, Tôn Nữ Thụy Khương, Phương Trà, Huy Cường... Trong đó tác phẩm nổi tiếng nhất có lẽ là Chuyện tình Lan và Điệp.
Năm 1975, Anh Bằng cùng gia đình di tản sang Mỹ ở độ tuổi 50, và vẫn tiếp tục hoạt động âm nhạc với trung tâm sản xuất và phát hành băng nhạc cassettes Dạ Lan (1981 - 1990). Sau này, ông là một trong những thành viên chủ lực của trung tâm nhạc Asia. Nhạc sĩ là một người có sức sáng tác mạnh. Những ca khúc thịnh hành của Anh Bằng : Chuyện Tình Lan và Điệp, Căn Nhà Ngoại Ô, Nếu Vắng Anh, Hẹn Anh Đêm Nay, Chuyện Giàn Thiên Lý (theo thơ Yên Thao), Bướm Trắng, Nỗi Lòng Người Đi, Anh Biết Em Đi Chẳng Trở Về (thơ Thái Can), Tango Dĩ Vãng, Sài Gòn Thứ Bảy, Nửa Đêm Buốt Giá, Tình Yêu Tuyệt Vời, Lời Tình Băng Giá, Trả Em Cay Đắng Mộng Vàng. Dù Nắng Có Mong Manh, Nhớ Sài Gòn (cùng Trúc Giang), Tâm Hồn Cô Đơn, Cô Bé Môi Hồng, Chuyện Người Con Gái Ao Sen, Người Thợ Săn Và Đàn Chim Nhỏ, Mất Nhau Mùa Đông, Từ Độ Ánh Trăng Tan (thơ Đặng Hiền), Ngọn Trúc Đào (thơ Nguyễn Tất Nhiên), Khúc Thụy Du (thơ Du Tử Lê), Anh Còn Nợ Em (thơ Phan Thành Tài)...
Nhạc sĩ Anh Bằng cũng sáng tác nhiều ca khúc đấu tranh rất hào hùng sau năm 1975, viết cho những chương trình nhạc của trung tâm Asia, trong các lần nổi lên phong trào tranh đấu ở hải ngoại hay trong nước, nổi tiếng những bài: Cả Nước Đấu Tranh, Phải Lên Tiếng (chống xâm lăng Trung Quốc, viết cùng nhạc sĩ Lê Dinh), Con Đường Việt Nam, Con Rồng Cháu Tiên (cùng viết chung với nhạc sĩ Trúc Hồ), Nổi Lửa Đấu Tranh....
Nhạc Sĩ Anh Bằng và Trung Tâm Asia
Nhưng có lẽ, một trong những công trình lớn của sự nghiệp nhạc sĩ Anh Bằng, phải là trung tâm nhạc Asia.
Nhạc sĩ Anh Bằng là một trong những người đã sáng lập trung tâm Asia Entertainment từ ban đầu. Người con gái của ông là bà Trần Thy Vân, được xem là người lãnh đạo của trung tâm. Sự kính mến dành cho nhạc sĩ Anh Bằng nhiều hơn, bởi vì những thành quả của trung tâm Asia đối với cộng đồng nói chung và cho văn nghệ nói riêng. Nhiều băng, đĩa nhạc của Asia đã đi sâu vào lòng triệu người khán giả văn nghệ ở hải ngoại. Cụ thể nhất, hầu như những người đã từng là lính chiến Việt Nam Cộng Hòa luôn là thành phần khán giả trung thành nhất của trung tâm Asia.
Bên cạnh sự đóng góp thuần túy văn nghệ tính để bảo tồn văn hóa nghệ thuật người Việt ở hải ngoại, đường hướng của trung tâm Asia chủ trương về tinh thần quốc gia, hỗ trợ tinh thần cho công cuộc đấu tranh chung của cộng đồng, hay ghi tạc công ơn chiến đấu của những người lính VNCH. Trong tinh thần chủ trương đó, nhiều sáng tác mới của nhạc sĩ Anh Bằng viết với những nội dung đầy nghĩa khí dân tộc. Nhiều bài hát, đã trở thành những nhạc phẩm của cộng đồng người Việt hải ngoại khắp nơi khi có những sinh hoạt mang tính chất tranh đấu chính trị, hay thậm chí trong những buổi thuần túy văn nghệ nhưng hát để bày tỏ tinh thần quốc gia hoài Việt.
Nhiều tác phẩm của trung tâm Asia thực hiện cho những người lính đã nằm xuống, những người đã đi lao tù sau cuộc chiến, những người đã chết trên hành trình đi tìm tự do, hay cho những người đã không chịu hèn mà dám vươn mình đứng dậy lên tiếng nói đòi công nghĩa. Nhiều triệu khán giả đã thích trung tâm Asia bởi tinh thần chủ trương rất hào hùng đó. Nhiều người đã khóc với nhiều tác phẩm của trung tâm Asia. Nhiều người đã khóc với nhiều ca khúc hào hùng của Anh Bằng được đồng ca bởi toàn bộ nghệ sĩ trung âm Asia.
Khán giả văn nghệ, những ai còn cưu mang một trái tim Việt Nam đầy chính nghĩa và hoài bão tinh thần quốc gia, thì luôn yêu thích các tác phẩm của trung tâm Asia.
Trung tâm Asia đã có những con người nhạc sĩ vì nước, vì dân, vì cộng đồng chung... như nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, như nhạc sĩ Việt Dũng. Đáng tiếc lớn cho trung tâm Asia khi tất cả cũng đã ra đi hết rồi. Nhưng người nhạc sĩ đầu đàn ban đầu của trung tâm Asia, người đã giúp gây dựng những tác phẩm âm nhạc đầy dấu ấn lịch sử, chính là nhạc sĩ Anh Bằng.
Cho nên, nói về trung tâm Asia thì không thể không nhớ đến nhạc sĩ Anh Bằng. Hay khi nói về sự nghiệp của nhạc sĩ, càng không thể bỏ qua công trình văn nghệ lớn nhất của sự nghiệp ông, đó chính là trung tâm Asia.
Ông nằm xuống, anh chị em nghệ sĩ ca sĩ của trung tâm Asia không ai có thể cầm được nước mắt. Đó là những giọt nước mắt thật của người cho người, tình người gửi tình người.
Nhạc sĩ Anh Bằng gắn bó ruột thịt với trung tâm Asia là như thế....
Người Nhạc Sĩ Phổ Thơ Thành Công Nhất Trong Âm Nhạc Việt
Mọi người đều có thể viết nhiều về những tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng, và mỗi tác phẩm đều có thể trở thành một đề tài để có một bài viết riêng. Bởi vì, nhiều bài nhạc đã thành danh nhạc sĩ Anh Bằng, là nhạc được phổ từ các bài thơ. Có những bài thơ bỗng nhiên thành danh trong văn học, bởi vì nhạc sĩ Anh Bằng đã thành công đưa lời thơ đó vào âm nhạc. Có lẽ ít có nhạc sĩ nào phổ thơ thành nhạc tuyệt tác hơn nhạc sĩ Anh Bằng. Ông có quá nhiều tác phẩm như thế. Nhiều thi sĩ có lẽ phải ghi ân với nhạc sĩ. Nhạc sĩ Anh Bằng thì lại luôn khiêm nhường, cho đó là sự thành công của thi sĩ tác giả.
Những tác phẩm nhạc phổ thơ của nhạc sĩ Anh Bằng không bao giờ đi ra khỏi quỹ đạo âm nhạc Việt Nam. Bất cứ thế hệ nào, không gian nào, âm nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng luôn vĩnh cữu. Nhạc sến hay nhạc sang, khán giả của thể nhạc nào đi chăng nữa, nhưng chắc chắn mỗi người Việt thích nghe hay thích hát nhạc, đều luôn ôm giữ rất riêng tư trong lòng mình , một bài hát phổ thơ nào đó của nhạc sĩ Anh Bằng, như là bài hát đã trãi bày giùm tâm sự lòng mình gần gủi nhất.
Những bài hát phổ thơ hay nhất trong âm nhạc Việt, hầu hết là những bài của Anh Bằng.
Tiễn Nhạc Sĩ
Cho nên, nhạc sĩ Anh Bằng đứng vào một vị trí trang trọng, gọi là "Tứ Trụ" của âm nhạc Việt Nam, rất xứng đáng bên cạnh những nhạc sĩ thiên tài, hay vĩ nhân của âm nhạc: Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, và Lam Phương .
Nhưng tại hải ngoại, dù sự nghiệp cho những người nhạc sĩ đứng vào "Tứ Trụ Âm Nhạc" đã rất to lớn, nhưng trong vài trường hợp do bị nhiều nghi vấn về ý thức hệ bất đồng, hay bởi lằn ranh chính trị mà nhiều người vẽ ra quá nghiêm khắc, đọng thành vết đen nhỏ trong sự nghiệp lớn văn nghệ của các nhạc sĩ. Phe này nhóm nọ tranh cãi về họ, dù họ chỉ là người nghệ sĩ. Nên khi ngày cuối tiễn đưa, các nhạc sĩ đó đã không có sự trọn vẹn hạnh phúc người nghệ sĩ, khi tất cả khán giả không thể cùng chung trái tim cho họ mà người nhạc sĩ vẫn là đề tài để tranh cãi nhau.
Còn với riêng nhạc sĩ Anh Bằng, chắc chắn có nhiều người tiễn ông với giọt lệ chân thành. Không phải chỉ có những người nghệ sĩ hay bạn bè thân hữu trong giới văn nghệ, mà đông lắm nhiều người lắm, nhạc sĩ đã không có lần quen biết. Họ sẽ tiễn đưa nhạc sĩ bằng con tim. Sẽ không thiếu ai. Tất cả cùng chung một trái tim, cho nhạc sĩ Anh Bằng.
Chắc chắn thôi, có nghìn người khán giả của âm nhạc Việt Nam sẽ ngậm ngùi cúi mặt, nước mắt tuôn hay thầm khóc trong lòng mình. Ở nhà tang lễ hay ở nhà riêng. Khán giả dù không quen biết, trong đó những người cựu lính, im lòng cầu nguyện tiễn đưa ông. Chỉ bởi họ yêu quý cái tên Anh Bằng, người đã dựng nhiều công trình lớn cho âm nhạc và luôn đứng vì lẽ phải, sự công bình cho dân tộc Việt.
Chắc chắn có những người cựu chiến sĩ VNCH, sẽ tiễn ông bằng cái chào của một chiến hữu. Bởi Anh Bằng đã là lính chiến văn nghệ trong cùng một chiến tuyến. Anh Bằng đã luôn luôn cùng chiến tuyến quốc gia, nên ông là chiến hữu của người lính VNCH. Vị trí của ông trong trái tim người ở lại, đã nhìn thấy bởi những cái chào tiễn biệt từ người lính chiến.
Ở những nơi với ánh đèn sân khấu, khán giả vẫn đứng dậy vỗ tay cho nhạc sĩ. Nhạc sĩ Anh Bằng, người nghệ sĩ tài hoa với tinh thần Việt Nam chân chính, chúng tôi thương yêu tiễn ông.
Những tràng pháo tay vẫn tiếp tục, vì Anh Bằng là "Hall of Fame" âm nhạc Việt Nam. Nhưng quan trọng nữa, nhiều người yêu ông, bởi Anh Bằng là một nhạc sĩ có tinh thần Việt Nam chân chính.
Hồ Văn Xuân Nhi
Việt Dũng, người nằm xuống
HVXN
Buổi sáng thứ Sáu ngày 20 tháng 12 năm 2013, đang lái xe, tôi chợt nghe điện thoại từ một người bạn Vũ Thanh Hải, gọi báo khẩn: vừa nghe đài radio bolsa báo tin Việt Dũng chết rồi. Bạn tôi bàng hoàng nói với tôi. Tôi điếng người, tim chùng xuống một nỗi hụt hẫng pha đầy đau xót. Vài phút sau, thi sĩ nhà văn Trần Hữu Hoàng cũng gọi đến, cùng báo một tin. Rồi nghệ sĩ MC Trần Quốc Bảo cũng gọi đến ngay sau đó. Chính xác rồi. Tôi thực sự, buồn lắm!
Trần Quốc Bảo gọi tôi, Nhi ơi hãy viết một bài cho bạn mình. Hãy viết một bài cho Việt Dũng nhé.
Cho dù trong cuộc đời anh em chúng tôi, đã có những lần cũng buồn lòng nhau, bởi giòng xoáy cuộc đời, bởi sóng gió cuộc sống, đã không nhiều cũng ít thay đổi con người chúng tôi. Cho dù tư tưởng con người có những điều suy nghĩ khác nhau, đã không còn cho phép bạn bè nối tay nắm nhau đi chung một đường như ngày xưa tuổi trẻ nữa. Nhưng tình bạn cho nhau thì vẫn không thể xóa được. Khi một người bạn nằm xuống, và là một người bạn mà lòng mình vẫn luôn ngưỡng mộ, thì đó vẫn là một tin tang đau lòng nhau lắm.
Vâng, Bảo ơi, phải viết cho Việt Dũng. Một người bạn đáng cho chúng mình, chúng ta phải vinh danh.
Tôi, Việt Dũng, và Trần Quốc Bảo có nhiều kỹ niệm của một tình bạn đồng chí hướng thời tuổi trẻ, từ những ngày tôi và bạn bè cùng chủ trương lập tờ báo Tuổi Ngọc. Thời đó báo chí còn hiếm hoi. Thời đó một tờ báo với những bài thơ bài văn viết mực tím từ trái tim những người trẻ tuổi mới lớn hay vẫn đang thời sinh viên yêu đương tình đầu, còn hiếm quý, hình như chưa có. Chỉ có Tuổi Ngọc lúc đó. Tờ báo kết nạp nhiều cây bút trẻ và độc giả trẻ từ khắp nơi hải ngoại. Trong đó nhóm chủ trương chúng tôi còn có Việt Dũng đang là một nghệ sĩ hát nhạc tranh đấu mà những bài hát của anh đang là đầu môi chót lưỡi của người Việt tỵ nạn lưu vong. Có Trần Quốc Bảo lúc đó là một nhạc sĩ sinh viên vừa đặt chân đến đất Mỹ sau một hành trình vượt biển sống sót từ con tàu cả trăm người chết, có Nguyễn Việt một họa sĩ sinh viên say mê làm báo, có Trần Hữu Hoàng một thi sĩ với những bài thơ truyện ngắn đã từng làm tròn mắt nhiều nhà văn đàn anh thời đó trong đó nhà thơ Nguyên Sa đã phải gật gù đắc ý, có Nguyễn văn Hưng một thi sĩ với âm hưởng miền sông Hương núi Ngự từng là bạn sống chung nhà chung phòng với Việt Dũng khi còn sinh viên, có một Thụy Vi khả ái mà chữ nghĩa cũng rất mượt mà lãng mạn...rồi những cây bút trẻ tuổi, đa số còn ôm sách vở đến giãng đường đại học, thưở đó như Hạ Vi, Lãng Du, Vũ Mai Trang, Minh Trang, Mạc Ly Hương (Mai Hương), Di Thảo, Kim Thoa, Trầm Luân, Đinh Tuấn, Bùi Vũ Phương Thảo, Mây Mùa Thu, Diên Vỹ, Suối Mơ, Hưng Quang, ... Những nhà văn nhà báo vai vế đàn anh, bậc chú đã được mời làm cố vấn tờ báo thời đó như cố thi sĩ Nguyên Sa, thi sĩ Du Tử Lê, cố thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, thi sĩ Ngọc Hoài Phương, nhà văn Nhật Tiến, nhà văn Đỗ Tiến Đức, cố nhà báo Đỗ Ngọc Yến, cố nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, giáo sư Phạm Cao Dương, giáo sư Lưu Trung Khảo, cố nhà báo Thế Phương, .. nhiều nhiều lắm các bậc tên tuổi.
Việt Dũng đã là một thành viên nhóm chủ trương của tờ Tuổi Ngọc thời đó, cho dù anh đang ở Houston Texas, còn tòa soạn chúng tôi thì ở quận Cam California. Chúng tôi đều là những người đi làm, đi học, bỏ tiền túi làm tờ báo, mỗi kỳ in ra 1500 tờ báo gửi đi khắp nước Mỹ khắp thế giới cho những người trẻ. Việt Dũng thân tình với chúng tôi những năm của Tuổi Ngọc. Thập niên 80. Những năm đó, cộng đồng người Việt tỵ nạn chính trị lưu vong khắp thế giới đều đang nghe những ca khúc tỵ nạn của Việt Dũng sáng tác. Tiếng hát Việt Dũng và Nguyệt Ánh trở thành những tiếng hát thân thương của người Việt hải ngoại, của tuổi trẻ chúng tôi thời đó. Trong khi đang sống xa quê hương, thì Việt Dũng và Nguyệt Ánh lúc đó mang lại cho chúng tôi niềm tin của một ngày trở về, nhỏ lệ về thân phận đồng bào tôi đang ở quê nhà lao tù hay những ngày sống khổ sai. Việt Dũng có những ca khúc tỵ nạn hát cho những người vượt biển, sống hay chết để đến bờ tự do. Thời đó, người Việt ở hải ngoại vẫn còn là một cộng đồng tỵ nạn, lưu vong xứ người. Thân phận và thẻ căn cước tỵ nạn chúng tôi lúc đó đều còn lưu giữ trong trái tim. Nhưng chúng tôi vẫn vững tin có một ngày về, vẫn hoài bão một ngày quê nhà có tự do, vẫn không tin không muốn mình sẽ sống mãi trển đất nước người ta thế này hoài.
Việt Dũng và những người làm văn nghệ đấu tranh thời đó, đã cho chúng tôi những suy nghĩ của một người Việt Nam Quốc Gia chân chính.
Thời đó, tôi trân quý nhất hai người bạn thân nghệ sĩ làm văn nghệ đấu tranh. Đấu tranh cho thuyền nhân. Đấu tranh cho đời người lưu vong. Đấu tranh cho những con người không còn tiếng nói, không còn quyền đòi hỏi, đang còn ở quê nhà. Một là Việt Dũng. Hai là Trần Quốc Bảo.
Việt Dũng là người đến đất Mỹ trước, sáng tác trước, và thành danh trước. Trần Quốc Bảo đến sau, có những sáng tác ca khúc tỵ nạn về sau, và đã thành danh những ngày sau đó. Khi Trần Quốc Bảo sáng tác và xuất bản tập nhạ Ca Khúc Hát Trên Đường Lưu Vong, thì Việt Dũng đã viết lời giới thiệu cho Bảo, đã trân trọng những ca khúc của Trần Quốc Bảo như là một chiến hữu văn nghệ của mình. Thời đó, chúng tôi 3 người, đã có rất nhiều kỹ niệm tình bạn bè với nhau.
Tôi thường tổ chức những buổi sinh hoạt tuổi trẻ cho nhóm Tuổi Ngọc chúng tôi, cho giới trẻ độc giả của tờ báo. Từ Nam Cali đến Bắc Cali qua đến Housto Texas hay Arlington Virginia hay Seattle Washington. Đến nơi nào, cũng phải có Việt Dũng hay Trần Quốc Bảo hay cả hai. Việt Dũng hãnh diện với nhóm Tuổi Ngọc. Anh có thêm những người bạn thân trong nhóm Tuổi Ngọc. Tôi còn nhớ nhất chuyến đi cùng nhau lên San Jose để họp mặt Tuổi Ngọc do nhóm bạn độc giả Tuổi Ngọc miền Bắc Cali tổ chức, chuyến đi xa 2 ngày, có Việt Dũng, Trần Quốc Bảo, Đinh Tuấn (là bác sĩ y khoa từ Pháp, người đã đi theo con tàu của Hội Y Sĩ Không Biên Giới để cứu vớt người Việt vượt biển những năm đầu thập niên 80...) còn có thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên lúc đó. Cả hai đã cất tiếng hát những bài hát hào hùng tuổi trẻ hay buồn bả thân phận người lưu vong. Chúng tôi đã trãi qua những kỹ niệm làm việc thân tình nhau lắm, cùng cho tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại.
Tờ Tuổi Ngọc sống lâu một phần có bàn tay của Việt Dũng. Việt Dũng đã giúp tờ Tuổi Ngọc lấy một số quảng cáo cơ sở thương mại người Việt, để có chút tiền nuôi sống tờ báo. Uy tín của anh dễ dàng khi đến những cơ sở thương mại Việt Nam lúc đó. Việt Dũng cứ nói, làm báo lý tưởng như Hồ Văn Xuân Nhi thì cũng có lúc tờ báo phải chết thôi. Cứ xuất tiền túi, thì sao lâu dài được. Trong khi tôi thì không thích một tờ báo có quá nhiều trang quảng cáo, không muốn thương mại hóa tờ báo thương yêu Tuổi Ngọc của mình, nên cứ khư khư mỗi tháng móc từ tiền lương vài trăm hay bạc ngàn để trả tiền in, tiền cước phí gửi báo đến mọi người. Những người viết cho Tuổi Ngọc thời đó, kể cả các vị đàn anh, đều không đòi hỏi một thù lao hay tiền nhuận bút bao giờ cả. Chúng tôi làm báo đơn giản, chỉ cần tiền in và tiền cước phí bởi vì báo cần gửi đi hơn 30 tiểu bang và nhiều quốc gia khác. Tòa soạn nằm ở nhà riêng, bạn bè nhóm đến đánh máy làm việc không đòi thù lao nào. Phương tiện báo chí ngày xưa đơn giản lắm, không có những chương trình và máy móc vi tính tối tân như ngày nay. Sự thông tin với nhau cũng rất tốn kém. Nhưng tờ Tuổi Ngọc sống, sống lâu dài được nhiều năm, có lẽ gần một thập niên. Việt Dũng cũng đã chung sức cùng với chúng tôi suốt quãng thời gian dài đó.
Mãi đến sau này, khi tôi đã kiệt sức buông xuôi tờ báo, thì Việt Dũng đã nhiều lần muốn tôi giao lại tờ Tuổi Ngọc cho anh làm. Bởi vì lúc đó, Việt Dũng có nghề nhà in, có nghề làm báo, có đủ kinh nghiệm và quen biết để đi lấy quảng cáo nuôi sống tờ báo. Vì những lý do nào đó, mặc dù tôi cũng đã sẵn sàng nhường lại cho Việt Dũng để làm tờ báo Tuổi Ngọc tiếp tục, mà câu chuyện đã không thành xảy ra.
Cuộc đời trôi qua, tôi theo giòng đời xoay vào những cơn sóng cuộc đời, vì mưu kế đời sống nên buông tay bỏ hết những lý tưởng mộng to, mộng nhỏ thời tuổi trẻ. Tôi không còn cưu mang đại nghĩa hay cho quê hương đồng bào mình để mà dấn thân tiếp tục những ngày, thời tuổi trẻ say mê tham gia đấu tranh vì quê nhà vì người Việt chúng ta nữa. Tôi bỏ cuộc. Việt Dũng thì không. Anh đã tiếp tục, và đã tiếp tục cho đến ngày anh nằm xuống.
Bao nhiêu năm qua rồi, tôi ít có gặp lại Việt Dũng. Chỉ những lần tình cờ ở một quán ăn, một nơi chốn nào đó trên con đường Bolsa, hay lòng vòng thủ phủ Little Sài Gòn. Tôi vẫn thường gặp hình ảnh Việt Dũng trên những Video hay DVD hay trên truyền hình. Tôi biết Việt Dũng còn nuôi dưỡng, còn tiếp tục những lý tưởng từ thời còn trẻ kia, vẫn cưu mang một gánh nặng bởi vì Việt Nam quê hương anh. Lần cuối chúng tôi gặp nhau, cũng đã 4 năm hơn rồi, ở nhà hàng Anz trên con đường Brookhurst, một buổi tình cờ ngồi ăn kế bàn bên nhau. Việt Dũng nghĩ rằng tôi không còn đứng cùng chiến tuyến với anh, nên nhìn tôi buồn hơn. Nhưng tôi chưa bao giờ có cơ hội, để nói với Việt Dũng, rằng tôi lúc nào cũng đứng sau lưng anh, vẫn tin nơi anh, vẫn hãnh diện vì anh.
Việt Dũng là một nhạc sĩ, làm văn nghệ, và thậm chí làm thương mại văn nghệ. Nhưng anh không ngại ngần khi bước mình vào những đụng chạm với những người nghệ sĩ khác hay những nhà thương mại văn nghệ khác, khi họ không đi đúng con đường mà đối với anh, phải là con đường đi. Việt Dũng đã không chấp nhận cho nghệ sĩ hải ngoại quay về Việt Nam để hát. Việt Dũng đã không chấp nhận cho nghệ sĩ trong nước ra hải ngoại để kiếm tiền quay về. Anh thách thức. Anh lên tiếng. Anh sẵn sàng tạo nên những cơn sóng lớn trong cộng đồng để ngăn chặn chuyện đó. Có nhiều người đứng sau lưng, cùng anh, vỗ tay. Có lắm người đứng đối diện anh, vẽ ranh giới, thách thức ngược lại với anh. Nhiều lần anh vẫn không thắng, nhưng bao nhiêu lần anh vẫn không chịu thua. Anh cứ tiếp tục lý tưởng của mình. Lý tưởng chống cộng và lý tưởng cho những bổn phận của một con người chỉ chấp nhận hai chử Quốc Gia cho người Việt Nam mà thôi.
Việt Dũng đã là một trong những người linh hồn xây dựng nên những chương trình hằng năm đại nhạc hội gây quỹ cho người Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa còn ở quê nhà. Hằng năm, hằng trăm ngàn đô la đã gây quỹ được, gửi về những món quà cho những người chiến sĩ đã hiến dâng một phần thân thể cho chính nghĩa tự do miền nam. Đây là một sự kiện lớn, thông lệ hằng năm, mà Việt Dũng là một trong những người nghệ sĩ đã đóng góp, khởi xướng chương trình.
Từ đài phát thanh radio bolsa 106.3, hay đến băng tần truyền hình SBTN toàn thế giới, hay trên sân khấu của những nhạc hội của trung tâm Asia, thì Việt Dũng đều đã chọn riêng cho mình một chổ đứng, một con đường nhất định phải đi, nhất định không đổi hướng. Tất cả vẫn chỉ cho bốn chử Việt Nam Cộng Hòa. Những nội dung chương trình văn nghệ mà Việt Dũng đóng vai trò điều khiển, hay chủ trương, hay người viết bản, thì anh đều chủ hướng về một đất nước mà anh chấp nhận duy nhất: Việt Nam Công Hòa. Những người đã đổ xương máu cho đất nước Việt Nam Cộng Hòa, những người đã là lính của miền nam Việt Nam, cám ơn Việt Dũng. Nhưng mà, bởi vì chính Việt Dũng đã luôn cám ơn họ trước rồi.
Cá nhân tôi, cho rằng Việt Dũng là một trong những người dũng tướng còn lại cuối cùng đang cố chiến đấu để giữ lấy thành trì chống cộng của người Việt hải ngoại. Thành trì đó ngày nay vẫn còn rất vững, còn kiên cố lắm. Nhiều anh hùng dũng tướng của cộng đồng chúng ta cũng đã ra đi. Ngày hôm nay Việt Dũng ra đi. Nhưng những viên đá của anh góp xây, vẫn còn đó, giúp chiến tuyến chống cộng không sụp đổ. Những đường gươm anh đã công phá vào kẻ thù, vẫn còn làm nhức nhối quân thù.
Tôi vẫn luôn hãnh diện bởi một người bạn đã một thời rất thân, là một Việt Dũng đa tài, mưu lược, yêu nước mà nhất định kiên quyết chống cộng. Cộng đồng chúng ta hải ngoại mất mác rất lớn khi anh ra đi bất ngờ thế này. Nhưng Việt Dũng đã để lại cho nền văn nghệ người Việt Hải Ngoại rất nhiều dấu ấn, mà lịch sử cộng đồng ngày sau sẽ ghi tạc. Anh đã thành danh khắp thế giới, không vì giọng hát hay tiếng đàn, nhưng bởi trái tim của anh. Những gì Việt Dũng đã mang đến cho người Việt tỵ nạn hải ngoại, là những thước tấc vàng son cho những ai còn biết tri ân bốn chữ Việt Nam Cộng Hòa phải dùng để sánh mình.
Việt Dũng vừa nằm xuống. Nhưng trái tim anh vẫn còn đập nhịp hai chữ Việt Nam.
HỒ VĂN XUÂN NHI
Hồ Văn Xuân Nhi
Tôi là người cuối cùng bước đến quan tài của Thục để nhìn nàng lần cuối. Tôi đứng lặng người thật lâu, đôi mắt chết sững nhìn khuôn mặt nàng hiền hòa nằm yên trong cổ quan. Thục đó. Thục vẫn đẹp như lúc nàng còn sinh lực. Đôi mắt Thục nhắm nghiền, dịu dàng như những lần Thục nằm ngủ ngoan trong vòng tay tôi sau cơn ân ái. Tôi muốn khóc quá đi thôi. Đàn ông lớn tuổi như tôi mà khóc thiên hạ cười chết, cho dù tôi khóc tang người tôi yêu.Tôi muốn một huyền thoại nhiệm màu xảy ra, huyền thoại của hoàng tử ngày xưa đến hôn đôi môi nàng công chúa Bạch Tuyết đã chết vì ăn trái táo độc cuả mụ phù thủy, chiếc hôn của hoàng tử thành phép lạ cho nàng Bạch Tuyết hồi sinh. Thục ơi. Anh hôn môi em nhé. Để em sống lại, để anh được nói với em lời tạ tội. Lời tạ tội của tên đàn ông phụ bạc. Nhưng không. Phép lạ chẳng bao giờ có. Thục chẳng phải là nàng Bạch Tuyết. Tôi cũng chẳng phải là hoàng tử. Phép lạ chỉ có trong truyện cổ tích huyền thoại, không có trong thế kỷ này. Trừ phi phép lạ do Thượng Đế mang đến. Môi của Thục tái nhạt, mà tôi như vẫn còn nhìn thấy dấu tích ân ái trên đôi môi ấy ngày nào....
Adobe Acrobat document [433.0 KB]
Mong Manh
Niềm Hạnh Phúc
Hồ Văn Xuân Nhi
Tôi kẻ một chút son lên môi, rồi quay lại nói với Ngọc:
- Chiều nay em đừng chờ cơm chị . Anh Trần mời chị đi ăn tối nay.
Ngọc ngồi bó gối đọc sách trên giường, nheo mắt cười với tôi:
- Mấy giờ chị về?
Tôi xoay người ngắm mình trong gương, tay sửa lại vai áo, trả lời Ngọc:
- Chẳng biết được, tối thứ bảy mà...
Ngọc chép lưỡi:
- Ghê quá, dám hai người đi đến sáng...
Tồi lừ mắt nhìn em:
- Con nhỏ này chỉ biết nói bậy, đi đâu mà đến sáng...
- Ai biết được...
Tôi không để ý trả lời tiếp, xách ví bước ra ngoài:
- Thôi chị đi đó. Em nhớ khóa cửa kỹ càng...
Adobe Acrobat document [187.9 KB]
Hôn Anh Hạnh Phúc
Một Lần
Hồ Văn Xuân Nhi
Nhã đến đón tôi ở trước cửa tiệm, một buổi chiều tháng 12. Lần đầu tiên, chàng mạo muội đón tôi giữa đám đông những người quen biết tôi. Tóc Nhã lòa xòa, một chút lãng tử trên vầng trán rộng. Chàng không còn trẻ nữa, ở lứa tuổi ngoài bốn mươi rồi, nhưng dáng dấp chàng còn chút nét phong trần của những ngày tuổi trẻ sinh viên, thời tôi quen biết chàng. Tôi bất ngờ một chút khi thấy Nhã, nhưng vui nhẹ trong lòng, cười mỉm trong đôi mắt nhìn chàng dịu dàng.........
Adobe Acrobat document [229.5 KB]
Hạnh Phúc
Một Lần
Mong Manh
Hồ Văn Xuân Nhi
Đằng bất ngờ đến cửa hàng, nơi tôi làm việc. Tóc Đằng bay bay, những sợi tóc mỏng thưa hé một vầng trán rộng đàn ông. Chàng mở nụ cười với tôi, đánh tan mất những nghiêm nghị ít nói thường ngày trên khuôn mặt. Tôi hơi bối rối khi gặp chàng, nhất là ở nơi này, một chổ mà tôi muốn né tránh những soi mói riêng tư từ những người làm việc chung.......
Adobe Acrobat document [225.1 KB]
Tan Theo Bọt Biển
Truyện ngắn của
Hồ Văn Xuân Nhi
Nhã cố giữ lấy nỗi điềm tĩnh bấm tiếng chuông. Một chốc lâu, vẫn không ai ra mở cổng. Nhã lại bấm tiếng chuông lần nữa. Lại chốc lâu, vẫn không bóng người. Rồi tiếng chuông thứ ba, thứ tư, cứ thế Nhã kiên nhẫn với lòng mình, với thách đố mà những người bên trong ngôi nhà dường như muốn ném vào chàng. Hơn một giờ đồng hồ trôi qua, cuối cùng một người đàn bà bước ra. Người đàn bà mang nhiều nét của một người quê mùa thân xác vất vả, chừng đã ngoài sáu mươi, một giọng nói thuần chất của miền Bắc nhưng không phải nguyên quán người Hà Nội....
Adobe Acrobat document [248.4 KB]
Những Kỷ Niệm Xưa
Hồ Văn Xuân Nhi
Năm 2010, tôi chấm dứt nhiệm kỳ công tác 2 năm với Tổng Nha Thống Kê Dân Số ở Bộ Thương Mại, một công việc mà tôi vô cùng thích thú vì tính chất lịch sử và ý nghĩa. Kết quả thống kê dân số 2010 chưa có con số chính thức về dân số cộng đồng Việt tại Mỹ, nhưng theo ước đoán từ các dữ kiện thống kê thu nhập được trong thời gian tôi giữ vai trò trưởng khối chuyên viên các cộng đồng, có lẽ dân số Việt đã gia tăng khoảng 25% trong suốt 10 năm qua, nâng số người gốc Việt vào khoảng 1.8 triệu người tại Mỹ. Con số này chưa kể nhiều người gốc Việt trẻ tuổi sinh ra và lớn lên tại Mỹ, nói tiếng Mỹ không nói nhiều tiếng Việt, nên thường nhận mình là dân Mỹ hay vì khai với giấy thống kê là người Việt...
Adobe Acrobat document [239.9 KB]
Tâm Thư Với
Bạn Bè
Trường Xưa
Hồ Văn Xuân Nhi
Các Bạn Thân Thương,
Cho phép Hồ Văn Xuân Nhi mạo muội có những tâm tình với các bạn. Những lời thân tình gửi đến các bạn các cấp lớp dù ở bất cứ năm học nào, niên khóa nào, viết từ trái tim rất thật. Trong thương yêu của mái trường ngày thuở nhỏ, tuổi học sinh trung học!! ......
Adobe Acrobat document [208.6 KB]
Bạn Tôi
Trần Quốc Bảo
Một Đời
Làm Nghệ Sỹ
Một Đời
Sống Tình Nghĩa
Adobe Acrobat document [112.2 KB]
Lời Giới Thiệu củaTòa Soạn báo LA Times:
Ngày 23 tháng 2 năm 1988
Anh đã trở về thăm quê hương.
Ngày nay, người thanh niên xưa đó đã 29 tuổi và đang là một công dân Hoa Kỳ, Hồ sống ở thành phố Cypress và đang là là trợ lý cho Nghị Sỹ Quốc Hội Hoa Kỳ Robert K. Dornan
(đảng Cộng Hòa – Garden Grove). Anh đã đến Việt Nam cùng với ông Brian Bennett là Chánh Văn Phòng của Nghị Sỹ Dornan, với tư cách là thành viên phái đoàn chính thức của quốc
hội Hoa Kỳ đến Việt Nam để giải quyết một số vấn đề nhân đạo HO và các hồ sơ đoàn tụ gia đình của những người muốn đoàn viên với gia đình thân nhân họ ở
Mỹ......
Adobe Acrobat document [187.9 KB]
CHIA TAY THẮNG: THẰNG EM HỌ TÔI.
Thắng bất ngờ đột ngột, bỏ tôi đi. Thằng em họ thân thiết nhất của tôi, bỏ tôi đi xa, không bao giờ quay về.
Tôi với nó là anh em họ, bà con cô cậu ruột, tiếng Mỹ gọi là "first cousins" với nhau. Tôi vai Anh, mà cũng lớn hơn nó đến 7 tuổi.
Họ hàng bà con từ thuở nhỏ, nhưng cả hơn 20 năm sau mới có tình thân với nhau. Từ khi tôi bắt đầu có những chuyến đi, chuyến về Việt Nam trong thập niên 90. Mỗi khi tôi về, Thắng là người đưa đón tôi, lái xe gắn máy chở tôi đi khắp mọi nẽo đường thành phố Sài Gòn, hay hộ tống tôi theo những chuyến đi công tác cho công ty ở các tỉnh, thành xa xôi. Anh em chúng tôi đã có những kỹ niệm cùng với nhau ở những nơi như Hà Nội, Nha Trang, Đà Lạt, Kiên Giang, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Huế... Lúc đó, Thắng còn ở Việt Nam.
Thời đó, Thắng luôn tìm cách bảo vệ tôi trước những mưa đồ, tính toán của người khác thường xảy ra cho một Việt kiều dễ tin người như tôi. Nhiều khi trong công việc làm ăn, Thắng cho tôi thấy ai tốt, ai xấu khi quan hệ. Có những thời gian đầu thập niên 90, khi bị An Ninh Việt Nam làm việc, điều tra nhân thân, tôi có những lúc bị phiền phức bởi sự nghi ngờ của chế độ hiện tại đối với cá nhân, thì Thắng vẫn không sợ phiền lụy nào có thể xảy ra, không né tránh tôi, còn luôn đi chung như một thách thức làm người bảo vệ.
Tôi và Thắng có nhiều kỹ niệm, rất nhiều kỹ niệm, anh em gắn bó thâm tình với nhau suốt thời gian Thắng còn ở Việt Nam mà tôi thường về bên đó làm việc hay đi chơi. Đó là những năm từ 1990 đến 1997.
Năm 1997 Thắng qua Mỹ, theo diện Vợ bão lãnh. Thắng là thằng may mắn. Ai cũng nói thế. Gặp một người con gái chung thủy, từ lúc yêu nhau khi còn ở Sài Gòn đến khi nàng theo gia đình diện H.O. sang Mỹ đầu thập niên 90. Sang Mỹ, người yêu Thắng làm giấy bão lãnh, từ diện ban đầu Fiancé rồi quay lại Việt Nam làm đám cưới chính thức, trở về Mỹ bảo lãnh Thắng sang Mỹ theo diện vợ chồng. Tôi và Thắng thân thiết nhau nhiều hơn, khi tôi đã là người đã giúp vận động hồ sơ bảo lãnh của vợ chồng Thắng được suông sẻ. Thắng cứ nhớ cái ân tình đó, nên tình cảm anh em thân hơn mỗi ngày.
Thắng sang Mỹ, tôi là người huấn tập Thắng lái xe hơi. Mỗi lần có chuyện gì liên hệ đến giấy tờ, thủ tục dù với cơ quan chính phủ hay tư nhân, Thắng đều luôn hỏi ý kiến tôi, trước khi ký hay trước khi quyết định. Thắng luôn luôn tin cậy vào khả năng và kiến thức của tôi, cho tất cả mọi việc Thắng cần hay Thắng muốn. Mỗi năm, mùa khai thuế lợi tức, là Thắng chỉ tin tưởng tôi làm hồ sơ thuế cho Thắng. Không làm free đâu nhé, Thắng đưa tôi tiền xài , tuy không phải là tiền phí vì tôi không khai thuế lấy tiền ai, ai đưa bao nhiêu tùy ý hảo tâm thôi, nhưng Thắng đưa tiền tôi nhiều hơn nếu thuê sử dụng một dịch vụ khai thuế chuyên nghiệp bên ngoài. Vậy mà năm nào, cũng chỉ đưa thuế cho anh Thi giúp làm. Tin tưởng anh Thi mà thôi. Cứ nghĩ điều này, tôi cười thương Thắng quá.
Nhưng Thắng là thằng em thân nhất, thương nhất trong số tất cả bà con họ hàng tôi biết, tôi quen. Thắng luôn luôn bảo vệ tôi. Nếu tôi có trong hoàn cảnh nào, Thắng đứng với tôi, cùng tôi. Khi tôi bị dư luận đâm gương hay bắn đạn, Thắng cố sức bảo vệ cho tôi bằng những biện luận và phản ứng. Thắng chỉ làm bạn với những người nào là Bạn của tôi. Người nào bán đứng hay đâm sau lưng tôi, thì Thắng cũng quay lưng tránh xa người đó. Ai nói xấu tôi, Thắng phản bác. Khi tôi ngã gục tinh thần, Thắng cố ý nâng tôi dậy, đẩy tôi đi tới. Tôi thắng hay tôi bại, thành danh hay ngã ngựa, thì Thắng đều đi với tôi. Thắng không ngại liên lụy, khó khăn đến mình, nếu đi vơi tôi. Thắng không thuộc loại người "ăn cháo, đá bát" hay loại người "gió chiều nào ngã theo chiều đó", mà tôi thường bị ở một số con người chung quanh. Trái lại, Thắng vẫn luôn nhắc nhở ân cần tri ân, nhớ hoài chuyện của mười mấy hai mươi mấy năm trước, của những điều gì đó dù rất nhỏ, mà tôi đã giúp Thắng. Thắng tin tưởng tôi tuyệt đối, chuyện gì cũng phải..."để hỏi anh Thi cái đã".. cứ như thế, cho tất cả công việc hay chuyện giấy tờ.
Tôi có cái nghề tay trái "viết báo, viết bài" cho vui cuộc sống hay thỏa thê đầu óc suy nghĩ. Thắng là người độc giả trung thành các bài viết của tôi. Báo nào có bài tôi viết, thảy một tờ đến nhà Thắng, là Thắng đọc. Tôi biết Thắng đọc đàng hoàng, vì Thắng đọc xong, thường gọi tôi tham luận đề tài tôi viết. Có bài tôi viết vài năm trước đó, vậy mà Thắng còn nhớ đề tài, nhớ câu chuyện của tôi viết. Tuần này, tôi không đưa Thắng tờ báo, là Thắng hỏi. Thắng là con người trí thức đó, luôn thích đọc báo, nhất là những đề tài thời sự, thời cuộc, chuyện cộng đồng. Nhưng Thắng là độc giả rất kỹ những truyện ngắn, truyện tình tôi viết, luôn có ý kiến tình nghi về những nhân vật trong câu chuyện tôi sáng tác. Là người viết văn, viết báo, có được độc giả như Thắng, quả là sướng lắm !!
Đôi khi trong gia tộc tôi, trong anh em họ hàng tôi, có những phân chia, hay những tranh giành nhau vì sinh tồn, cuộc sống, hay tiền bạc, thì Thắng tìm tôi tâm sự chuyện buồn phiền. Hai anh em chúng tôi, thường cùng một phe, cùng đồng ý nhau về quan niệm sống và tiền bạc. Ai làm gì thì làm, anh em tôi không cho rằng ai đúng cả, nhưng không cần thiết đến mình lên tiếng làm chi. Anh em chúng tôi đồng thuận một tâm lý, một nhân sinh quan như thế.
Mỗi tuần, Thắng gọi điện thoại cho tôi, ít nhất một lần, thăm hỏi và nói chuyện bâng quơ, nhưng là điều hỏi thăm cho thấy một con người mang tình cảm ân cần. Mỗi tháng, ít nhất một lần, Thắng tạo cơ hội để hai anh em ngồi với nhau, uống chai bia, ăn miếng thức ăn. Phần nhiều ở nhà của Thắng, thức ăn do Thắng nấu. Có khi hai anh em kéo nhau ra quán nhậu, nói chuyện niềm riêng. Có khi hội nhập với những bạn bè khác, thường là những người bạn của tôi đã trở thành bạn của Thắng. Thắng thích uống bia, mỗi ngày phải vài ba lon, khi tiệc nhậu cũng phải gần nữa thùng bia phần riêng Thắng. Thắng thích hút thuốc, thời trẻ mỗi ngày một gói, thời nay mỗi ngày vài điếu. Vợ la, cũng cười trừ, rồi né né hành động tiếp. Con phản đối, thì đi chổ khác mà hút thuốc. Vậy mà mỗi lần sau khi khám bác sĩ, hay xong thủ tục khám tổng quát từ bệnh viện, Thắng cười toe khoe khoang hồ sơ bệnh lý: chẳng có bệnh gì cả. Nhưng Thắng hình như không ưa thích đến bệnh viện, khi tôi ngã bệnh vào viện, Thắng nhất định chỉ gọi điện hỏi thăm chứ không đến bệnh viện thăm tôi. Nhưng Thắng hôm nay lại đi ngũ, giấc ngũ dài nhất, ở bệnh viện.
Thắng là thằng đàn ông mê vợ mê con. Nhiều bạn bè phải bực mình vì cái bản tính yêu vợ con (mà có đứa nhóm chúng tôi đã phải gọi Thắng, là thương vợ con quá đáng) của Thắng. Đi đâu cũng phải là vợ, có con. Mỗi lần Thắng đến nhà tôi tiệc tùng, ăn nhậu, nếu có vợ con... là Thắng phải chắc chắn lo chuyện thức ăn cho vợ con trước đã, xong mới yên tâm ngồi nhậu. Mỗi lần Thắng rủ tôi đến nhà Thắng ăn uống hay nhậu chai bia, Thắng vẫn lu bu lo cơm, lo phần cho vợ con xong xuôi đã, rồi mới có thể ngồi xuống với tôi. Có khi tôi phải bỏ về trước khi Thắng xong các thủ tục đó. Thắng ít lo chuyện đời, chuyện người, chuyện bạn bè, chuyện thế gian... mà chỉ lo cho chuyện gia đình mà thôi. Chỉ là gia đình của riêng Thắng, tức vợ Thắng và 2 con của Thắng. Ai khác không cần biết. Con cái Thắng đến khi đã lớn, 16 - 14 tuổi rồi, Thắng vẫn còn lo cho con từng miếng cơm để chúng ăn, nhắc nhở chúng từng lúc phải đi tắm, đi ăn. Vợ hắn trách, con cái "spoiled" là tại Thắng chìu con quá. Trong bạn bè chúng tôi, bạn bè của Thắng, phải luôn nhìn nhận Thắng là thằng đàn ông thương vợ con nhất, lo cho vợ con nhất, tốt với vợ con nhất.
Gia đình của Thắng là nhất tất cả. Đi cả thế gian, cũng không có gì sánh bằng Vợ và 2 Con của Thắng. Thằng em họ của tôi, hình như luôn tự hào điều này.
Vậy mà hôm nay, Thắng đành đoạn lần này đột xuất bỏ đi, không một lời từ giã vợ con. Thằng này thiệt tình...
Thắng còn hẹn tôi một chầu bia. Mới tuần trước, Thắng rủ tôi một chầu nhậu, Thắng muốn rủ luôn cả Sơn Phạm, vì cách nay mấy tháng Sơn và Đào có đãi Thắng một chầu nhậu ở quán Artist, Thắng cứ đòi cơ hội đã trả lại vì bản tính hắn thích sòng phẳng không thích mang nợ ăn uống của ai, nhưng mà nhiều lần vì thiếu vắng tôi nên cứ hoãn ngày. Tôi hẹn với Thắng vào cuối tuần này đó. Chưa xong độ, mà Thắng đã bỏ đi.
Ngày Thắng đi, tôi thật sự khóc. Đêm hôm đầu tiên khi Thắng được đưa vào bệnh viện, nằm "Coma" rồi, còn biết gì nữa, tôi nhìn Thắng chảy nước mắt. Tôi cứ nghĩ giữa Thắng và tôi, chỉ có tình thân anh em họ hàng, ngồi ăn nhậu vui với nhau thế thôi. Khi Thắng đi rồi, tôi bỡ ngỡ, bàng hoàng, nỗi hụt hẫng mất mát đời mình một điều gì đó lớn lắm. Buổi tối hôm đó, tôi không ngủ được, trằn trọc nhớ Thắng. Mỗi ngày, từ ban sáng, ban trưa, ban tối ... tôi vào bệnh viện thăm Thắng, nhìn Thắng, rồi nhiều lúc khóc thật đậm đà riêng mình.
Tôi cứ nhớ giọng nói của Thắng, bây giờ nếu mỗi lần ngồi với bạn bè, hay cầm chai bia, chắc chắn phải nhớ đến Thắng lắm. Bạn bè cụng chai, sẽ cùng nhau nhớ đến Thắng lắm. Thắng không là gì cả, không quan trọng trong tất cả bạn bè, nhưng bây giờ Thắng bỏ đi, tôi mới biết mình rất thương Thắng vô cùng.
Thắng bỏ đi, vợ hắn khóc lóc ôm lấy, nhất định không buông cho Thắng đi. Nước mắt đỏ hoe, đôi mắt người đàn bày này gần như muốn mù đi. Suốt đêm, suốt ngày, cả ba ngày như thế, không buông rời Thắng. Nên Thắng thật sự đã không đành đoạn bỏ đi. Bác sĩ đã tuyên bố Thắng chính thức lìa trần rồi, lúc 12g20 trưa ngày 08 tháng 03. Nhưng tim Thắng vẫn đập, linh hồn chưa chịu bỏ đi. Thậm chí, khi em gái của Thắng gọi điện thoại nói chuyện qua máy, đôi mắt của Thắng, đôi mắt của một xác chết, đã thật sự có chảy giọt nước mắt.
Thắng không phải là kẻ vô tình, bỏ đi bỏ mặc vợ và 2 con bơ vơ giữa giòng đời. Đó là điều đau đớn và cay nghiệt nhất cho Thắng. Nhưng Thiên Chúa an bày, và định mệnh là điều có thật. Thiên Chúa có ý lành nào đó, cho Thắng? Tôi không biết. Nhưng một con người là chồng tốt, cha tốt, bạn tốt, anh em tốt như Thắng, thì chắc chắn linh hồn Thắng đang rất an lành.
Tôi và mọi người ở đây, buồn lắm, nhớ Thắng lắm. Nhưng chắc có lẽ Thắng có tin mừng trên Thiên Đàng cao kia. Thắng sẽ luôn bên cạnh bao che, chúc phúc cho vợ con Thắng, bởi vì đó là con người Thắng.
Thằng em họ bỏ tôi đi rồi, để lại tôi những ngày tháng tới có khoãng trống sầu vương, thằng em có tên Hồ Hữu Thắng.
Hồ Văn Xuân Nhi