Hồ Văn Xuân Nhi
Khóa
76
Orange
County
Năm 1970 thì thầy Nguyễn Tiến Thành về làm hiệu trưởng chính thức đầu tiên của trường trung học Tân Bình. Trước đó, thầy Nguyễn Ngọc Xương là Xử lý Thường Vụ chức
vụ Hiệu Trưởng cho đến khi thầy Thành chính thức nhận nhiệm sở. Trong tất cả các Thầy, Cô trường xưa, thì HVXN sợ nhất là thầy HT Nguyễn Tiến Thành, lúc đó.
Thầy còn trẻ, chắc lúc đó trung tuần tuổi 30. Nhưng dáng thầy nghiêm nghị, trông có vẻ "dữ" hơn nữa kìa. Học trò cả trường, đứa nào thấy Thầy chắc đều sợ hết, chứ
không riêng mỗi HVXN. Giờ đang học, Thầy thường đi bộ qua lại dãy hành lang, nhìn vào từng lớp, kiểm tra thầy cô đang dạy hay học trò đang học, xem như thế nào. nhưng HVXN chưa hề bị Thầy kêu tên hay
kỷ luật lần nào, cho đến khi...
Đó là mùa Xuân năm 1975...
HVXN hoạt động trong khối Báo Chí của Ban điều hành học sinh, tụi này được giao làm tờ báo Xuân năm 1975. Có lẽ là tờ báo Xuân cuối cùng của trường, vì đến tháng 04
đã thay đổi thời cuộc đất nước.
Nhóm báo chí tụi này có Hưng Quang, Lê Thị Nga, Cúc Vàng, Kim Thoa, và nhiều nữa... Khi tờ báo Xuân 1975 chủ đề "Nguyễn Thượng Hiền, Này Dấu Yêu Chưa Lần Tay Vẫy "
in xong, phát hành trong và ngoài trường. Ban báo chí đem báo Xuân đi bán ở các trường bạn thời này vui nhất, có lý do chính đáng trốn học và được phép đi chơi. Hưng Quang và HVXN phát hành báo chí
một cách thoải mái và vô tư.
Nhóm phát hành tụi này, con trai cùng lớp rủ nhau trốn học lấy lý do đi bán báo trường bạn. Có Đỗ Tuấn Linh, Bùi Chính Trực, Trần Doãn Nhân, .... nhiều tên năn nỉ
và bạn bè hồ hởi rủ nhau đạp xe đến trường bạn. Gia Long., Trưng Vương, Lê Văn Duyệt, Saint Thomas, Marie Currie, Lê Quý Đôn... hay các trường xa xôi ở quận 8, Thủ Đức, quận 5. Ghét đến trường con
trai, chỉ thích đến trường con gái, hay trường có gái có trai, danh sách nhóm bán báo tụi này là vậy.
Thật ra có nhiều nhóm bán báo, nhưng riêng nhóm của HVXN hay Hưng Quang dẫn đầu là làm việc như thế, đến trường con gái ưu tiên. Không cần biết bán báo có tiền hay
có lời hay không, báo đem đến các trường bạn, trường nữ và nhìn các nàng áo trắng trường người ta xinh quá. Tuổi nhỏ ấu trĩ nhưng đã biết sống hào hoa, phong lưu, HVXN và Hưng Quang cứ mạnh tay, mạnh
miệng ký tên và mời mọc tặng báo cho các người đẹp của trường bạn. Không cần mua, không cần trả tiền, chỉ cần có nụ cười... là có báo biếu !!!
Có lớp, có nơi, nhiều chị xinh xinh, Hưng Quang đứng hát giữa lớp, tặng các nàng, nghe Quang "Cò" hát xong, các chị mua báo ào ào. Hưng Quang và HVXN thích ký tên
trên báo, tặng những người con gái xinh xinh. Bán xong trường nào, cả đám năm bảy thằng rủ nhau ra Gia Long ăn bò bía, chè đậu đỏ...
Con đường Bà Huyện Thanh Quan chiều nào suốt mùa Xuân tháng Giêng năm đó, đều có bóng dáng những chàng trai áo trắng Nguyễn Thượng Hiền... Tiền bán báo cứ trả thả
dàn cho các hàng chè, hàng bò bía, hàng nước mía hay những tô bún bò Huế bán trước cổng trường. Không cần đếm, không cần lập sổ sách... tiền xài vô tư cứ như tiền túi của mình. Hết báo, về lại
trường, tổng kết sổ sách, thời đó 1975 đếm tiền mới biết thiếu hụt vài trăm ngàn bạc.
Chết rồi tụi bây ơi..!!!
Không thằng nào có tiền để bù đắp, nhìn nhau cười lo âu.
Báo cáo đưa lên thầy hiệu trưởng Nguyễn Tiến Thành. Thầy nghiêm khắc cho biết sẽ cảnh cáo đuổi học (chỗ này cần xem lại, đuổi học hay kỷ luật) kỷ luật tất cả những
tên cầm đầu. Người đó là HVXN. Vợ thầy hiệu trưởng là bạn dạy học cùng trường với Mẹ của HVXN, dạy bên trường Ngô Sĩ Liên. Mẹ nghe nói, về nhà HVXN bị đòn một trận. Các thầy, cô trong trường biết
chuyện, cũng lo âu giùm.
Dù sao thằng HVXN này cũng rất tích cực hoạt động cho trường ta, sinh hoạt nào nó cũng làm việc dấn thân, thôi tha cho nó, con trai mà, đuổi học nó, nó không
thi được, sẽ đi lính binh nhì mất. Các thầy cô, phu nhân thầy Hiệu Trưởng, đồng lên tiếng năn nỉ xin cho HVXN và đám con trai đồng lớp quậy này.
Chuyện chưa ngã ngũ, chưa có quyết định gì, nhưng thầy Hiệu Trưởng chưa đem HVXN ra hội đồng kỷ luật như ông đã tính. Rồi tháng 04 đen xảy đến, HVXN theo gia đình
lên chuyến bay Tân Sơn Nhất rời quê hương. Chưa bị đuổi học, nhưng đã bỏ trường mà đi.
Tháng Giêng năm 1988,
HVXN quay trở lại Việt Nam lần đầu tiên. Lúc đó HVXN là một nhân viên làm việc cho Quốc hội Liên bang Hoa Kỳ, vai trò Phụ tá cho một vị Dân biểu Liên
Bang.
HVXN là người gốc Việt đầu tiên quay lại Việt Nam từ sau tháng 04 năm 1975 một cách chính thức, trong vai trò một viên chức tháp tùng phái đoàn Quốc hội Mỹ đi công
tác Đông Nam Á đầu tháng Giêng năm 1988.
Trong đó, chương trình ghé Việt Nam làm việc với chính phủ Việt Nam để giải quyết các vấn đề nhân đạo, trong đó có vấn đề bảo lãnh ODP..... Sau nhiều ngày làm việc
ở Hong Kong, Mã Lai Á, Thái Lan để đi thăm các trại tỵ nạn, HVXN đến Hà Nội cùng phái đoàn . Đến Hà Nội, dù là lần đầu, nhưng không mang cho HVXN xúc cảm nào., suốt mấy ngày cứ nôn nóng trong lòng.
Muốn nhanh chóng vào đến Sài Gòn, là nơi chốn kỷ niệm của HVXN suốt 17 năm tuổi nhỏ.
Đầu tháng Hai 1988, chuyến bay từ Hà Nội vào đến Sài Gòn, lần đầu nhìn lại và đặt chân lên mảnh đất quê hương yêu thương đầy nhung nhớ sau hơn 12 năm. Sau 2
ngày làm việc với các cơ quan chính quyền Sài Gòn, HVXN yêu cầu cho về thăm mái trường xưa ở ngã tư Bảy Hiền.
Lúc đó trường đã bị đổi tên khác, cái tên Nguyễn Văn Trỗi vào năm đó.
HVXN được cán bộ Sở Ngoại vụ đưa vào thăm trường, còn đang học. Người gặp lại đầu tiên ngay cổng trường, là một thầy cũng tên Thành, xưa gọi ông là giám thị Thành,
Khi nghe nói tên, ông nhận và nhớ HVXN của ngày xưa và HVXN cũng nhớ ông là ai. Nhiều bạn chắc phải nhớ, thầy này thấp người và lé mắt, làm giám thị thời trước 75, sau vẫn làm việc như
thế.
Thầy giám thị Thành, cho biết thầy hiệu trưởng Nguyễn Tiến Thành và gia đình vẫn còn sống ở đây, trong một căn nhà nhỏ phía sau khu đất Đại Hàn năm
xưa...
Ông đưa tôi vào thăm Thầy hiệu trưởng của tôi ngày xưa....
Thầy trò gặp nhau, nước mắt tuôn trào. Những người bạn Mỹ trong đoàn, cũng đi theo, chứng kiến hình ảnh xúc động này giữa thầy xưa và trò cũ.
Nước Mỹ có tên học trò hay ông thầy nào mà yêu thương tình nghĩa với nhau như thế này bao giờ đâu???
Thầy tôi, giờ đang liệt thân từ sau một cơn xúc động xảy nên biến chứng mạch máu não vì ông đã quá lo lắng cho các con gái sau lần chúng vượt biển thất bại, đi tù.
Thầy vẫn nhớ tôi là ai, cái thằng HVXN ngày xưa phá tiền báo chí trường đây mà.
Cô phu nhân HT vẫn nhớ tôi là ai, cái thằng HVXN con trai bà bạn dạy cùng trường Ngô Sĩ Liên kia mà....
HVXN nhìn thầy cô, thương quá....
Thầy Cô đưa cho HVXN một xấp giấy tờ hồ sơ bão lãnh ODP đang dở dang chờ đợi bao nhiêu năm. Vì Cô có bà Cụ thân mẫu đang ở tiểu bang Colorado bảo lãnh cho gia đình
di dân nhưng VC đang ngưng các hồ sơ lúc đó.
Chương trình ODP lúc đó đang bị tạm ngưng giải quyết từ phía nhà nước VN. HVXN hứa với Thầy Cô, sẽ hết sức tận tụy can thiệp cho chuyện này trong khả năng và
chức vụ của mình lúc đó. Gần một giờ đồng hồ dành với Thầy Cô lần đó, hình như lúc đó có cả cô giám thị Năm cũng có mặt.
Khi rời VN quay trở lại Bangkok, HVXN trình toàn bộ hồ sơ lên ông Bruce Beardsley là giám đốc chương trình ODP tại Sứ quán Mỹ. VXN năn nỉ ông ta lưu tâm đến hồ
sơ của Thầy tôi. Ngày trở về Mỹ, ông sếp của HVXN tức Dân Biểu Robert K. Dornan gửi một văn thư cho Cơ Quan Di Trú Hoa Kỳ để xin giải quyết các hồ sơ ODP mà chúng tôi mang về từ Việt Nam. Ông còn
viết một văn thư cho đại sứ cộng sản VN tại Liên Hiệp Quốc lúc đó là ông Trịnh Xuân Lãng xin cho phép giải quyết các hồ sơ này. Trong đó HVXN ưu tiên hồ sơ của gia đình Thầy Nguyễn Tiến
Thành.
Thầy Cô Nguyễn Tiến Thành và gia đình đến Colorado đoàn tụ và định cư một thời gian ngắn sau đó. Khi đến Mỹ, thầy cô báo tin cho HVXN, mừng quá ơi là
mừng.
Năm 1991 hay 1992 gì đó, HVXN kính mời Thầy Cô sang California lần đầu tiên.
Một buổi họp mặt hội ngộ với hơn 100 học trò đã được tổ chức tại nhà hàng Bamboo đường Brookhurst, thành phố Westminster.
Thầy Cô và các em đến California chuyến đầu. Học trò vinh danh Thầy hiệu trưởng, đón mừng Thầy và gia đình đến nước Mỹ, đến California. Từ chuyến đi hội ngộ với các
học trò cũ, khi trở về gia đình Thầy Nguyễn Tiến Thành quyết định định cư sang California.
Ở đây cũng có nhiều thân nhân của Thầy Cô nhưng đông nhất là các học trò cũ và thời tiết lại ấm quá. Nhưng đó là tin vui mừng cho học trò trường Nguyễn đang sống
đông đảo ở miền nam California. Cho dù xưa có sợ Thầy khó đến đâu, hay cho dù đã có bị Thầy quở, phạt mình thế nào, Học trò trường Tân Bình hay Nguyễn Thượng Hiền vẫn nhớ và yêu thương Thầy vô
cùng... Và bây giờ, nhìn Thầy, ai cũng nhận ra sự hiền lành, phúc hậu, và thương học trò.
Thầy xưa có nghiêm khắc, là cũng vì quá thương đám học trò của mình. Phải khó thì giờ này chúng mới thương yêu mình như thế chứ vì chúng đã thành nhân, thành danh
hôm nay rồi, từ cái khó đó kia mà.
Gia đình của Thầy Cô Hiệu Trưởng và các em trong nhà, luôn gắn bó với các sinh hoạt bạn bè trường và Hội sau này. Lúc nào cũng có Thầy, có Cô có các em đến với
nhóm, với Hội từ hơn 20 năm nay. Thầy nay sức đã yếu thân xác, nhưng trí óc còn minh mẫn ngày nay lắm, chuyện xưa đều nhớ.
Tên các Thầy Cô ở trường, tên các học trò các niên khóa, thầy vẫn nhớ.
Thầy tôi, vẫn còn đây, và mãi mãi còn trong lòng tất cả chúng tôi.
HVXN