Bài Viết của Cô Bùi M ỹ Dương

 

 

 

 

Cô Bùi Mỹ Dương là giáo sư dạy Quốc Văn của trường từ năm 1969 đến năm 1975. Hiện nay cô cư ngụ tại thành phố Irvine, California. Cô thường xuyên tham dự hầu hết những sinh hoạt của Hội và luôn luôn theo dõi, cổ võ, nâng đỡ và khuyến khích những sinh hoạt của Ban Điều Hành. BDH niên khóa 2 đã mời cô làm cố vấn thêm cho Ban website. Chân thành cám ơn những thân tình của cô dành cho Hội.

 

 

Kỷ Niệm với cô Bùi Mỹ Dương



Áng Văn:

 

Tình Thầy Trò

Tiếng Mẹ Đẻ

Quê Mẹ

Quê Hương Thứ Hai Nước Mỹ

Thoát Hiểm

Tình

Thư Cho con

Thư Gởi Con Trai Út

 

Hình Ảnh Buổi Tiệc Họp Mặt - 12/09/2010

Video: Sinh Nhật 70

 

 

Tình Thầy Trò

 

“ Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, là lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang-mang của buổi tựu trường….Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp, con đường này tôi đã quen đi lại nhiều lần nhưng nay tôi tự nhiên thấy lạ, cảnh vật chung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.”
Nhà văn Thanh-Tịnh đã tả lại cảnh và cảm nghĩ của những cô bé, cậu bé lần đầu tiên đến trường hay bắt đầu niên học mới.
Được cho làm kiếp người, ba năm bú mớm, bập bẹ nói, bước chân đầu tiên đều do cha mẹ thương yêu dậy dỗ dẫn dắt vào đời. Công đức cao dầy sao kể xiết, nhưng không dừng ở đây, cha mẹ nuốn con tiến lên cùng chúng bạn mở mang trí óc, phát triển mọi chức năng để thành người hữu dụng: đó là đưa con đến trường.

Nhà thơ Chế lan Viên nói lên nỗi vui sướng của thời học sinh:
Ôi sung sướng là thời gian cắp sách,
Ôi vui tươi là lúc hãy còn thơ
Đời đẹp đẽ như trong một giấc mơ,
Và thắm đượm như một mùa Xuân mới.

Thời thơ ngây mọi thứ đều do cha mẹ cung cấp chẳng lo lắng gì nên đời tươi như giấc mơ đẹp. Hết tuổi thơ mộng, vào đời bao bổn phận với gia-đình, xã-hội và tổ-quốc. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước cùng nhau xây đựng môi trường sống

Nhạc sĩ Lê Thương ca ngợi trách nhiệm của tuổi trẻ, tuổi học trò:
Học-sinh là người Tổ-quốc mong cho mai sau,
Học-sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao…

Bà Mạnh-mẫu đã ba lần dọn nhà để con được đi học. Việc học cần thiết và quan trọng nên người ta đánh giá nền văn minh hưng thịnh của từng quốc gia là chương trình giáo dục.

Ngày xa xưa khi học vấn chưa được phổ cập, nhà vua cần tuyển dụng các quan chức trong triều thì mở kỳ thi tuyển qua 3 kỳ thi: thi Hương, thị Hội, thi Đình lấy người tài giỏi ra giúp vua giúp nước.
Nguyễn công Trứ đã đề cao kẻ sĩ là người học rộng tài cao:
Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt,
Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên.

Thầy đồ mở trường tại tư-gia, đa số là những quan về hưu hay ông tú chỉ đỗ kỳ thi hương. Thầy đem chữ nghĩa thánh-hiền dậy đám học trò trong làng.
Ca dao truyền tụng:
Chẳng tham ruộng cả, ao liền,
Tham vì cái bút, cái nghiên anh đồ.
Thầy đồ không có lương, cha mẹ học trò tạ ơn thầy là qùa biếu vào những ngày lễ tết như cân đường, hộp bánh v..v..còn trò phải giữ ngày cúng giỗ thầy như cha mẹ.
Vào thời nho học không được trọng dụng nhà thơ Sông Vị , tám khoa chưa khỏi phạm trường qui ( 3 năm mới có khoa thi); nghĩa là trên hơn 20 năm ông chỉ đỗ Tú tài.
Ông đã có thơ tả tâm trạng của thầy đồ :
Thầy đồ thầy đạc,
Dậy học dậy hành,
Vài quyển sách nát
Dăm thằng trẻ ranh….
Đức Khổng-Tử đặt mối quan hệ xã hội đem đạo-đức và quy phạm làm người.Tóm lại trường học là nơi huấn luyện học vấn và đạo đức để làm người, cùng chung lo việc nước có ích cho xã hội. Vậy sự mở mang trí thức rất cần thiết nên trọng tâm của một quốc-gia là tạo dựng nền giáo dục.

Qua thời Pháp thuộc, để truyền bá tư tưởng và đào tạo lớp người làm việc, người Pháp đã thiết lập trường sở, bỏ Nho học, dùng tiếng Pháp và lấy mẫu tự Latin phiên âm tiếng Việt; chữ Quốc-ngữ hay chữ Việt. Việt ngữ dễ học nên có mấy chục năm mà chúng ta có một nền văn chương phong-phú, đa dạng.
Khi người Pháp rút khỏi đông Dương, chính thể Việt-Nam Cộng-Hòa của miền Nam đã khai triển theo phương hướng Tây phương và với chủ chương: giữ gìn tinh-hoa bản sắc dân-tộc, đời sống văn-hóa giáo-dục phong-phú. Nền giáo dục dựa theo 3 phương châm được ghi trong hiến pháp: Nhân-bản, Dân-tộc, Khai-phóng.
Nhân-bản : con người có địa vị quan trọng trong thế-gian, lấy con người làm gốc, cuộc sống con người trong đời làm căn-bản, con người là cứu-cánh.
Dân tộc: Truyền thống của dân-tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia-đình, nghề-nghiệp và quốc-gia; bảo tồn và phát huy những tinh-hoa tốt đẹp của dân-tộc.
Bắt đầu từ chương trình Việt, khai triển lòng ái-quốc, thương nòi.
Khai-phóng: giáo-dục mở rộng, tiếp nhận kiến-thức khoa-học, kỹ-thuật tiên-tiến trên thế-giới, tinh-thần dân-chủ, xã-hội văn-hóa nhân-loại, thế mạnh của Tây phương.
Mục tiêu giúp học-sinh làm thế nào đối với mình, gia-đình, quốc-gia và xã-hội, cung cấp cho học sinh đầy đủ thông tin và dữ-kiện để họ phán-đoán và lựa chọn. Giúp học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã-hội, môi trường sống, hiểu biết lịch-sử, văn-chương, thương yêu xứ sở, học tiếng Việt, nhận xét nét đẹp quê-hương, phẩm-hạnh, truyền thống, có tinh thần tự-tin, tự-lực và tự lập.
Dậy học là mang kiến-thức giáo-dục đặc biệt, quan-trọng và cần-thiết cho sự phát-triển trí-tuệ, nhân-cách của học sinh. Sự giáo-dục của mỗi cá nhân bắt đầu từ lúc sinh ra và sống suốt cuộc đời.
Giáo-dục trung học là nâng cao kiến-thức, kỹ-năng nghề-nghiệp cơ bản. Giúp học-trò thăng hoa, sáng-tạo, khích-lệ, tự-do cá nhân, chính kiến, nghệ-thuật, văn thơ, hội họa phát triển tài hoa. Thầy chắp cánh cho những ước mơ, trang bị kiến thức cho chúng ta bước vào đời, giúp họ trở thành người có học, có nhân cách tốt đẹp, có năng lực giúp ích cho dân cho nước. Thầy trò phải có nghĩa-vụ với nhau: trò phải tôn kính thầy dẫu sau này thành đạt, quyền cao chức trọng cũng không bỏ rơi lễ-nghĩa. Còn thầy phải có tư-cách, mẫu mực để làm gương cho học-trò. Đạo thầy trò sống mãi với thời gian, ông cha ta đã đề cao vai trò người thầy theo vị trí “quân, sư, phụ”. Tôn sư trọng đạo là truyền- thống văn hóa dân tộc Việt-Nam, thầy cô có công dậy dỗ cho mình, đào tạo căn bản, truyền dậy để chuẩn bị tương lai nên mới có câu: “ Không thầy đố mày làm nên”.
Chuyện ông Carnot xưa làm quan to nhưng vẫn nhớ về làng thăm thầy học. Việt Nam có Phạm sư Mạnh sau khi đỗ làm quan vẫn về thăm thầy (Chu văn An) và nghe lời khuyên.

Bố là thầy giáo, khi đi học rất thích và ngưỡng mộ thầy cô nên tôi đã chọn nối nghiệp nhà. Sau khi hoàn tất bậc trung-học, thi vào trường Đại học sư-phạm Sài-Gòn ban Việt Hán. Văn chương Việt chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của nền văn học chữ Hán. Thật hãnh-diện khi chúng tôi được thụ-huấn các cụ nghè, cụ tú của nền văn-chương Hán học cuối cùng triều Nguyễn: cụ nghè Nguyễn sĩ Giác, cụ Tú Vũ huy Chiểu, cụ tú Trần văn Thược. Các thầy giao thời giữa chữ Hán, chữ Pháp và chữ quốc ngữ như giáo sư Nguyễn khắc Kham, Nghiêm Toản, Nguyễn khắc Hoạch, Thẩm-Quỳnh, Trần trọng San, Nguyễn sĩ Tế, Phan thê Roanh, Lê ngọc Trụ, Nguyễn Huy Bảo. …

Sau ba năm tốt nghiệp ban văn chương, sinh-viên được bổ dụng đến những trường có nhu cầu. Thầy giáo như chúng tôi là chuyên viên đã được đào luyện, đi rao giảng cái đẹp của nền văn chương cổ điển, hiện đại, và giúp các mầm non phát triền ngôn ngữ văn-hóa Việt. Tôn chỉ: “ Tiên học lễ, hậu học văn” và “ ngày nay học tập, ngày mai giúp đời”.
Giáo chức ngoài lương căn bản còn phụ cấp sư-phạm, cuộc sống thoải mái nên vẫn giữ vững tinh-thần, tư-cách mô-phạm từ lối sống, phục-sức, ăn nói và giao tiếp.

Nhiệm sở đầu tiên là trường trung-học Pleiku thuộc tỉnh Gia-Lai thị xã Pleiku ( theo chồng) nơi địa đầu giới tuyến. Tại đây tôi mang kiến thức đã học và được huấn luyện ra truyền dậy cho những thanh-niên, thiếu-nữ, tuổi trẻ tài năng của đất nước.
Sau 5 năm trải kinh-nghiệm, về Thủ-đô, ngôi trường mang tên nhà cách mạng chống Pháp Nguyễn thượng Hiền ( thuộc quận Tân-Bình). Muốn vào trường công lập rất khó, tất cả phải qua được kỳ thi tuyển tỷ lệ nhận rất ít. Các học sinh đệ nhị cấp giai đoạn chót định hướng tương-lai, với tuổi 16,17,18, họ đã ý thức nên rất chăm chỉ.
Học sinh trường công lập hoàn toàn miễn phí nên phải giỏi và kỷ-luật.
Câu châm ngôn xưa: “ Nhân bất học, bất tri lý” “ yêu cho đòn cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” ý muốn học trò chăm ngoan phải có thưởng phạt. “Thứ nhất hay chữ, thứ nhì dữ đòn.”
Chương trình dậy học ngoài giờ giảng tại lớp, thầy trò còn những giờ hội thảo để phát hiện khả-năng của từng người. Tết đến thi đua bích báo, viết báo xuân, đi bán báo, thầy trò hòa đồng vui vẻ. Nghề giáo thú vị và cao quí lúc các em học-sinh chăm-chỉ, còn gì vui hơn với người thầy khi học trò trưởng-thành và thành-đạt. Công việc giảng dậy càng có ý-nghĩa là phụ giúp đào tạo ra những người có ích cho xã-hội. Nhà giáo có nhiệm vụ quan-trọng là chuyển giao tri thức cho thế hệ trẻ, phát hiện khả-năng, biết nhận định, đánh giá, phân loại sự tiến bộ của học-sinh. Tạo sự thân-thiện giữa học-sinh và thầy giáo để thấy trường học là một tổ ấm thứ hai.
Hạnh-phúc thật đơn giản chỉ là ánh mắt, nụ cười hay một lời cảm ơn.
Các thầy cô đứng tại chỗ còn học sinh, tuổi trẻ tiếp tục tiến trong bể học mênh mông :
“ hậu sinh khả úy” hay “ con hơn cha là nhà có phúc”. Lớp người trẻ, thanh thiếu niên, vượt xa cha ông đáng trân-trọng.

Năm 1975 nhà tan cửa nát, dân Việt tản mát khắp thế-giới, mọi người phải nỗ-lực làm việc cho đời sống nơi đất mới. Khi cuộc sống vật chất ổn định nhưng tinh thần chưa vơi những mất mát cô đơn, để khỏa lấp nhóm người tha hương kết hợp thành cộng-đồng. Cộng đồng người Việt được thành lập để nhớ về nguồn cội đất nước.
Cách đây không lâu đã có trại hè của các trường trung-học Việt-Nam Cộng-Hòa qui tụ trên 25 trường, thầy trò vui vẻ tìm về dĩ-vãng tươi đẹp một thời đã qua.
Xa quê hương đã gần bốn mươi năm nên những học sinh trung học trẻ nhất cũng vào tuổi năm mươi, sáu mươi họ đã vào đời và thành-công cả về sự-nghiệp và gia-đình.
Quên làm sao dĩ vãng của xa xưa,
Đó là kỷ-niệm của thời cắp sách.
Trung học Pleiku kết hợp thêm một số trường cùng tỉnh thành Liên trường Phố Núi, sinh hoạt hàng năm gặp nhau nối dài tình bạn, giúp đỡ chia vui xẻ buồn.

Nhờ có người hy-sinh đứng ra gánh vác trước tiên có Nguyễn thị Hương, Quách Thưởng, Nguyễn thị Nghĩa…rồi Thu Đào, Minh-Hương, Tô quốc Thắng, Lê ngọc-Anh, Lê Quí, Mỹ-Hường, Cẩm-Bình, Ngọc-Liên, Vũ Anh, Phạm vũ Anh, Phạm tuyết Nga…đã cho tôi gặp và liên lạc lại với bạn đồng nghiệp như quí anh Trần đình Thành, Thái văn Duy, Nguyễn đăng Dự, Trần đình Ngạc, bạn Vũ thị Bích, Trần nghĩa Chấn, Phan thị Lựu, Nguyễn phước Mỹ, Nguyễn thị Tình ... và các học trò thương mến của tôi.
“ Liên trường Pleiku luôn luôn nhớ ơn thầy cô
Săn sóc học-sinh khi còn ngây thơ nghịch ngợm
Nay thầy cô già, học trò cũng qúa tuổi xuân…”
( Tô quốc Thắng)
Cám ơn những buổi họp mặt tại gia của Nguyễn thị Hương, Nguyễn thị Nghĩa, Thu-Đào, Minh Hương, Mỹ Hường... cho tình thầy trò bạn bè thêm khắng khít.
Học trò nhớ thầy làm sao thầy nhớ được trò??? Vì tình vì nghĩa vì tinh thần Việt Nam còn thấm nhuần cậu học trò Nguyễn viết Tin tìm thăm. Tay bắt mặt mừng kể những liên hệ trên vùng đất đỏ và chính anh đã đóng vai học trò ngày xưa đi Tết thầy.
Cô học trò Tôn nữ Tuyết-Nhung “ với tất cả tấm lòng của một người học trò cũ luôn ghi nhận hình ảnh cô trong trái tim em”
Lê ngọc-Anh trong bài “ Một trời thương nhớ” đã nhắc tới các nữ giáo sư trường trung học Pleiku: “ Cô Mỹ-Dương có làn da đẹp, vóc dáng thật là sang.”
Em Suối dâu, Hướng Dương cũng gửi lời thăm hỏi

Trường Tân-Bình Nguyễn thượng Hiền là ngôi trường tôi gắn bó và sống với các học sinh từ khi trường mới thành lập (1969) cho đến ngày đất nước tan đàn xẻ nghé.
Các giáo sư của trường đều là những cây đại thụ tập trung tại ngôi trường họ Nguyễn như quí anh Nguyễn ngọc Xương chủ sự phòng nhân viên, Đặng trần Thường chủ sự phòng khảo thí bộ giáo dục. Anh Nguyễn tiến Thành hiệu trưởng cho biết có 13 thầy cô từng là hiệu trưởng ở nơi khác như quí anh chị: Trần thị Gia, Nguyễn văn Hanh, Văn đức Kim, Nguyễn văn thịnh. Lại xuân Quất, Chu hoài Nhân, Nguyễn văn Thu, Đỗ văn Tú ... Tóm lại ban giảng huấn kinh-nghiệm đầy mình vì thế các học-sinh của trường có tỷ-lệ đậu rất cao trong các kỳ thi tú tài 1 và 2.
Học-sinh là mầm sống của ngày mai.
Un đúc tâm hồn để noi chí lớn.

Bậc trung học dậy nhiều môn như: Quốc-văn, Triết, sinh ngữ Anh, Pháp, Toán, Khoa-học, Lịch-sử, Địa-lý, hội-họa, ca-nhạc... mỗi môn đóng góp vào sự hiểu biết tổng-quát làm căn bản vào đời.
Ra hải ngoại em Hồ văn xuân-Nhi đã có công tập họp nối lại tình thầy trò, bạn bè trường cũ. Với nhu cầu lan rộng khắp nơi 2010 hội chính thức thành lập.
Năm 2010-2012 Hồ văn xuân-Nhi là hội trưởng; 2013-2014 Bùi anh-Tuấn thay phiên chia trách-nhiệm, Năm 2015-2016 Võ thị Hương nối tiếp gánh nặng.Năm 217-2018 Kim-Thoa & Kỳ-Phương cùng nhau chung sức vác ngà voi.

Tất cả ban đại diện 1 và 2 đều góp công sức cho đại hội, báo chí đặc san, website cho trường, ngoài hội trưởng phải kể thêm các em phụ tá đắc lực: Nguyễn kỳ-Phương & Kim-Thoa, Vũ nguyễn Phương, Bùi phúc-Hoàn, Đỗ việt-Hùng, Nguyễn duy Báu, Đỗ Thảo, Nguyễn đức-Tuấn, Nguyễn Nhiên, Nguyễn hưng Quang, Nguyễn thế-Vũ, Lê đức-Toàn, Ái-Liên, Hương-Xưa, Nguyễn thị Minh-Diệp, Ngọc-Liệu, Nguyễn văn Cấp, Bích-Vân, Kim-Thanh, Ngọc-Yến, Cathy Sương-Vũ ...

Vinh danh các em học-sinh những thanh niên của thế hệ đóng góp cho Tổ-quốc Việt-Nam những “ anh hùng không tên tuổi”. Các em ở vùng đất mới đã có chỗ vững vàng từ chính-trị, y-tế, khoa-học, kỹ-thuật, báo chí, nghệ-thuật, kinh-doanh đủ mọi nghành nghề…Xin một lời cám ơn như niềm hãnh diện của nhà giáo.

Cô Vũ thị Ninh Giáo-sư trường Trưng-Vương được học sinh đón tiếp nồng hậu cô đã khẳng định : “ kiếp sau vẫn muốn làm cô giáo TV”.
Mặc dầu xa trường, phấn trắng bảng đen trên 40 năm nhưng các em học sinh vẫn tìm thầy cô, mời và đặt vào chỗ danh-dự.
Vẳng đâu đây tiếng cười nói thiết tha,
Lời thầy, bạn thật hiền hòa nhắn nhủ.

Nguyễn thị Gái, Nguyễn mạnh Hùng, Tuyết-Oanh, sống ở môi trường khác song vẫn giữ được nề nếp con người xưa tôn trọng đạo học.
Vũ Phương & Đức đã tìm kiếm để hai vợ chồng ra mắt bằng những ân tình.
Hồ văn xuân-Nhi nhiều năm qua đã chia xẻ, an ủi khi vui cũng như lúc thật buồn.
Đặng hữu Minh, Nguyễn văn Cấp mở rộng cánh cửa đón chào như để chung vui sự thành-công và hạnh-phúc. Những buổi họp mặt có các em: Đặng hữu Minh & Linh, Mai-Hương, Trần ngọc Hoà & Trâm-Anh, Trương hữu Chiến, & Phương-Anh, Nguyễn viết Tin, Ngọc-Nhung & Nguyễn văn Cấp… cơ hội gặp gỡ các học-sinh thương mến ở Houston
Nguyễn thế Vinh, vợ chồng tiếp đón ân cần, cho niềm vui của tuổi già bằng những đĩa DVD gia-đình.
Nguyễn Nhiên, thân thiết thường gặp vì cùng quan điểm chính-trị và yêu thích văn nghệ.
Bùi anh Tuấn, Nguyễn duy Báu, Phạm mai Hương, Nguyễn văn Cấp, Ngọc Liệu, Vũ Phương, Kim Thoa giúp đường xa gần lại cho cuộc vui Nguyễn thượng Hiền được trọn vẹn.

Kể tượng trưng các em học sinh ngày xưa nói lên tình nghĩa thầy trò.
Nguyễn Tất Hiền có vài giòng nói về ngày thầy cô:
Thầy cô ơi! Chúng em vẫn nhớ các người
Đã mang đến những kiến thức trong cuộc đời,
Đã mang đến những đạo đức trong tình người,
Đã mang đến những lý tưởng tuyệt vời,
Cho chúng em từ thuở đầu còn xanh
Cho đến nay tóc bạc vẫn học hành…..

Nguyễn văn Thông nhận định : “Thầy cô đã là con thuyền an toàn chuyên chở chúng em đến bến trong một giai đoạn của cuộc đời”

Tự nhận là học-sinh già Nguyễn duy Báu có bài thơ nói về tình-nghĩa thầy trò:
“ Một lần cúi chào là ngàn lời thăm hỏi
Thầy cô ơi! Em xin một ngàn lần cúi chào,
Chắc chắn thầy cô đang bật cười thích thú,
Vậy các người sẽ trẻ lại đến mươi năm…”

Phạm thị Cúc Vàng : “ Em là học trò cô niên khóa 69-75; tình cảm em dành cho thầy cô, trường lớp Nguyễn thượng Hiền không bao giờ thay đổi.”

Lê thị Nga “ Chúng tôi học hỏi từ cô không chỉ môn Việt văn mà còn là cách sống, cách suy nghĩ để trưởng thành trong cuộc đời”

Bùi phúc Hoàn: “ Tôi may mắn được học Cô Dương; cô nghiêm khắc nhưng có tác dụng thuận cho tôi khi vào đời”.

Lê văn Tài : “Em và một số học trò của cô ngày xưa thường họp nhau để ôn lại kỷ-niệm ngày còn đi học. Bây giờ đã đầu bạc nhưng nhắc lại kỷ-niệm trường lớp, thầy cô, chúng em như trẻ lại và thời học sinh đã tràn về trong ký-ức . Hãy để qúa khứ sống mãi trong mỗi chúng ta cô nhé!”

Nguyễn văn Cấp : “ Em không ngờ 30 năm trước có duyên được học từ cô qua sách vở, nay lại được học từ cô những kinh nghiệm đời và ý-thức về cuộc sống của chúng ta tại Hoa-Kỳ…”

Ngọc Yến, Ánh-Sương, Bích Vân, Nguyễn văn Bẩy, Bùi Phúc Hoàn ân cần thăm hỏi.

Người già thường sống với dĩ-vãng, các em đã cho chúng tôi trở về ngôi trường cũ, học trò xưa, một thời vào đời tươi đẹp. Những buổi hội họp với các em rất vui thoải mái vì chúng ta bây giờ là những người bạn chia xẻ tâm-tình về gia-đình, cuộc đời.
Chúng ta đến với nhau bằng tình thân kéo dài trên 40 năm, một giấc mơ đẹp trở về từ những thanh-niên, thiếu-nữ Việt, những học trò yêu dấu đã đóng góp vào cuộc đời để mai này có hành-trang mang theo.
Cám ơn tất cả các bạn đồng-nghiệp, các học-sinh mà tôi hân hạnh được gặp trong cõi đời này.

Trân trọng,
 

Bùi Mỹ Dương - mùa thu 2013

 



 

Tiếng Mẹ Đẻ

 

Cô Bùi Mỹ Dương

 

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”

..... 

Tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi”           

                                            (Phạm Duy)

 

Từ sau biến cố 75 đồng bào ta ồ ạt bỏ nước ra đi đến nay đã 20 năm vẫn chưa có chiều hướng chấm dứt. Theo Cao-ủy tỵ-nạn ước lượng trên 2 triệu người khắp năm châu, người Việt tỵ-nạn ở nhiều nhất theo thứ tự: Mỹ, Pháp, Gia Nã Đại, Úc, Tây Đức, Anh, Đài-Loan, Thụy-Sĩ ….

 

Trong cộng-đồng người Việt nẩy sinh ra nhiều vấn đề làm băn khoăn, ray rứt: kiếm
sống, hội nhập, mất gốc, tiếng mẹ đẻ ........



TiengMeDe-CoBuiMyDuong.pdf
Adobe Acrobat document [146.0 KB]

 

Quê Mẹ

 

Cô Bùi Mỹ Dương

 

Quê Mẹ, quê Cha, đất Tổ là nơi chôn nhau, cắt rốn hay là nơi được sinh ra đời của một người. Ngày nay con dân Việt-Nam tản mát khắp năm châu, bốn bể thì quê Mẹ hay quê Cha đất Tổ để người Việt hải ngoại gọi là đất nước thân yêu Việt-Nam.

 

Để thi-vị hóa, nhạc và thơ sẽ minh-họa lại hình ảnh của quê-hương cũng như vinh danh các bậc anh-hùng dân-tộc đã dựng nước và giữ nước. Nhạc-sĩ Thẩm-Oánh trong bài “ Hùng-Vương” cho thấy nước Việt là một nước có Văn-Hiến, có Nguồn-gốc, cội-rễ......

QueMe-CoBuiMyDuong.pdf
Adobe Acrobat document [358.9 KB]

 

Quê hương thứ hai

nước Mỹ

 

Cô Bùi Mỹ Dương

 

Hiệp-chủng-quốc hay Hiệp-chúng-quốc là danh-xưng của nước Mỹ.
Nơi đây đã tụ-họp nhiều sắc-dân. Họ chung sống với nhau trên mảnh đất rộng lớn,
rồi khai-phá phát-triển để trở thành một cường-quốc trên thế-giới.

 

Nước Mỹ đã mở rộng vòng tay đón nhận những người phải bỏ nước ra đi vì đàn-áp tôn-giáo hay chính-trị hà-khắc, khởi đầu là tù nhân bị đầy, sau là những người bên trời Âu đi tìm tự-do và đất sống. Con thuyền Mayflower từ Âu-châu đã cập bến Tân Thế-giới mang bao di-dân, hiện nay còn dấu tích nhóm di dân đầu tiên. Bến New York sau này dựng tượng nữ Thần Tự-Do của điêu khắc gia người Pháp tặng như để vinh-danh một miền đất hứa: Tự-do, Dân-chủ, Hạnh-phúc. Mỗi năm nước Mỹ có ngày  “Tạ-ơn” Thanksgiving truyền-thống để cám-ơn ông Kha-Luân-Bố tìm ra châu Mỹ, thổ dân “da đỏ” đã cùng người mới đến chung sống, chia sẻ những gian khổ của thời lập-quốc.......

QueHuongThu2NuocMy-CoBuiMyDuong.pdf
Adobe Acrobat document [158.7 KB]

 

Thoát Hiểm

 

Cô Bùi Mỹ Dương

 

Sau 52 năm rời làng quê, 50 năm xa Hà-Nội và 30 năm lìa xa đất nước thương yêu, tuổi càng cao thì những kỷ-niệm, hình ảnh của dĩ vãng càng thôi thúc mong có ngày tìm gặp lại ....

ThoatHiem-CoBuiMyDuong.pdf
Adobe Acrobat document [341.2 KB]

 

TÌNH

 

Cô Bùi Mỹ Dương

 

 

Các bạn đừng vội nghĩ tôi lẩm cẩm vì sao từng tuổi này còn nói tới chữ Tình?

 

Thưa các bạn con người ta có những Bẩy thứ tình mà chữ Hán gọi là Thất tình: Hỷ, Nộ, Ai, Lạc, Ái, Ố, Dục, đó là những cảm tính của con người bình thường.

 

Bây giờ chúng ta hãy khai thác những tình cảm đó qua cuộc sống bằng thơ, văn, nhạc và truyện của các nhà văn, nhà thơ, ca-dao, truyện-ký, tất cả nói lên tâm-tình, phản ứng của mỗi người khi gặp cảnh-ngộ trong chốn hồng trần này...........



Tinh-MyDuong.pdf
Adobe Acrobat document [312.3 KB]

 

 

 

Thư Cho Con

 

Cô Bùi Mỹ Dương

 



 

 

Chẳng có một kỷ-niệm hoặc ấn-tượng nào về quê-hương Việt-Nam yêu-dấu. Bố mẹ lo lắng sợ rằng con lớn lên nếu không được dạy dỗ sẽ chẳng biết nguồn cội, dân-tộc, sống không lý-tưởng.
Vậy nên mặc dầu bận việc mưu-sinh nhưng mẹ cũng cố-gắng lo từ cuộc sống đầy đủ,
việc học cho mai này có tương lai đến việc uốn nắn cho con để biết mình là người
Việt-Nam không mất gốc.

ThuChoCon-1.pdf
Adobe Acrobat document [317.3 KB]

 

Thư Gửi Cho
 
Con Trai Út

 

 

 Cô Bùi Mỹ Dương

 



Hoàng-Việt thân mến, hôm nay mẹ lại gửi thư cho con, Việt ơi cứ mỗi lần sinh-nhật của con là mẹ lại viết thư vì ở xứ Mỹ này thì giờ quá ít ỏi, mẹ con mình không có nhiều thì giờ cho nhau.
Hoàng-Việt thân cách đây 34 năm khi bố mẹ dắt díu đàn con chạy khỏi Việt-Nam để thoát nanh-vuốt của bọn Cộng-Sản vô-thần, gia-đình ta may-mắn bình-an đến được bến bờ Tự-Do. Vui mừng vì tránh khỏi hiểm-họa Cộng-Sản, nhưng lo các con quên nguồn gốc và ngôn ngữ mẹ đẻ. Con ơi thật là đau buồn khi con là người Việt mà không thể nói và viết được tiếng Việt.

ThuGuiConTraiUt-2.pdf
Adobe Acrobat document [482.1 KB]

Video Kỷ Niệm Sinh Nhật 70 Tuổi

Cô Bùi Mỹ Dương

Giáo Sư Quốc Văn 

Trường Trung Học Nguyễn Thượng Hiền