Cô Bùi Mỹ Dương

 

 

 

Cô Bùi Mỹ Dương

Giáo Sư Quốc Văn, 1969 - 1975.

Hiện nay đang cư ngụ tại Irvine, California

Cố Vấn cho Ban Website và

Ban Điều Hành Nhiệm Kỳ 2

 

Trang Bài Viết – Cô Bùi Mỹ Dương

Lê Thị Nga - 75

Nguyễn Văn Cấp - 75

Bùi Phúc Hoan - 75

Hồ Văn Xuân Nhi - 76

Lê Thị Nga

Khóa 75

San Jose

 

Năm lớp tám (1970-1971) tôi học Việt Văn với cô Mộng Thúy. Lần đầu tiên tập viết văn và bài văn được cô Thúy chọn đăng trên báo tường của lớp 8. Mừng rơn. Không ngờ mình cũng có tài viết lách.

 

Lên lớp chín, và lớp mười (1971-1973) học Việt Văn với cô Mỹ Dương. Năm đó được cô chấm hạng nhất môn Văn nên nhớ cô mãi. Đám con gái đứa nào cũng mê cô (con trai chắc còn mê bạo hơn ?). Trong ký ức của tôi cô đẹp lộng lẫy. Da trắng bóc, hay mặc áo dài màu tươi cổ thuyền (áo dài kiểu bà Nhu). Cô có đôi môi đẹp và nụ cười tươi. Bây giờ nhắm mắt lại, tôi vẫn còn hình ảnh cô trong đầu. Dạy lớp chín, cô có vẻ nghiêm trang.

 

Nhưng khi chúng tôi lên lớp mười, có lẽ thấy các học trò đã có vẻ người lớn hơn, nên cô rất cởi mở. Cô hay nói chuyện về đời sống và gia đình với học trò. Chúng tôi học hỏi từ cô không chỉ môn học Việt Văn mà còn là cách sống, cách suy nghĩ để trưởng thành trong cuộc đời.



Nguyễn Văn Cấp

Khóa 75

Houston

 

Kỷ niệm của Cấp với cô Dương rất rõ vì cô là cô giáo đầu tiên của Cấp học ở NTH.

 

Năm lớp 9, nhà Cấp dọn về gần cư xá Lữ Gia nên đổi trường từ trường trung học Nguyễn Trãi về NTH cho tiện đi học. Sau khi làm thủ tục nhập trường, giám thị trường cho phép lên lớp. Lớp đầu tiên vào lại đúng giờ viết văn của cô Dương.

 

Cảm nhận đầu tiên của mình về cô Dương là sự phúc hậu và phảng phất sự nghiêm nghị của một nhà giáo. Vào lớp lần đầu bỡ ngỡ, mình chào cô và tự giới thiệu rồi cô cho phép vào chỗ ngồi. Giờ học của cô Dương luôn luôn hồi hộp vì cô có mục trả bài mỗi đầu giờ rất kỹ. Cô thường lấy cây bút đi từ trên xuống và gọi lên trả bài. Không may cho tôi, hôm đó thấy cây bút của cô đã xuống cuối sổ điểm rồi nhưng cây bút lại nhảy lên phần đầu sổ. Thiệt là xui xẻo mới sau 3 ngày đã bị dính tên lên trả bài. Vì chuyển trường nên bài vở chưa được chép lại và cũng không thuộc bài. Hôm đó, tôi cũng cố gắng dùng trí nhớ trả bài cho cô theo đại ý của bài văn và được cô cho 13 điểm. Hú vía vì cô nổi tiếng cho điểm ít!

Theo thời gian của cuộc đời, hơn 30 năm sau ngày gặp lại cô ở Houston vào mùa Giáng sinh năm ngoái, nay cô Dương rất cởi mở với học trò. Cô và đám học trò nói chuyện rất thoải mái, trao đổi những kỷ niệm xưa. Và tôi, một lần nữa, được học hỏi từ cô những cách cô đã dạy dỗ các con và cháu. Thật là những kinh nghiệm quý báu. Được biết nhờ sự dạy dỗ của cô mà các em, các con của cô đều thành đạt. Cô dành cho đám học sinh NTH ở Houston hơn 6 tiếng thân thương mà dường như thời gian lại đi qua nhanh.

Cô và đám học trò bùi ngùi chia tay và hẹn ngày tái ngộ.



Bùi Phúc Hoan

Khóa 75

Colorado

 

Nói về cô Dương thì tôi, Bùi Phúc Hoan, nhớ rất rõ. Không phải vì cùng họ với cô mà vì sự lãnh hội sâu đậm trong tiềm thức của tuổi dậy thì.

 

Sửa soạn bước gần vào tuổi quân dịch trong thời dầu sôi lửa bỏng của mùa hè đỏ lửa, "ít nhiều" con trai chúng ta hồi đó cảm thấy bồn chồn, bất kháng, ngang bướng, hỗn loạn, sợ hãi, chán chường, tham sống, tham yêu...& nhất là muốn làm cách mạng cho đời mình.

 

Không lối thoát, tuổi trẻ chúng ta đa số học gạo, vướng vào đam mê hay cả hai...

 

Tôi đam mê văn chương, hội họa & âm thầm biết ngắm con gái. Nhưng hoàn cảnh gia đình, tôi nghĩ đến chuyện học nhảy lớp và học nghề cấp tốc kiếm tiền để cứu vãn hiện tại khó khăn của gia đình vì tôi không được may mắn như đa số chúng bạn cùng lớp.

 

Đầu năm 71-72 của lớp 9A2, cô Dương gọi tôi lên trả bài mà đầu tôi chứa toàn chữ của Kim Dung, Duyên Anh, Đinh Tiến Luyện, Hoàng Anh Tuấn, Mường Mán, Phạm Thiên Thư v.v...nên không thuộc bài mà bài tập cũng không làm luôn. Đã vậy tôi còn già họng "tại bị" đổ thừa là mắc học nghề kỹ nghệ lạnh. Cô Dương nghiêm khắc thẳng thừng khiển trách trước mặt đám con gái nhởn nhơ xinh đẹp cùng lớp, nhất là có sự hiện diện của "người con gái đó" là 2 chọn 1: "em nên nghỉ học để đi học nghề "

 

Tự ái bừng bừng trên lưng con ngựa hoang, tôi bắt đầu đọc cổ văn, nghiền ngẫm Tự Lực Văn Đoàn rồi học thuộc lòng "Chí Làm Trai" & thuộc hầu hết thơ của Nguyễn Công Trứ...Nhưng bài thi lục cá nguyệt tôi nộp cho cô Dương vẫn giấy trắng hay chỉ vài chữ có lệ & cô Dương nghiêm khắc thể hiện sự thất vọng về tôi bằng những lời phê trong học bạ.

 

Những lời phê ngắn ngủi vài chữ đó về sau gián tiếp có tác dụng thuận cho tôi khi tôi vào đời.

 

Ngày hôm nay tôi vẫn còn giữ cái cái học bạ đó & luôn luôn công nhận cô Dương là một trong những nhà giáo thành công nhất mà tôi may mắn được học cô.

 

Cám ơn cô Bùi Mỹ Dương.



Hồ Văn Xuân Nhi

Khóa 76

Orange County

 

Cô Bùi Mỹ Dương từng là giáo sư hướng dẫn (sau này gọi là chủ nhiệm lớp) của lớp 8A3 (71 - 72) mà HVXN học.

 

Năm 1973, lớp 9A3 của HVXN thắng giải xã hội vì lạc quyên nhiều tiền nhất trong các lớp và được chọn đi cắm trại 2 ngày ở biển Vũng Tàu, là do cô Bùi Mỹ Dương đã góp thêm cho lớp tụi này để có số tiền lạc quyên lớn.

 

Với cá nhân HVXN, học môn Quốc văn cô Dương dạy là môn duy nhất mà mình luôn được điểm cao. Còn lại các môn khác thì HVXN từ kém đến dốt.

 

Có mấy lần cô Dương chấm bài viết văn, bài của HVXN được điểm cao nhất lớp đồng điểm với Nguyễn Thị Phương Liên, lúc bấy giờ là lớp trưởng và là học sinh giỏi nhất lớp, người luôn được giải thưởng ưu tú của trường.

 

Cả 3 anh em nhà HVXN gồm: HVXN đệ I, HVXN đệ II và HVXN đệ III đều học cô Bùi Mỹ Dương.

 

Có lần thằng em kể lại, ngày đầu niên khóa lớp 8 của nó được điểm danh bởi cô Bùi Mỹ Dương, thì khi đọc tên HVXN cô Dương đã ngạc nhiên kêu lên: "Ô hay, tên Hồ Văn Xuân Nhi này đã lên lớp rồi mà sao bây giờ còn đây nữa?".

 

Lúc đó cô mới biết có chuyện tên Hồ Văn Xuân Nhi Đệ II là thằng em ruột của Hồ Văn Xuân Nhi Đệ I, học sau lớp.

 

Ở Mỹ, hầu hết những lần HVXN tổ chức họp mặt từ trước khi lập Hội và cho đến 3 lần đại hội của Hội, đều có cô Bùi Mỹ Dương tham dự.

 

Thời HVXN và bạn bè làm báo Tuổi Ngọc ở Mỹ vào thập niên 80, các con của cô Bùi Mỹ Dương là những độc giả trung thành của tờ báo.